Năm 2023 sẽ là năm đầu tiên sau ba năm, Thái Lan có thể trở lại các hoạt động bình thường hoàn toàn sau khi đại dịch COVID-19 được hạ cấp kề từ đầu tháng 10/2022. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với một số trở ngại có khả năng xảy ra.
Lãi suất cao hơn
Người vay phải đối mặt với chi phí tài chính cao hơn vào năm 2023 theo cách tiếp cận bình thường hóa chính sách của Ngân hàng Thái Lan và xu hướng tăng lãi suất trên thị trường. Trong năm 2023, cả lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình tăng lãi suất chính sách.
Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục đóng góp toàn bộ phí cho Quỹ Phát triển Định chế Tài chính của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) với tỷ lệ thông thường là 0,46% trên số tiền gửi của họ kể từ ngày 1/1/2023, tăng từ mức đóng góp hiện tại là 0,23% theo các biện pháp nới lỏng của Ngân hàng Thái Lan do tác động của COVID-19.
Các nhà nghiên cứu sở tại đánh giá rằng BoT sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính sách lên 2% vào khoảng giữa năm 2023 từ mức 1,25% hiện tại, sau đó tỷ lệ này dự kiến sẽ ổn định.
Lương cao hơn
Việc nội các Thái Lan thông qua nghị quyết tăng lương tối thiểu theo ngày thêm 5,02% trong tháng 10/2022 không phải là tin tốt cho tất cả các doanh nghiệp mặc dù mức tăng này nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người lao động.
Mức lương mới, dao động từ 328 đến 354 baht, có hiệu lực sớm hơn so với lịch trình ban đầu là ngày 1/1/2023. Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết khoảng 10 triệu người lao động sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lương, đồng thời cho biết thêm đây là thời điểm thích hợp để tăng lương sau ba năm đóng băng.
Maybank Securities kỳ vọng lĩnh vực bán lẻ và tài chính sẽ được hưởng lợi từ sức mua cao hơn và triển vọng rủi ro tín dụng thấp hơn đối với các khách hàng có thu nhập thấp.
Trong khi đó, nghiên cứu của Asia Plus Securities (ASPS) cho biết các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là những ngành có cơ cấu chi phí lao động cao bao gồm xây dựng, nông sản thực phẩm, nhà phát triển, phụ tùng ôtô và doanh nghiệp bán lẻ.
ASPS nêu ví dụ rằng trong lĩnh vực xây dựng, cứ lương tối thiểu tăng 1% sẽ ảnh hưởng đến chi phí xây dựng khoảng 0,10-0,15%.
Thiếu lao động
Tình trạng thiếu lao động vẫn là một thách thức đối với ngành du lịch vào năm 2023 khi ngành công nghiệp quan trọng này đang phục hồi nhanh chóng kể từ khi mở cửa trở lại hoàn toàn năm 2022.
Ông Yuthasak Supasorn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết, số lượng người lao động trong lĩnh vực du lịch quay trở lại làm việc chưa bằng 70-80% so với trước đại dịch.
[Ngân hàng trung ương Thái Lan tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp]
Một nghiên cứu của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) cũng cho thấy hơn 60% các nhà khai thác du lịch không thể đạt được mục tiêu việc làm.
Các công ty lữ hành trong nước (inbound) mất đi đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, trong khi số lượng lao động thế hệ mới sẽ không thể đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng trong năm tới.
Các khách sạn không thể hoạt động tối đa công suất do chênh lệch về số lượng giữa nhân viên và khách, đặc biệt là các vị trí như quản gia, làm vườn và kỹ thuật viên.
Hiệp hội Khách sạn Thái Lan tin rằng việc sử dụng lao động nước ngoài sẽ là điều bình thường mới, trong khi các khách sạn sẽ phải thuê nhân lực bên ngoài để lấp đầy các vị trí trong bộ phận F&B và đặt phòng cũng như kỹ thuật viên.
Trong khi đó, các sân bay sẽ đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nếu các chuyến bay tiếp tục tăng. Mới đây, Thai Airways đã phải tuyển dụng thêm nhân viên xử lý mặt đất để giải quyết tình trạng chậm trễ hành lý tại sân bay.
Lạm phát và suy thoái
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã đồng loạt tăng lãi suất để chế ngự lạm phát phi mã vào năm 2022. Tuy nhiên, quỹ đạo tăng lãi suất và các hành động chính sách khác có thể không đủ để đưa lạm phát toàn cầu trở lại mức như trước đại dịch.
Xu hướng lạm phát cao toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục vào năm 2023, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thắt chặt điều kiện tài chính ở hầu hết các khu vực, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và đại dịch COVID-19 kéo dài đều ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022 nhưng sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024.
Chính sách tiền tệ nên duy trì mục tiêu khôi phục sự ổn định giá cả, và chính sách tài khóa nên nhằm mục đích giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt trong khi duy trì lập trường đủ chặt chẽ phù hợp với chính sách tiền tệ.
Để cắt giảm lạm phát toàn cầu xuống mức phù hợp với mục tiêu của họ, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy các ngân hàng trung ương có thể cần tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm.
Điều này có thể khiến nhiều quốc gia rơi vào suy thoái vào năm 2023. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo lạm phát toàn phần của nước này trong năm 2023 sẽ nằm trong khoảng 2,0-3,0%.
Các vụ tấn công mạng tràn lan
Khi các tổ chức ngày càng chấp nhận làm việc từ xa và sử dụng đám mây để hợp lý hóa hoạt động của họ trong trạng thái bình thường mới, họ có khả năng sẽ để ngỏ cửa cho tin tặc khai thác.
Theo công ty an ninh mạng Palo Alto Networks, từ ngày 1/3-27/6/2022, Thái Lan đã ghi nhận 44.144 trường hợp tấn công mạng liên quan đến công việc từ xa, gây thiệt hại trị giá 3 tỷ baht.
Ông Amorn Chomchoey, Tổng thư ký Cơ quan An ninh mạng Quốc gia, cho biết các doanh nghiệp và tổ chức đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng, đặc biệt là phần mềm tống tiền nhắm vào nạn nhân có dữ liệu nhạy cảm, yêu cầu họ trả tiền chuộc, nếu không dữ liệu quan trọng của họ sẽ bị xóa hoặc hệ thống của họ bị gián đoạn.
Một báo cáo gần đây của Cisco cho thấy 92% số người được khảo sát ở Thái Lan cho biết nhân viên của họ đang sử dụng các thiết bị chưa đăng ký để đăng nhập vào nền tảng công việc. Báo cáo đã khảo sát 6.700 chuyên gia bảo mật từ 27 quốc gia, trong đó có 150 người từ Thái Lan.
Các nhà lãnh đạo an ninh đã nhận thức được những rủi ro liên quan đến cách làm như vậy với 94% số người được hỏi ở Thái Lan cho biết việc đăng nhập từ xa cho công việc kết hợp đã làm tăng khả năng xảy ra sự cố an ninh mạng./.