Một số tỉnh thành đề nghị đẩy nhanh tiến độ thanh tra, điều tra

Ngày 28/12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương được tổ chức nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thi Kim Ngân và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 28/12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương được tổ chức nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thảo luận, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ việc

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, thành phố Đà Nẵng có một năm phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, thành phố cũng đã làm được nhiều việc tiến bộ, tích cực rà soát, điều chỉnh, xử lý nhiều vấn đề tồn tại trên nhiều lĩnh vực.

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm có hướng giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thi hành kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những sai phạm về quản lý đất đai của thành phố, tạo điều kiện sớm giải phóng nguồn lực từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án, để thành phố tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, đề nghị đẩy nhanh tiến độ để sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ việc, vụ án, đưa ra xử lý sớm để thành phố có điều kiện tập trung thời gian và nguồn nhân lực giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới thay thế cho Nghị định 144 của Chính phủ về Đà Nẵng theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho thành phố phát triển…

Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã trải qua một năm với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa điều hành phát triển kinh tế-xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có những vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ…

Môi trường đầu tư ảnh hưởng, nhiều dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải chậm lại sau chủ trương tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT (hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao) theo công văn của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả mang tính toàn diện và đáng ghi nhận.

[Tổng cục thống kê: Nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 được xác định là thời cơ quan trọng để thi đua nước rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 đồng thời xác định chủ đề của năm là “Năm đột phá cải cách hành chính,” thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

"Cụ thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước với một số giải pháp như tập trung cải cách hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; sắp xếp, nâng chất tổ chức bộ máy; thực hiện đề án ủy quyền, giảm bớt thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; đánh giá công khai xếp loại công tác cải cách hành chính của các đơn vị; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính…

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và 7 chương trình đột phá của thành phố…

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân, tăng cường đầu tư các hoạt động văn hóa, giáo dục đào tạo...; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; tập trung quyết liệt giải quyết khiếu nại tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn cơ các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài…

Tại hội nghị, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh cho Thành phố Hồ Chí Minh; đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi).

"Thành phố kiến nghị Chính phủ điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm liên quan, đồng bộ với các luật liên quan, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công.

Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án theo hình thức BT… để các địa phương sớm triển khai thực hiện," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ý kiến.

Cũng có kiến nghị về vấn đề phân cấp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, "Khi đón nhận phân cấp ủy quyền, chúng tôi làm việc hết sức trách nhiệm, nhất là khi được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền kêu gọi đầu tư các đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển..., chúng tôi đã huy động được nguồn lực của các nhà đầu tư, nguồn lực ngân sách của tỉnh cho giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính rất thành công.

Do vậy, Quảng Ninh đề nghị, vấn đề liên quan đến các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng vốn ngân sách của địa phương hay vốn ngoài ngân sách thì nghiên cứu phân cấp cho Quảng Ninh, tỉnh sẽ bàn quyết định chủ trương đó"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục