Một thập kỷ rò rỉ thông tin mật của Mỹ

Chính phủ Mỹ đã coi người sáng lập WikiLeaks Julian Assange là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia kể từ khi Assange và tổ chức của ông bắt đầu nỗ lực kéo dài cả thập kỷ để tiết lộ bí mật của Mỹ.
Nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange phát biểu tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, ngày 19/5/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo hãng AFP, chính phủ Mỹ đã coi người sáng lập WikiLeaks Julian Assange là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia kể từ khi Assange và tổ chức của ông bắt đầu một nỗ lực kéo dài cả thập kỷ để tiết lộ những bí mật của Mỹ - từ các hồ sơ quân sự đến các bức thư điện tử (email) của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tuy nhiên, bản cáo trạng ngày 11/4 dành cho Assange - trong đó đề cập những cáo buộc cụ thể về âm mưu xâm nhập trái phép (vào máy tính của Lầu Năm Góc) - dường như thừa nhận rằng các hoạt động của Assange, vốn gây nhiều thiệt hại, có thể được bảo vệ bởi quyền tự do báo chí được nêu trong Hiến pháp Mỹ.

Sau 7 năm sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London, Assange đã bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11/4 theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, khiến các nhóm tự do báo chí bất bình.

Washington đã điều tra Assange - 47 tuổi, công dân Australia - kể từ ít nhất là năm 2010 khi ông này công bố hàng trăm nghìn hồ sơ ngoại giao và quân sự của Mỹ mà ông thu thập được từ cựu chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ Bradley Manning.

Những hồ sơ tài liệu này đã phơi bày những hành động gây tranh cãi của quân đội Mỹ trong các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, bao gồm các bằng chứng về những vụ tra tấn, một cuốn băng video ghi lại vụ tấn công bằng máy bay trực thăng của quân đội Mỹ khiến 2 nhà báo thiệt mạng ở Baghdad năm 2007, và con số dân thường thiệt mạng vô cùng lớn do các cuộc xâm lược của Mỹ.

Vụ rò rỉ thông tin mật này đã làm rung chuyển các cơ quan ngoại giao, tình báo và quân đội Mỹ, gây nguy hiểm cho cuộc sống của binh lính Mỹ cũng như các nhà ngoại giao.

Trong khi Manning - người hiện được biết đến dưới cái tên Chelsea Manning - đã bị xét xử và bị tống giam do vụ rò rỉ thông tin trên, Assange vẫn có thể tiếp tục các hoạt động của mình từ nơi ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở London.

Can thiệp vào cuộc bầu cử 2016

WikiLeaks đã tiết lộ các hồ sơ mật về nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo (Cuba), công bố các tài liệu đặc biệt nhạy cảm của Cơ quan An ninh Quốc gia, các tài liệu đàm phán thương mại nội bộ của Mỹ, và các hồ sơ của chương trình xâm nhập an ninh mạng tối mật của CIA, Vault 7.

[Bộ Tư pháp Mỹ: Nhà sáng lập WikiLeaks đối mặt với mức án 5 năm tù giam]

Năm 2016, tổ chức của Assange đã đóng một vai trò trung tâm trong vụ Nga can thiệp vào cuộc chạy đua tranh cử tổng thống giữa Donald Trump và đối thủ của ông là bà Hillary Clinton.

Cuộc điều tra vừa công bố kết luận của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã cáo buộc tình báo Nga xâm nhập các tài liệu chiến dịch tranh cử của bà Clinton và công bố chúng thông qua WikiLeaks, gây tổn hại cho nỗ lực tranh cử của bà.

Các hồ sơ lưu trữ của tòa án cho thấy Assange đã tích cực tìm kiếm các tài liệu của bà Clinton và sau đó đã liên hệ với đội ngũ phụ trách chiến dịch tranh cử của Trump để thông báo thời điểm và nội dung công bố các thông tin mà WikiLeaks thu thập được.

Chiến dịch tranh cử của Trump có nhiều tiến triển sau vụ rò rỉ thông tin của WikiLeaks, vì thế Trump đã sẵn sàng ca ngợi hành động của Assange trên chặng đường tranh cử.

"Công cụ WikiLeaks này thật không thể tin được... Nó cho bạn biết nội tình bên trong; bạn phải đọc nó", Trump phát biểu tại một sự kiện hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, ngày 11/4, khi được các phóng viên hỏi liệu ông vẫn còn yêu WikiLeaks, Trump đã trả lời: "Tôi không biết gì về Wikileaks. Đó không phải là việc của tôi".

Cơ quan tình báo thù địch

Những hoạt động trên của WikiLeaks đã khiến Assange và tổ chức của ông bị các quan chức hàng đầu của Mỹ coi là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, khi đó là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), đã gọi WikiLeaks là một "cơ quan tình báo thù địch phi quốc gia" bị Moskva xúi bẩy.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ đã thận trọng trong việc buộc tội Assange. Ông chủ WikiLeaks đã khẳng định rằng ông là một nhà báo được bảo vệ bởi những quy định về quyền tự do ngôn luận được nêu trong Hiến pháp Mỹ, và rằng các hoạt động của WikiLeaks không khác gì với hoạt động của các tổ chức truyền thông khác.

Ba tập đoàn truyền thông quốc tế lớn - gồm New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), và Der Spiegel (Đức) - đã phối hợp với WikiLeaks hồi năm 2010 trong việc công bố những tài liệu mật của Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không muốn truy cứu Assange về tội tiết lộ các tài liệu mật vì biết rằng nó sẽ gây ra một cuộc chiến lớn với các cơ quan báo chí Mỹ.

Assange sẽ phải bị truy tố "vì lý do nào đó chứ không phải vì tiết lộ thông tin - ví dụ như xâm nhập trái phép hệ thống mạng," cựu phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ Matthew Miller nói với hãng AFP hồi năm 2013.

Đó chính là cáo buộc chống lại Assange được công bố hôm 11/4. Trong khi ghi nhận "một trong những mối đe dọa tiềm tàng lớn nhất về thông tin mật trong lịch sử nước Mỹ," bản cáo trạng rõ ràng cáo buộc Assange về tội phạm máy tính: âm mưu cùng với Manning bẻ khóa mật khẩu trên máy tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn có kết nối với Mạng lưới Giao thức Internet Bí mật (SIPRNet) - một hệ thống mà Chính phủ Mỹ sử dụng để lưu trữ thông tin mật.

Theo các công tố viên Mỹ, ông Assange đã tải xuống các thông tin này, nhằm mục đích xuất bản chúng trên trang web WikiLeaks.

Hành động đó, theo các chuyên gia, là một tội ác nằm ngoài các vấn đề tự do báo chí.

Bradley Moss, một luật sư ở Washington, người tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia, nói: "Các nhà báo không trợ giúp các nguồn tin trong việc bẻ khóa mật khẩu. Trên thực tế, các nhà báo được đào tạo về mặt pháp lý để nói KHÔNG với hành động như vậy."

Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange cho rằng vụ việc này vẫn liên quan đến tự do báo chí.

Vụ bắt giữ Assange là "một nỗ lực chưa từng thấy của Mỹ khi tìm cách dẫn độ một nhà báo nước ngoài để đối mặt với những cáo buộc hình sự vì công bố thông tin trung thực", luật sư người Mỹ Barry Pollack của Assange nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục