Một số thành viên EU dè dặt trước kế hoạch phục hồi mới được đề xuất

Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển là những thành viên muốn rằng sự trợ giúp khẩn cấp cho những nước chịu tác động nặng nề của dịch sẽ dưới dạng các khoản vay với các điều khoản ưu đãi trong 2 năm.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. (Nguồn: Getty Images)

Lo ngại rằng sự hỗ trợ cho các nền kinh tế chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 có thể là quá hào phóng, một nhóm thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/5 dè dặt trước kế hoạch phục hồi mới được công bố.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho rằng kế hoạch phục hồi sau đại dịch trị giá 750 tỷ euro (825 tỷ USD) mà Ủy ban châu Âu (EC) mới đề xuất là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận.

Ông nói thêm rằng số tiền chi cho kế hoạch này cũng như tỷ lệ giữa tiền trợ cấp và cho vay cần được thảo luận.

Áo, cùng với Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển là những thành viên muốn rằng sự trợ giúp khẩn cấp cho những nước chịu tác động nặng nề của dịch sẽ dưới dạng các khoản vay với các điều khoản ưu đãi trong hai năm.

Sau phát biểu của ông Kurz, Chính phủ Đan Mạch cũng ra tuyên bố tương tự. Ngoại trưởng nước này Jeppe Kofod nói rằng kế hoạch phục hồi đánh dấu điểm khởi đầu cho các cuộc thương lượng để cuối cùng đi đến một thỏa thuận mà tất cả các nước có thể chấp nhận.

[Phản ứng của các nước châu Âu về quỹ phục hồi hậu COVID-19]

Thụy Điển cũng bày tỏ sự lo ngại về quy mô của số tiền trợ cấp hoàn toàn trong gói hỗ trợ chung. Thủ tướng nước này, Stefan Lofven, nói Thụy Điển nhất quán trong việc kêu gọi tập trung vào các khoản vay để số tiền chi ra được sử dụng hiệu quả.

Trước đó, trong cùng ngày, Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen, đã đề xuất Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho EU và hối thúc các nước thành viên có quan điểm hoài nghi ủng hộ kế hoạch này.

Nếu được thông qua, đề xuất trên sẽ là gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có của EU.

Kế hoạch trên được đưa ra trước sự hối thúc của Italy và Tây Ban Nha, hai nạn nhân đầu tiên của EU trong đại dịch và là hai nước có gánh nặng nợ quá lớn.

Nếu các nước thành viên chấp nhận đề xuất của EU, Italy sẽ nhận được 81,8 tỷ euro hỗ trợ trực tiếp trong vài năm tới và 77,3 tỷ euro là số tiền sẽ được dành cho Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục