“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu”

Những tác phẩm này của Trương Nghệ Mưu không chỉ chinh phục khán giả Hoa ngữ, mà còn giành được sự hâm mộ của khán giả khắp nơi trên thế giới.

Trong thế giới điện ảnh Hoa ngữ, xét về danh hiệu quốc tế, đạo diễn Trương Nghệ Mưu chỉ thua mỗi Lý An, còn tính riêng ở Đại lục thì Trương Nghệ Mưu vô đối.

Thậm chí, ở thập niên 1990, không đạo diễn nào trên thế giới có một thời kỳ bùng nổ như Trương Nghệ Mưu. Những phim hay nhất của ông đều nằm trong giai đoạn này. Sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu đột ngột thay đổi sau bộ phim "Hero" (Anh hùng).


Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu

Trương Nghệ Mưu làm phim đầu tay cách đây 30 năm dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn - "Cao lương đỏ" (1987). Bộ phim mang về cho Trương Nghệ Mưu giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin và đưa ông trở thành người đầu tiên của Đại lục sở hữu một danh hiệu tầm cỡ quốc tế.

“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” ảnh 1Phim "Đèn lồng đỏ treo cao."

Từ đó cho đến cuối thập niên 90, với tần suất trung bình một phim mỗi năm, song bất cứ phim nào của Trương Nghệ Mưu cũng đều mang về một danh hiệu quốc tế lớn nhỏ nào đó, trong số đó có 2 đề cử Oscar ("Cúc Đậu" - 1990, "Đèn lồng đỏ treo cao" - 1991), 2 giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice ("Thu Cúc đi kiện" - 1992, "Không thiếu một ai" - 1999), 1 giải Sư tử bạc Liên hợp quốc Venice ("Đèn lồng đỏ treo cao" - 1991), 1 giải Gấu bạc Liên hợp quốc Berlin ("Đường về nhà" - 1999), 1 giải thưởng của Hội đồng giám khảo Liên hợp quốc Cannes ("Phải sống" - 1994).

Những tác phẩm này của Trương Nghệ Mưu không chỉ chinh phục khán giả Hoa ngữ, mà còn giành được sự hâm mộ của khán giả khắp nơi trên thế giới bởi ông đã vẽ lại bức tranh lịch sử - văn hóa - xã hội của Trung Hoa - một đất nước từng khép kín nhiều thập niên, với những câu chuyện giản dị, thủ pháp điện ảnh đa dạng, đầy sáng tạo.

Dù sự nghiệp của ông có nhiều người yêu mà cũng lắm kẻ ghét, nhưng tựu trung, nó gói gọn trong lời tán tụng của một tờ báo dành cho ông: “Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu.”

Những thành tựu điện ảnh vượt trội của Trương Nghệ Mưu tạo một cú hích lớn ở thị trường nội địa, là tiền đề cho sự cất cánh của điện ảnh Đại lục từ thập niên 1990 cho đến những năm cuối của thế kỷ 20.

“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” ảnh 2Phim "Đường về nhà."

Nhưng cục diện đã thay đổi khi bước sang thế kỷ 21 sau cú nổ lớn của "Hero."

Không phải có tiền là có tất cả

Sang đầu thế kỷ 21, sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu đột ngột rẽ sang một bước ngoặt mới.

Năm 2002, với bộ phim "Hero" (Anh hùng), lần đầu tiên Trương Nghệ Mưu làm phim võ hiệp, nhưng điều đáng nói là ông làm phim này với kinh phí đắt nhất trong lịch sử điện ảnh châu Á ở thời điểm đó - 31 triệu USD.

Đó là một con số thực sự choáng ngợp, bởi nó còn lớn hơn tổng chi phí sản xuất của toàn bộ những phim trước đó của Trương Nghệ Mưu gộp lại.

Đây cũng là phim đầu tiên trong sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu sử dụng thứ mà ông chưa bao giờ dùng tới: hiệu ứng kỹ thuật số.

“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” ảnh 3"Hero."

"Hero" là một thành công lớn về thương mại lẫn nghệ thuật khi mang lại cho Trương Nghệ Mưu đề cử Oscar lần thứ ba cho Phim tiếng nước ngoài hay nhất.

Đây cũng là bộ phim đầu tiên ở Đại lục đạt doanh thu trên 100 triệu USD ở thị trường toàn cầu.

Thành công “khủng” về thương mại của "Hero" đã thay đổi hoàn toàn thị trường đầu tư phim ảnh của Đại lục.

Những nhà sản xuất chợt nhận ra tiềm năng to lớn của những bộ phim được đầu tư theo kiểu bom tấn châu Á (từ 10 triệu USD trở lên - tính ở thời điểm những năm đầu thế kỷ 21).

Sự cất cánh thần tốc của nền kinh tế Đại lục đã khiến điện ảnh Trung Quốc chuyển mình theo hướng hoàn toàn khác cái cách mà họ dè dặt tiếp cận với điện ảnh thế giới ở giai đoạn trước.

Những câu chuyện dung dị, những đề tài nhạy cảm, gai góc hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho những bộ phim phi thực tế, hào nhoáng, màu mè bên ngoài nhưng rỗng tuếch bên trong. Tất cả chỉ chú trọng đến tính thương mại.

Khi anh hùng chỉ còn là một cái tên

Không đứng ngoài làn sóng ấy, kể từ sau "Hero," Trương Nghệ Mưu hầu như chỉ tập trung làm phim thương mại.

Bộ phim tiếp đó là "Thập diện mai phục" với vốn đầu tư 12 triệu đô đã mang về khoản lợi nhuận hơn 90 triệu USD.

Cứ thế, phim sau được đầu tư “khủng” hơn phim trước, "Hoàng Kim Giáp" có số vốn 45 triệu USD, dự án "13 kỹ nữ ở Kim Lăng" chi 94 triệu USD và mới đây nhất là "Trường thành" với con số đầu tư lên tới 150 triệu USD - mức kinh phí tiệm cận với những quả bom tấn của Hollywood.

“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” ảnh 4Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với số tiền người ta bỏ ra cho Trương Nghệ Mưu làm phim, rất nhiều người đã sửng sốt khi biết ông đứng sau những bộ phim rực rỡ, hào nhoáng, vĩ đại… nhưng không đem lại chút cảm xúc nào, và thậm chí có thể tệ đến mức thảm họa như phim "Trường thành."

Người ta đặt câu hỏi, phải chăng Trương Nghệ Mưu đã thấy thừa thãi danh hiệu và tự hài lòng với những thành công của mình ở thập kỷ 1990?

Xen kẽ với những bộ phim thương mại kể trên, Trương Nghệ Mưu cũng thử trở lại với phong cách đã làm nên tên tuổi của ông xưa kia, đó là kể những câu chuyện mang tính tự sự và hoài niệm như: "Muôn dặm độc hành" (2005), "Chuyện tình cây táo gai" (2010), "Đường về nhà" (2014). Nhưng với người hâm mộ của Trương Nghệ Mưu, những cuộc trở về “đột xuất” ấy chỉ phản chiếu cái bóng của chính ông!

Có thể coi Trương Nghệ Mưu như một hàn thử biểu của điện ảnh Trung Quốc. Từ đầu thế kỷ 21, phim của ông không còn hiện diện ở bất cứ liên hoan phim quốc tế nào. Điện ảnh Đại lục cũng vậy, chẳng còn một dấu ấn nào sau cú “lột xác” không dễ lý giải của Trương Nghệ Mưu.

“Một tỷ người Trung Quốc mới có một Trương Nghệ Mưu” ảnh 5"Chuyện tình cây táo gai."

Bài: Bá Vũ
Nguồn: Tạp chí Đẹp

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục