Theo trang mạng foxnews.com, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có vẻ như đã thất bại trong việc có được sự nhượng bộ đơn phương từ Triều Tiên sau các cuộc hội đàm hôm 6 và 7/7 tại thủ đô Bình Nhưỡng về yêu cầu của Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, dường như cả hai bên không thể nhất trí về những gì đã được thảo luận hay cách thức đàm phán, thậm chí Triều Tiên còn dọa sẽ rút khỏi cam kết không rõ ràng của họ về phi hạt nhân hóa.
Sau các cuộc hội đàm giữa Pompeo với quan chức cấp cao của Chính phủ Triều Tiên Kim Yong Chol, Triều Tiên cáo buộc chính quyền Trump đã đưa ra một "yêu cầu đơn phương và kiểu xã hội đen về vấn đề phi hạt nhân hóa" và gọi đây là "điều đáng tiếc."
[Báo Mỹ coi chuyến thăm Triều Tiên của ông Pompeo là một 'thất bại']
Trong khi đó trái lại, ông Pompeo gọi các cuộc đàm phán là "hiệu quả" và nhấn mạnh: "Đây là những vấn đề phức tạp, nhưng chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong hầu hết các vấn đề trọng tâm." Tuy nhiên, ông Pompeo không nêu rõ những tiến bộ đó là gì.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - người cầm quyền "với một quả đấm sắt" và là người duy nhất có quyền thông qua những nhượng bộ đáng kể với Mỹ - thậm chí đã không gặp ông Pompeo hôm 6 và 7/7, mặc dù trước đó đã tiếp ngoại trưởng Mỹ.
Đó là bằng chứng cho thấy Pompeo đã kết thúc đàm phán mà không đạt được kết quả đáng kể nào.
Chuyến đi đáng thất vọng của Ngoại trưởng Mỹ chỉ có thể nói lên một điều: chính quyền Trump cũng chỉ đạt được tiến triển với Triều Tiên như các chính quyền tiền nhiệm, của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ. Khi các cuộc đàm phán đạt được tiến bộ đến mức Triều Tiên phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân của họ - điều rất có ý nghĩa, các quan chức Triều Tiên lại quay ngoắt và bỏ đi.
Có vẻ như Kim Jong-un đang tiếp tục một truyền thống trong quan hệ quốc tế do ông nội và cha của ông - các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Triều Tiên - khởi xướng: đó là nói dối hết lần này đến lần khác - và kéo dài các cuộc đàm phán với đối phương càng lâu càng tốt mà không đưa ra bất cứ nhượng bộ thực sự nào.
Mike Pompeo không ngây thơ. Trên thực tế, như New York Times hôm 7/7 đưa tin: "Ông Pompeo đã bí mật cho biết ông nghi ngờ việc Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Và những nghi ngờ đó đã được củng cố trong những ngày vừa qua khi có tin tình báo cho thấy Triều Tiên, còn lâu với dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân của họ, đã mở rộng các cơ sở này và thực hiện các bước nhằm che giấu những nỗ lực đó với Mỹ."
Tất cả những điều này đặt chính quyền Trump vào tình thế vô cùng rắc rối. Rõ ràng, chúng ta đã ở vào ngã ba đường khi mà khả năng đạt được các thỏa thuận với Kim Jong-un dường như đang ngày càng thêm bế tắc.
Sau hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp thấp và cấp trung giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên, ba cuộc hội đàm trực tiếp giữa Pompeo và các quan chức Triều Tiên - và một hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6 vừa qua - Mỹ đã không nhận được gì ngoài một tuyên bố chung mơ hồ được ký bởi Kim Jong-un và Tổng thống Trump ở Singapore.
Trong tuyên bố đó, Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết trước đó của mình rằng "sẽ hành động để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên" mà thậm chí không nói rõ điều đó có nghĩa là gì.
Tổng thống Trump đã có một nhượng bộ lớn bằng cách đơn giản là gặp Kim Jong-un, và sau đó tạm ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn - một mục tiêu mà Triều Tiên theo đuổi lâu nay.
Một lần nữa, Bình Nhưỡng đang tiếp tục màn kịch ngoại giao đã được chứng minh là có hiệu quả thực sự khi đạt được những nhượng bộ (từ phía Mỹ) và câu giờ.
Đây là thời điểm mọi thứ trở nên khó khăn. Vì chính quyền Trump lúc này chỉ có 3 kịch bản có thể lựa chọn, và tất cả đều không hấp dẫn.
Kịch bản 1: Một cuộc tấn công toàn diện của Mỹ vào Triều Tiên để loại bỏ hoàn toàn kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Kim Jong-un. Rõ ràng, đây là một nước cờ rất nguy hiểm. Quân đội hùng mạnh của Mỹ không thể đảm bảo việc phá hủy 65 đầu đạn hạt nhân được cho là Triều Tiên đang sở hữu.
Các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên nằm rải rác trên khắp đất nước và có khả năng nằm sâu dưới lòng đất - do đó chúng không thể bị phá hủy trong một cuộc không kích vào một mục tiêu duy nhất.
Sau một cuộc tấn công của Mỹ vào Triều Tiên, Kim Jong-un sẽ có mọi động cơ để phản công với bất cứ vũ khí hạt nhân nào mà ông ta đã từ bỏ - cũng như vô số vũ khí hóa học và sinh học của mình.
Điều đó có nghĩa là Seoul, Tokyo và thậm chí có thể cả Hawaii và các thành phố lớn ở Bờ Tây nước Mỹ sẽ trở thành nghĩa địa lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Kịch bản này, nếu xảy ra sẽ hết sức khủng khiếp, có lẽ sẽ không được Mỹ lựa chọn.
Kịch bản 2: Chính sách ngăn chặn Triều Tiên của Mỹ, hay như chính quyền Mỹ gọi là "gây sức ép tối đa." Ý tưởng của giải pháp này là sẽ cô lập Triều Tiên với thế giới về mặt ngoại giao và kinh tế.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley sẽ kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, yêu cầu ban hành lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn sang Triều Tiên, cũng như ngăn chặn tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên (như dầu mỏ) vào Triều Tiên.
Không may là, chiến dịch gây sức ép tối đa có thể khó triển khai, bởi nó phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, quốc gia đang không hài lòng với chính quyền Trump sau khi Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc và "khai hỏa" một cuộc chiến tranh thương mại hôm 6/7.
Với 90% (hoặc hơn) sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên đi qua Trung Quốc dưới hình thức này hay hình thức khác, xem ra nhiều khả năng là Bắc Kinh không có lý do gì để giúp Washington.
Trung Quốc giờ đây sẽ dùng Triều Tiên như một quân bài mặc cả về thương mại và thậm chí cả những tranh chấp khác với Mỹ và các quốc gia khác - chẳng hạn như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với Đài Loan và một phần Biển Đông và biển Hoa Đông.
Và có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh sẽ không thực thi các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Triều Tiên trong một thời gian dài - và có thể đã bắt đầu ngừng lại.
Kịch bản 3: Chấp nhận Triều Tiên như một cường quốc hạt nhân và chuyển hướng tập trung sang đối phó với mối đe dọa lớn hơn là Trung Quốc.
Vì Mỹ đã thỏa thuận với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác - gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan và Israel - nên có thể tuyên bố rằng chúng ta phải miễn cưỡng chấp nhận Triều Tiên là một thành viên của câu lạc bộ hạt nhân.
Tổng thống Trump chắc chắn sẽ bị chỉ trích một mặt là về thái độ mềm mỏng và mặt khác là sự thay đổi lập trường của mình nếu ông chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, nhưng làm vậy sẽ cho phép Mỹ gia tăng các nỗ lực ngoại giao trên khắp châu Á để chống lại sự lớn mạnh của cường quốc Trung Quốc.
Ngoài ra, một khi vấn đề hạt nhân được loại bỏ và Kim Jong-un cảm thấy yên tâm (khi biết rằng chế độ của ông ta được bảo đảm) - nhiều thách thức an ninh khác mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ có thể được giải quyết một lần và mãi mãi.
Ví dụ, một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (về mặt kỹ thuật mới tạm ngừng bởi một hiệp định đình chiến năm 1953) có thể được ký kết.
Có thể các bên sẽ ký các thỏa thuận về kiểm soát các loại vũ khí chính, giới hạn phạm vi và quy mô của chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận thực địa để đảm bảo rằng mọi cam kết được thực hiện.
Mỹ và Hàn Quốc thậm chí có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, cho phép hàng tỷ USD đầu tư "chảy" vào Triều Tiên. Điều này có thể cho phép Mỹ và các đồng minh có tiếng nói lớn hơn trong các công việc của Bình Nhưỡng - và thậm chí có thể làm giảm bớt sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều có cái giá của nó. Việc chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, vì Nhật Bản và Hàn Quốc có thể một ngày nào đó sẽ lựa chọn sở hữu kho vũ khí hạt nhân của riêng mình và tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Điều này có thể khiến Trung Quốc lo ngại, và chắc chắn Bắc Kinh cũng sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ và kho vũ khí nguyên tử của họ.
Rõ ràng, như nhiều quốc gia châu Á chỉ rõ, Triều Tiên thực sự là mảnh đất của những giải pháp lựa chọn tệ hại. Chúng ta biết một điều chắc chắn: khi nhắc đến Kim Jong-un, không có gì là chắc chắn. Thậm chí sau khi chính quyền Trump đã có những nhượng bộ quan trọng, Triều Tiên dường như vẫn không tiến gần hơn tới việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Có mối lo ngại rằng "chúng ta sẽ trở lại bên miệng hố chiến tranh với Triều Tiên một lần nữa". /.