Huyện Mù Căng Chải nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, phía Bắc giáp Văn Bàn (Lào Cai), Nam giáp Mường La (Sơn La), Tây giáp Than Uyên (Lai Châu), Đông giáp Văn Chấn.
Đây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất Việt Nam, nhưng có nhiều ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia và xếp hạng một trong nhưng nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á.
Đêm Mù Căng Chải
Tôi hãy còn nhớ như in buổi tối nằm ngủ tại Mù Căng Chải. Ngủ ở vùng cao đã nhiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có cảm giác gần gũi với sự hoang sơ và đôi chút bí ẩn của một miền đất lạ ít được khai phá.
Khi mở tung cánh cửa sổ phòng, trước mặt tôi là cả cánh đồng ruộng bậc thang. Ban ngày chúng lộng lẫy là thế, giờ đây chỉ còn một mảng tối kỳ bí đầy âm hưởng dội về, rồi âm ỉ đâu đây trên những vách núi cao nơi có tộc người Mông sống ở đó.
Họ ở tít trên cao, lẩn giữa núi rừng và đá lạnh. Màn đêm đã đổ ụp xuống, tôi được cảnh báo rằng, không nên mở cửa sổ suốt đêm, bởi những con bọ thấy ánh đèn sẽ bay đến. Tự nhiên nhớ đến “Hóa thân” của Kafka, kể về anh chàng G. Samsa một ngày kia tỉnh giấc chợt thấy mình hóa thành con bọ.
Giấc ngủ đã trôi qua như thế - một đêm lạnh ở Mù Căng Chải, rất đỗi lạ lùng. Sáng sớm, khi còn nằm trong chăn, giữa tĩnh lặng, bỗng những âm thanh đâu đó vọng về. Hình như chúng từ núi cao, giống tiếng tù và, tiếng mõ trâu... Mà cũng không hẳn, đó chỉ là những thanh âm mơ hồ, thang thảng mà âm u...
Lén hé cánh cửa sổ, không nhìn thấy gì cả, ngoài trời vẫn rất tối. Chưa sáng hẳn. Chưa có ánh bình minh. Chỉ một màu của bóng tối với lấp ló những ánh lân tinh, tôi vội vã đóng ập cửa sổ lại. Và lại thiếp đi, trong khi cố lắng nghe những âm thanh mơ hồ từ một nơi xa và nghèo nhất nước ấy.
Nấc thang vàng
Buổi sáng náo nhiệt đã đến. Nhịp nhàng rộn rã ở một góc chợ nào đó, nhưng âm thầm và lặng lẽ từng bước chân vượt núi. Và trên núi đá kia, họ đang lao động. Họ đang hoạt động. Không ai ngưng nghỉ cả. Nhưng họ không quá vội vã tất bật và đầy lo âu trên khuôn mặt.
Có lẽ, trên các thửa ruộng bậc thang kỳ lạ kia, là những khuôn mặt ngàn đời vẫn thế. Hiền lành thật thà và hồn nhiên. Khi ánh nắng thu trải dài trên các triền núi, chúng tôi hân hoan ngắm cảnh vật xung quanh. Con mắt được thỏa thuê nhìn ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang kế tiếp nhau, nằm trên thung lũng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình. Ngút ngàn, mênh mông.
Có lẽ duy nhất ở nơi này, ruộng bậc thang cũng bát ngát như biển khơi ngoài kia vậy. Cái kỳ vĩ bao la ấy cùng với ánh sáng thiên nhiên làm cho con người như ngộp thở vì hạnh phúc được thụ hưởng vẻ đẹp của tạo hóa. Nhất là với ánh nắng thu vàng rượi, dịu dàng. Sắc màu ruộng bậc thang thì khỏi nói rồi. Xanh vàng xen kẽ nhau, từng đường cong quyến rũ.
Chúng đều đặn, uốn lượn, từng nấc từng nấc bám theo núi cao, như lẩn vào mây trắng mà lên tới trời. Hít căng lồng ngực, hít vào thở ra, thật sâu. Mùi hương lúa, mùi của đồng ruộng của sự thoáng đãng và hơn nữa, không có mùi của sự toan tính bất an của đường phố thị thành...
Đồng lúa gặt xong
Tôi còn nhớ họa sỹ Quách Đông Phương trong một lần trả lời phỏng vấn về cái Nhạt, có nói về việc tại sao anh thường đi vùng cao mỗi khi mùa lúa đã gặt xong: “Cái Nhạt đối với tôi đồng nghĩa với văn minh. Càng văn minh, càng nhạt".
Họa sỹ Quách Đông Phương tâm sự, tôi sợ văn minh, nó có một sức hủy diệt văn hóa, mất văn hóa, và thế là ta sẽ nhạt (...) Người Mông và những người dân tộc khác ở vùng cao, phiên chợ nào cũng chỉ ăn thắng cố, uống bát rượu ấy, mặc bộ quần áo ấy, đi chặng đường từ trên núi xuống chợ... Chính ta, những người của đô thị đang tác động biến đổi họ chứ họ không hề nhạt...
Bà con ở vùng cao biết khoảng tháng 9-10 anh em nhiếp ảnh lên ầm ầm, phòng đắt, phở đắt. Tôi không lên vào thời gian đó. Bà con bảo: “Lúa chín đẹp thì chú không lên, giờ mới lên thì còn cái gì đâu”. Tôi cười: “Dạ không ạ, cháu lên không phải để chụp lúa ạ”. “Thế cậu lên để chụp gì?” - “Cháu chụp... rạ ạ!". Đấy câu chuyện như thế, làm sao chán, làm sao nhạt được.
Vâng, với người đi vùng cao hàng chục năm nay, bao mùa, bao lần đi, quen từng số phận của người dân vùng cao thì họa sĩ Quách hẳn có cái lý riêng của anh. Tôi chỉ biết rằng, mùa lúa năm nay, các nhà nghỉ, khách sạn quanh Tú Lệ, Mù Căng Chải đã cháy cạn phòng do khách từ khắp nơi đổ đến.
Nhất là thời bây giờ, thời của máy ảnh kỹ thuật số, nên người ta ưa thích đi chụp ảnh lúa vùng cao. Chính vì thế mà thời điểm gặt giữa tháng 9 là lúc “so hot” ở Mù Căng Chải. Sự tương tác giữa các du khách thành thị với bà con dân tộc cũng góp phần nào vào sự biến đổi về văn hóa. Còn với tôi, cùng đi với nhóm người, thăm lúa lúc đã... gặt xong. Tôi thấy gì...
Tôi đã thấy
Tôi thấy lời trong bài “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh Công Sơn, với những từ ngữ chậm, buồn của tuổi thanh xuân, của cuộc tình đã qua, của nuối tiếc dĩ vãng. Trong đó có câu: “Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang, người về soi bóng mình...”.
Thế nhưng ruộng bậc thang khi gặt xong không buồn, không xấu, không hoang vu như những gì người ta đã sử dụng hết, chỉ còn vứt lại chơ chỏng cái còn thừa. Nó vẫn có vẻ đẹp riêng của nó, của các màu sắc đan quyện vào nhau, của một trật tự trong ngẫu nhiên và dụng ý.
Lấp ló đâu đây, là cả bản làng thanh bình, giản dị giữa ruộng. Nhưng thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp duy nhất một mái nhà giữa cánh đồng ruộng bậc thang. Trong cái bao la mênh mang ấy, một nếp nhà bé tí xíu lọt thỏm, nó đã làm cho du khách đủ thấy yêu đến nao lòng.
Và cứ lặng ngẫm vẻ đẹp của ruộng, của mùi lúa còn sót lại, của màu vàng suộm từng đống rạ (xếp một cách duyên dáng), sẽ thấy được rằng, có lúa chín càng hay, hết lúa rồi, cũng có cái hay khác. Có lẽ đến các họa sĩ khi đến đây cũng ngẩn ngơ với những sắc màu tinh tế đa dạng ấy.
Cũng chỉ chạnh nghĩ đến bản thân một đôi chút thôi, chứ đến đó rồi, tội gì mà còn vướng mắc, tội gì mà còn buồn đến mênh mênh mang mang. Xe cứ ngoặt đi những khúc cua tay áo, lũ trẻ chăn trâu trốn chơi nơi nào, chẳng thấy, chỉ thấy những con trâu cổ đeo lục lạc ngoan ngoãn gặm cỏ chẳng cần biết điều chi trên đời.
Được “lùa” (cười) với bọn trẻ, được hít sâu những mùi vị ngọt ngào trong lành, được nhìn ngắm những cảnh vật thoáng đãng, được nhẹ lòng.../.
Đây là một trong những huyện miền núi nghèo nhất Việt Nam, nhưng có nhiều ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia và xếp hạng một trong nhưng nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á.
Đêm Mù Căng Chải
Tôi hãy còn nhớ như in buổi tối nằm ngủ tại Mù Căng Chải. Ngủ ở vùng cao đã nhiều, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có cảm giác gần gũi với sự hoang sơ và đôi chút bí ẩn của một miền đất lạ ít được khai phá.
Khi mở tung cánh cửa sổ phòng, trước mặt tôi là cả cánh đồng ruộng bậc thang. Ban ngày chúng lộng lẫy là thế, giờ đây chỉ còn một mảng tối kỳ bí đầy âm hưởng dội về, rồi âm ỉ đâu đây trên những vách núi cao nơi có tộc người Mông sống ở đó.
Họ ở tít trên cao, lẩn giữa núi rừng và đá lạnh. Màn đêm đã đổ ụp xuống, tôi được cảnh báo rằng, không nên mở cửa sổ suốt đêm, bởi những con bọ thấy ánh đèn sẽ bay đến. Tự nhiên nhớ đến “Hóa thân” của Kafka, kể về anh chàng G. Samsa một ngày kia tỉnh giấc chợt thấy mình hóa thành con bọ.
Giấc ngủ đã trôi qua như thế - một đêm lạnh ở Mù Căng Chải, rất đỗi lạ lùng. Sáng sớm, khi còn nằm trong chăn, giữa tĩnh lặng, bỗng những âm thanh đâu đó vọng về. Hình như chúng từ núi cao, giống tiếng tù và, tiếng mõ trâu... Mà cũng không hẳn, đó chỉ là những thanh âm mơ hồ, thang thảng mà âm u...
Lén hé cánh cửa sổ, không nhìn thấy gì cả, ngoài trời vẫn rất tối. Chưa sáng hẳn. Chưa có ánh bình minh. Chỉ một màu của bóng tối với lấp ló những ánh lân tinh, tôi vội vã đóng ập cửa sổ lại. Và lại thiếp đi, trong khi cố lắng nghe những âm thanh mơ hồ từ một nơi xa và nghèo nhất nước ấy.
Nấc thang vàng
Buổi sáng náo nhiệt đã đến. Nhịp nhàng rộn rã ở một góc chợ nào đó, nhưng âm thầm và lặng lẽ từng bước chân vượt núi. Và trên núi đá kia, họ đang lao động. Họ đang hoạt động. Không ai ngưng nghỉ cả. Nhưng họ không quá vội vã tất bật và đầy lo âu trên khuôn mặt.
Có lẽ, trên các thửa ruộng bậc thang kỳ lạ kia, là những khuôn mặt ngàn đời vẫn thế. Hiền lành thật thà và hồn nhiên. Khi ánh nắng thu trải dài trên các triền núi, chúng tôi hân hoan ngắm cảnh vật xung quanh. Con mắt được thỏa thuê nhìn ngút ngàn những thửa ruộng bậc thang kế tiếp nhau, nằm trên thung lũng La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình. Ngút ngàn, mênh mông.
Có lẽ duy nhất ở nơi này, ruộng bậc thang cũng bát ngát như biển khơi ngoài kia vậy. Cái kỳ vĩ bao la ấy cùng với ánh sáng thiên nhiên làm cho con người như ngộp thở vì hạnh phúc được thụ hưởng vẻ đẹp của tạo hóa. Nhất là với ánh nắng thu vàng rượi, dịu dàng. Sắc màu ruộng bậc thang thì khỏi nói rồi. Xanh vàng xen kẽ nhau, từng đường cong quyến rũ.
Chúng đều đặn, uốn lượn, từng nấc từng nấc bám theo núi cao, như lẩn vào mây trắng mà lên tới trời. Hít căng lồng ngực, hít vào thở ra, thật sâu. Mùi hương lúa, mùi của đồng ruộng của sự thoáng đãng và hơn nữa, không có mùi của sự toan tính bất an của đường phố thị thành...
Đồng lúa gặt xong
Tôi còn nhớ họa sỹ Quách Đông Phương trong một lần trả lời phỏng vấn về cái Nhạt, có nói về việc tại sao anh thường đi vùng cao mỗi khi mùa lúa đã gặt xong: “Cái Nhạt đối với tôi đồng nghĩa với văn minh. Càng văn minh, càng nhạt".
Họa sỹ Quách Đông Phương tâm sự, tôi sợ văn minh, nó có một sức hủy diệt văn hóa, mất văn hóa, và thế là ta sẽ nhạt (...) Người Mông và những người dân tộc khác ở vùng cao, phiên chợ nào cũng chỉ ăn thắng cố, uống bát rượu ấy, mặc bộ quần áo ấy, đi chặng đường từ trên núi xuống chợ... Chính ta, những người của đô thị đang tác động biến đổi họ chứ họ không hề nhạt...
Bà con ở vùng cao biết khoảng tháng 9-10 anh em nhiếp ảnh lên ầm ầm, phòng đắt, phở đắt. Tôi không lên vào thời gian đó. Bà con bảo: “Lúa chín đẹp thì chú không lên, giờ mới lên thì còn cái gì đâu”. Tôi cười: “Dạ không ạ, cháu lên không phải để chụp lúa ạ”. “Thế cậu lên để chụp gì?” - “Cháu chụp... rạ ạ!". Đấy câu chuyện như thế, làm sao chán, làm sao nhạt được.
Vâng, với người đi vùng cao hàng chục năm nay, bao mùa, bao lần đi, quen từng số phận của người dân vùng cao thì họa sĩ Quách hẳn có cái lý riêng của anh. Tôi chỉ biết rằng, mùa lúa năm nay, các nhà nghỉ, khách sạn quanh Tú Lệ, Mù Căng Chải đã cháy cạn phòng do khách từ khắp nơi đổ đến.
Nhất là thời bây giờ, thời của máy ảnh kỹ thuật số, nên người ta ưa thích đi chụp ảnh lúa vùng cao. Chính vì thế mà thời điểm gặt giữa tháng 9 là lúc “so hot” ở Mù Căng Chải. Sự tương tác giữa các du khách thành thị với bà con dân tộc cũng góp phần nào vào sự biến đổi về văn hóa. Còn với tôi, cùng đi với nhóm người, thăm lúa lúc đã... gặt xong. Tôi thấy gì...
Tôi đã thấy
Tôi thấy lời trong bài “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh Công Sơn, với những từ ngữ chậm, buồn của tuổi thanh xuân, của cuộc tình đã qua, của nuối tiếc dĩ vãng. Trong đó có câu: “Đời sao im vắng, như đồng lúa gặt xong, như rừng núi bỏ hoang, người về soi bóng mình...”.
Thế nhưng ruộng bậc thang khi gặt xong không buồn, không xấu, không hoang vu như những gì người ta đã sử dụng hết, chỉ còn vứt lại chơ chỏng cái còn thừa. Nó vẫn có vẻ đẹp riêng của nó, của các màu sắc đan quyện vào nhau, của một trật tự trong ngẫu nhiên và dụng ý.
Lấp ló đâu đây, là cả bản làng thanh bình, giản dị giữa ruộng. Nhưng thi thoảng, bạn sẽ bắt gặp duy nhất một mái nhà giữa cánh đồng ruộng bậc thang. Trong cái bao la mênh mang ấy, một nếp nhà bé tí xíu lọt thỏm, nó đã làm cho du khách đủ thấy yêu đến nao lòng.
Và cứ lặng ngẫm vẻ đẹp của ruộng, của mùi lúa còn sót lại, của màu vàng suộm từng đống rạ (xếp một cách duyên dáng), sẽ thấy được rằng, có lúa chín càng hay, hết lúa rồi, cũng có cái hay khác. Có lẽ đến các họa sĩ khi đến đây cũng ngẩn ngơ với những sắc màu tinh tế đa dạng ấy.
Cũng chỉ chạnh nghĩ đến bản thân một đôi chút thôi, chứ đến đó rồi, tội gì mà còn vướng mắc, tội gì mà còn buồn đến mênh mênh mang mang. Xe cứ ngoặt đi những khúc cua tay áo, lũ trẻ chăn trâu trốn chơi nơi nào, chẳng thấy, chỉ thấy những con trâu cổ đeo lục lạc ngoan ngoãn gặm cỏ chẳng cần biết điều chi trên đời.
Được “lùa” (cười) với bọn trẻ, được hít sâu những mùi vị ngọt ngào trong lành, được nhìn ngắm những cảnh vật thoáng đãng, được nhẹ lòng.../.
(Đẹp/Vietnam+)