Múa chuông - vũ điệu linh thiêng của người Dao đỏ ở vùng cao Lào Cai

Trong điệu múa chuông của người Dao đỏ, chiếc chuông nhỏ bằng đồng là đạo cụ chính để tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn.

Điệu múa chuông thường được dùng trong các nghi lễ đặc biệt của người Dao. (Nguồn: Báo Lào Cai)
Điệu múa chuông thường được dùng trong các nghi lễ đặc biệt của người Dao. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Trong không gian nhà văn hóa thôn Bản Pho, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, hơn chục bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên đang miệt mài tập luyện những điệu múa chuông truyền thống của người Dao.

Cả nam và nữ chia thành từng nhóm 6 người, khi múa, tay trái người múa cầm chiếc đóm, tay phải cầm chiếc chuông để đánh nhịp, một người dẫn xướng. Vừa múa, họ vừa hát những bài hát cổ xưa, mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con cái trong từng gia đình.

Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, sợi tua màu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt.

Tiếng chuông lúc xa, lúc gần, khi nhanh, khi chậm như thúc giục, như mời gọi khách phương xa tới thăm bản làng với những con người chân phương, mộc mạc, thân thiện, mến khách.

Trong các nghi lễ của người Dao đỏ ở vùng cao Lào Cai, múa chuông là vũ điệu linh thiêng, thường được sử dụng trong nhiều nghi lễ truyền thống.

Trong điệu múa này, chiếc chuông nhỏ bằng đồng là đạo cụ chính để tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn.

Người Dao có nhiều bài múa chuông, mỗi bài múa ở những dịp khác nhau sẽ mang ý nghĩa khác nhau.

Trong Lễ cấp sắc, điệu múa chuông sẽ do thầy cúng và trai tráng thực hiện, thường kết hợp với lời hát (lời khấn) của thầy cúng, có ý nghĩa trang trọng, linh thiêng, mang không khí vui mừng, phấn khởi.

Khi điệu múa được thể hiện trong lễ giải hạn, làm ma, làm vía lại mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiễn người chết về cõi âm, chia buồn với gia chủ hoặc cầu mong những người còn sống bình an, mạnh khỏe.

Điệu múa chuông khi thực hiện ở các lễ hội đầu năm là để mong một năm mùa màng tốt tươi, bội thu; đến cuối năm là múa mừng được mùa, thay lời tạ ơn tổ tiên...

Trong đời sống của người Dao Đỏ tồn tại hệ thống nghi lễ vô cùng đa dạng và phong phú như: lễ cúng tổ tiên, lễ thêm khẩu (thim miền khu), lễ cúng mẹ Hoa (pièng miến), lễ cúng hồn (chang vần), cúng hồn lúa (síp bèo vần), cúng lập xuân (pịa schun), cúng ma ruộng (síp lình miến), cúng thổ công (síp đào tẩy miến/ pụa công), cúng cơm mới (sénh trà phin nhản sènh huây), lễ tẩy uế vào năm mới (trái panh), lễ cởi bỏ ma xấu (stre), cúng Bàn Vương (chấu đàng), lễ cấp sắc (quá tang), đám chay (chấu chây)...

Theo quan niệm dân gian của đồng bào, mỗi nghi lễ đều nhằm mục đích bảo vệ phần hồn của con người, trừ tà, xua đuổi ma quỷ khỏi quấy nhiễu ma tổ tiên và hồn của con người đang sống, cầu mong sự che chở, ban phúc lộc của Ngọc Hoàng, các vị thánh thần, ma tổ tiên.

1101-mua-chuong2-6409.jpg
Chiếc chuông là đạo cụ không thể thiếu trong điệu múa truyền thống của người Dao. (Nguồn: Truyền hình Lào Cai)

Múa của người Dao Đỏ chủ yếu được dùng trong các nghi lễ như gọi hồn, tẩy uế vào năm mới, cấp sắc, tang ma, cúng Bàn Vương...

Ngoài múa chuông, người Dao còn có múa tay không, múa lửa, múa kiếm và múa dao, múa gậy...

Người Dao đỏ coi múa chuông là điệu múa linh thiêng nên luôn gìn giữ, truyền dạy cho con cháu.

Trước sự phát triển của văn hóa hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc có nguy cơ mai một. Ý thức được điều đó, các bạn trẻ xã Bản Qua, huyện Bát Xát, đang nỗ lực gìn giữ, phát huy điệu múa chuông linh thiêng của dân tộc mình.

Còn tại ở bản Bông 1-2, nhiều bạn trẻ người Dao đang theo học múa cùng các thành viên trong đội văn nghệ.

Để giữ gìn và bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn, trong đó có điệu múa chuông truyền thống của dân tộc Dao đỏ, xã Bảo Hà đã phối hợp với Ban Quản lý di tích huyện Bảo Yên thành lập Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian đền Bảo Hà vào tháng 6/2023.

Câu lạc bộ gồm 4 đội văn nghệ: Hát then, hát chầu văn, múa của người Dao đỏ và múa của người Mông.

Nhờ tập luyện được nhiều bài múa chuông đẹp, đặc sắc, đội văn nghệ người Dao đỏ đã nhiều lần đại diện địa phương biểu diễn tại ngày hội văn hóa dân tộc Dao ở Sa Pa và Lai Châu.

Họ hoạt động rất tích cực và hiệu quả, thu hút nhiều người trong bản tham gia, trong đó có cả học sinh, góp phần truyền dạy cho thế hệ trẻ tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Xã luôn tạo điều kiện tốt nhất, ngoài hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định còn thường xuyên động viên, khích lệ các đội văn nghệ duy trì tập luyện và tham gia các hội diễn, lễ hội trong và ngoài huyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục