Một số trường học ở Mỹ chuyển sang giảng dạy trực tuyến hoàn toàn

Một số trường, đặc biệt tại các khu vực trung tâm đô thị, đã lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến, trong khi số khác chọn đón học sinh tới trường hoặc áp dụng cả hai hình thức.
Học sinh và giáo viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một lớp học ở Monterey Park, bang California, Mỹ, ngày 9/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số trường học tại Mỹ đã buộc phải ngừng hình thức giảng dạy trực tiếp trong bối cảnh số ca mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận mỗi ngày vẫn ở mức cao tại nhiều bang

Đây được xem là một thách thức đối với kế hoạch của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch, các trường học tại Mỹ sẽ mở cửa trở lại để bắt đầu năm học mới trong tháng này hoặc đầu tháng 9 tới. Một số trường, đặc biệt tại các khu vực trung tâm đô thị, đã lựa chọn hình thức dạy học trực tuyến, trong khi số khác chọn đón học sinh tới trường hoặc áp dụng cả hai hình thức.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường hoặc tình trạng thiếu hụt nhân sự đã buộc một số trường phải ngừng hình thức giảng dạy trực tiếp.

[Nhiều nước châu Âu thông báo khai giảng năm học mới vào đầu tháng 9]

Ngày 17/8, Đại học Carolina Bắc ở đồi Chapel thông báo sẽ chuyển sang dạy học trực tuyến hoàn toàn cho gần 20.000 sinh viên, sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc COVID-19 trong tuần đầu tiên sinh viên trở lại học tập.

Thông báo của trường cho biết tỷ lệ sinh viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã tăng lên 13,6% từ mức 2,8% chỉ trong 2 tuần đầu nhập học.

Hiện 177 sinh viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 cùng 349 người có thể tiếp xúc với nguồn bệnh hiện đã được cách ly. 

Tại Georgia, trường phổ thông trung học Creekview ở hạt Cherokee cũng đã phải dừng hình thức giảng dạy trực tiếp sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng lên 25 ca, với gần 35% học sinh được cách ly.

Trước đó, ngày 15/8, một trường ở bang Nebraska cũng đã dừng việc dạy học trực tiếp sau khi 3 nhân sự có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Các bảo tàng ở New York rục rịch mở cửa trở lại

Trong diễn biến khác, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (MoMA) ở New York thông báo sẽ đón khách trở lại từ ngày 27/8 tới, sau 5 tháng phải đóng cửa do dịch COVID-19. MoMA cho biết bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí trong tháng đầu tiên mở cửa trở lại. 

Trong khi đó, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan cũng ở New York và Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney cũng thông báo sẽ mở cửa trở lại lần lượt vào ngày 29/8 và ngày 3/9 tới. 

Du khách đứng bên ngoài bảo tàng Metropolitan ở thành phố New York. (Nguồn: The New York Times)

Tuy nhiên, các địa điểm biểu diễn nghệ thuật vẫn tiếp tục đóng cửa cho tới cuối năm nay. Sân khấu Opera Metropolitan có kế hoạch nối lại hoạt động vào ngày 31/12 tới, trong khi sân khấu Broadway tiếp tục đóng cửa ít nhất tới tháng 1/2021.

New York là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với gần 33.000 ca tử vong. Hiện dịch bệnh tại đây đã được kiểm soát tốt trong khi số ca nhiễm lại tăng mạnh tại các bang khác của Mỹ.

Hồi tuần trước, Thống đốc bang Andrew Cuomo tuyên bố các bảo tàng, phòng triển lãm nghệ thuật và các viện văn hóa khác ở New York sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 24/8 tới, song vẫn phải đảm bảo quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Anh phát hiện ổ dịch mới ở nhà máy sản xuất món tráng miệng

Ngày 18/8, truyền thông Anh đưa tin giới chức y tế nước này mới phát hiện hơn 70 người dương tính với virus SARS-CoV-2 tại một nhà máy sản xuất món tráng miệng tại Nottinghamshire ở Đông Midlands, vùng England. 

Theo kênh Sky News, các ca dương tính mới được phát hiện ở nhà máy Bakkavor, ở Newark. Nhà máy Bakkavor tự nhận là "nhà cung cấp thực phẩm chế biến sẵn hàng đầu tại Anh."

Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS) đã thiết lập một điểm xét nghiệm ngay tại nhà máy. Hiện 701 trong tổng số 1.600 nhân viên làm việc trong nhà máy đã được xét nghiệm.

Lối vào nhà máy sản xuất tráng miệng Bakkavor. (Nguồn: Goolge)

Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 319.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 41.000 ca tử vong. Hiện chính phủ nước này vẫn liên tục áp dụng linh hoạt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại và đẩy nhanh các nỗ lực phát triển một loại vắcxin phòng bệnh hiệu quả.

Ngày 17/8, Chính phủ Anh kêu gọi người lớn tuổi và các tình nguyện viên đến từ những cộng đồng dân cư da màu và châu Á đang sinh sống tại quốc gia này đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm vắcxin.

Hơn 100.000 người tại Anh đã đăng ký tham gia các cuộc thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 nhưng chính phủ vẫn cần thêm những tình nguyện viên đến từ các nhóm cộng đồng và nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt những người ở nhóm nguy cơ cao, để đảm bảo vắcxin được thử nghiệm có hiệu quả với tất cả mọi người.

Nhận định việc bảo vệ những người ở nhóm nguy cơ cao là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch, Chính phủ Anh đặc biệt kêu gọi những tình nguyện viên trên 65 tuổi, các nhân viên y tế tuyến đầu và những cộng đồng người da màu, người châu Á tham gia thử nghiệm.

Pháp ghi nhận thêm 493 ca mắc mới COVID-19

Ngày 17/8, Pháp ghi nhận thêm 493 ca mắc mới COVID-19, giảm mạnh so với mức hơn 3.000 ca mỗi ngày được ghi nhận trong 2 ngày trước đó.

Tuy nhiên, nhà chức trách cảnh báo sự sụt giảm này có thể là do số lượng người được xét nghiệm trong kỳ nghỉ cuối tuần qua giảm, không nên coi đó là một dấu hiệu cho thấy xu hướng dịch bệnh đang thay đổi.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp cũng tăng lên 30.429 ca sau khi ghi nhận thêm 19 ca trong ngày 17/8.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 10/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung bình trong 7 ngày qua, Pháp ghi nhận khoảng 2.322 ca bệnh/ngày. Đặc biệt, trong giai đoạn này có 4 ngày liên tiếp các ca mắc mới vượt mức 2.000 ca/ngày - xu hướng được ghi nhận gần đây nhất là cuối tháng 4 khi Pháp trong giai đoạn cao điểm phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn đợt bùng phát dịch đầu tiên.

Tới nay, Pháp ghi nhận tổng cộng 219.029 ca mắc COVID-19. Để tránh phải áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế khi số ca mắc tăng mạnh trong những ngày gần đây, Chính phủ Pháp đã nhanh chóng đưa 2 thành phố lớn nhất là Paris và Marseille vào "vùng cảnh báo đỏ," theo đó mở rộng các khu vực đeo khẩu trang bắt buộc tại 2 thành phố này.

Dự kiến trong ngày 18/8 Chính phủ Pháp sẽ đưa ra quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm làm việc không gian kín có nhiều người.

Kể từ đầu tháng 8 này, trung bình số ca mắc mới hằng ngày tại Pháp là 1.830 ca, cao hơn 2,5 lần mức trung bình trong tháng 7 và cũng cao hơn mức trung bình 1.678 ca/ngày ghi nhận hồi tháng 3 khi dịch lây lan mạnh nhất tại Pháp trong đợt đầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục