MSIVN hỗ trợ 105 tỷ đồng cho chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản

Kết quả dự kiến của chương trình là có tối thiểu 3 triệu phụ nữ Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các sản phẩm tránh thai phù hợp và chất lượng.
MSIVN hỗ trợ 105 tỷ đồng cho chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản ảnh 1Nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Chiều 18/3, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) đã ký kết một thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án mang tên “Tăng cường tiếp cận bền vững dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng tại Việt Nam.”

Đây là chương trình hợp tác trong 5 năm từ 2015-2020, trong đó MSIVN đóng góp 5 triệu USD (tương đương 105 tỷ đồng Việt Nam) và Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cam kết đối ứng tối thiểu 50% hoặc hơn cho việc thực hiện chương trình.

Dự án thuộc đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020.”

Mục tiêu của chương trình nhằm góp phần cải thiện sức khỏe sinh sản của người dân Việt Nam thông qua việc tăng cường sự sẵn có và tiếp cận bền vững với các dịch vụ và sản phẩm kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng.

Kết quả dự kiến của chương trình là có tối thiểu 3 triệu phụ nữ Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các sản phẩm tránh thai phù hợp và chất lượng; Nâng cao năng lực và cấp chứng chỉ cho khoảng 3.000 người cung cấp dịch vụ nhất là các nữ hộ sinh làm việc tại trạm y tế tuyến xã…

Ước tính tác động từ cung ứng dịch vụ và sản phẩm kế hoạch hóa gia đình của chương trình hợp tác này giúp ngăn ngừa hơn 3 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, hơn 1,7 triệu ca sinh con ngoài ý muốn, ngăn ngừa hơn 800.000 ca chấm dứt thai nghén ngoài ý muốn, ngăn ngừa gần 1.000 ca tử vong mẹ và hơn 4.500 ca tử vong trẻ em…

Về kinh tế, chương trình hợp tác trên nếu thành công sẽ góp phần tiết kiệm hơn 155 triệu USD chi phí trực tiếp cho y tế.

Trước năm 2011, 80% tổng cầu phương tiện tránh thai tại Việt Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn ODA của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Từ năm 2011, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác. Đến nay, chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai cấp miễn phí như trước đây.

Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay tỷ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao, với tỷ lệ 11% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, gần 23% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn và khoảng 34% trong nhóm vị thành niên, thanh niên.

Ước tính nhu cầu ngân sách giai đoạn 2011-2020 Việt Nam cần khoảng 3.132 tỷ đồng (150 triệu USD) để mua phương tiện tránh thai phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, trong ba năm 2012-2014, tổng ngân sách phân bổ cho việc mua sắm phương tiện tránh thai chỉ là 254 tỷ đồng, chưa đáp ứng được 1/10 nhu cầu.

Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay số sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số.

Chính vì vậy, lễ ký kết thỏa thuận trên đánh dấu sự phát triển trong quan hệ hợp tác giữa ngành y tế và các nhà tài trợ quốc tế, là bước tiến đóng vai trò lớn khích lệ sự nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện hóa chủ trương, chính sách xã hội hóa dân số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục