Một tháng nhiều thăng trầm với chứng khoán Mỹ

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 228,03 điểm, tương đương 0,55%, đóng cửa ở mức 41.563,08 điểm. Chỉ số blue-chip này đã vọt lên mức đỉnh mới trong những phút cuối của phiên giao dịch.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Phố Wall đóng cửa tuần này với điểm nhấn nổi bật là chỉ số công nghiệp Dow Jones lập mức cao kỷ lục mới.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 228,03 điểm, tương đương 0,55%, đóng cửa ở mức 41.563,08 điểm. Chỉ số blue-chip này đã vọt lên mức đỉnh mới trong những phút cuối của phiên giao dịch.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 1,01%, đạt 5.648,40 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,13% lên 17.713,62 điểm.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, ngày 30/8, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong tháng 7/2024 đã tăng 0,2% so với tháng trước đó, và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2023. Dữ liệu này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh trong khi giá cả tăng vừa phải.

Chuyên gia Cameron Dawson, Giám đốc đầu tư tại Newedge Wealth, khẳng định các nhà đầu tư đang thấy một dấu hiệu khác của kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm” và thị trường thực sự đang có được chính xác những gì nó mong muốn.

Nhà kinh tế Michael Green, chiến lược gia trưởng tại Simplify Asset Management, nhận định có nhiều bằng chứng hơn cho thấy triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh Mỹ và ít bằng chứng hơn cho thấy Fed sẽ cắt giảm mạnh lãi suất.

Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ được công bố sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động điều chỉnh chính sách tiền tệ sắp tới.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường phần lớn kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong tháng 9/2024.

Thị trường đã trải qua tháng 8/2024 với nhiều biến động. Cả ba chỉ số chứng khoán chính lao dốc vào đầu tháng, với S&P 500 mất tới 7,3% trước khi phục hồi, Dow Jones và Nasdaq lần lượt giảm tới 5,4% và 10,7%.

Hiện tượng bán tháo diễn ra sau khi xuất hiện các dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đột ngột điều chỉnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ. Hơn nữa, việc đồng USD suy yếu và đồng yen Nhật Bản tăng giá cũng đã góp phần làm trầm trọng thêm tình hình.

Bước vào tuần này, các nhà giao dịch Phố Wall đã đón nhận hai phiên giao dịch trầm lắng trong các ngày 26 và 27/8. Sang tới ngày 28/8, thị trường tiếp tục giảm điểm, ngay trước khi Nvidia – hãng công nghệ chuyên về sản xuất chất bán dẫn (chip) về trí tuệ nhân tạo (AI), sở hữu cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trong năm qua-công bố báo cáo tài chính quý II/2024, giữa bối cảnh sự lạc quan về AI đang giảm dần.

Tuy nhiên với bản báo cáo lợi nhuận ấn tượng của Nvidia, đi kèm kỳ vọng lãi suất giảm vào tháng Chín tới, các nhà đầu tư đã quyết định mua vào cổ phiếu, giúp các thị trường chứng khoán Âu, Mỹ và cả châu Á có phiên tăng điểm trong ngày 29/8.

Tính chung cho cả tháng 8/2024, chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 2,3% - là tháng tăng thứ tư liên tiếp, trong khi Dow Jones tăng gần 1,8% và Nasdaq Composite tăng 0,7%.

Theo kế hoạch, Bộ Lao Động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm của khu vực phi nông nghiệp vào ngày 6/9. Chuyên gia David Lefkowitz thuộc UBS Global Wealth Management cho biết, báo cáo việc làm nói chung có xu hướng là một trong những thông tin tác động khá mạnh đến thị trường và hiện tại nó thậm chí còn nhận được nhiều sự chú ý hơn bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục