Trong bối cảnh Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 20 nước phát triển và nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhóm họp ngày 4/9 tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng trên các thị trường chứng khoán của Trung Quốc có thể được coi là vấn đề nan giải nhất mà họ chưa có hành động ứng phó hiệu quả.
Trước đó, khi nhắc tới các nguy cơ tiềm ẩn như đồng tiền của những thị trường mới nổi giảm giá và giá hàng hóa/nguyên liệu thô lao dốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng kinh tế chậm lại và biến động thị trường ở Trung Quốc đã làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế thế giới.
Tuy vậy, G20 có thể chưa đề ra cách thức giải quyết vấn nạn trên bằng bất kỳ biện pháp cụ thể nào để ứng phó với những tác động tiêu cực "lan ra" từ cuộc khủng hoảng hiện nay ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hay kêu gọi Trung Quốc tìm hướng giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu như nợ xấu tiếp tục tăng. Hay G20 cũng không thể gây sức ép để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lùi thời điểm tăng lãi suất, bất chấp những lo ngại của một số nền kinh tế mới nổi cho rằng động này có thể gây ra tình trạng thoái vốn và biến động tỷ giá.
Việc thiếu những hành động như trên có thể phần nào củng cố quan điểm của những người chỉ trích cho rằng các hội nghị của G20 không khác hơn một “cuộc thảo luận suông”, cho dù Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso tuần này cho rằng “một cuộc tranh luận thẳng thắn” tại hội nghị G20 về vấn đề bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là một điều hữu ích./.