Một số nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam

Nhiều nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam và đề ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa vấn nạn này, bảo vệ quyền lợi người dân.
Một số nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam ảnh 1Bà Lê Thị Khánh Vân cho hay, nhiều quốc gia trên thế giới quản lý rất nghiêm túc nông sản thực phẩm từ đồng ruộng tới bàn ăn. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại Hội thảo Khoa học và Công nghệ trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm do Cục Thông tin và Khoa học công nghệ Quốc gia (NASATI, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18/5, các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng NASATI gia cho hay, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà của tất cả các nước trên thế giới.

Bà Vân dẫn chứng thống kê cho biết tại Mỹ mỗi năm có gần 76 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, khoảng 325.000 người phải nhập viện và 5.000 người tử vong có liên quan tới thực phẩm. Trong khi đó, cộng đồng châu Âu từng choáng váng vì bệnh bò điên, Trung Quốc đau đầu vì có melamine trong sữa…

“Tuy nhiên, Chính phủ của họ đã đưa ra các giải pháp quản lý và ngăn chặn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, khác chúng ta rất nhiều. Họ quản lý nghiêm túc nông sản thực phẩm từ đồng ruộng tới bàn ăn, từ nơi sản xuất tới nơi tiêu dùng và đặc biệt là kiểm soát chặt thực phẩm nhập khẩu,” bà Vân nói.

Đồng tình quan điểm này, Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng rủi ro sử dụng thực phẩm là rất khó tránh, ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống pháp luật đồng bộ, đời sống người dân cao nhưng các sự cố liên quan an toàn thực phẩm vẫn xảy ra.

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế. Trong dân gian còn tồn tại nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như ăn tiết canh, gỏi cá…; một bộ phận người dân kinh tế thấp nên không có điều kiện mua và sử dụng thực phẩm chất lượng cao, phải dùng sản phẩm trôi nổi…

Ông Hùng cũng cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan nói trên, còn nguyên nhân chủ quan là kinh phí chi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta còn thấp; lực lượng cán bộ thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Cùng lúc, cơ chế thị trường bộc lộ nhiều tiêu cực, vì lợi nhuận bất chấp chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng…

Theo đại diện Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), nguyên do chính dẫn đến rau mất vệ sinh là ý thức người tham gia sản xuất chưa cao, chưa tuân thủ các quy trình công nghệ, khuyến cáo của nhà cung cấp về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cùng lúc, đa số các vùng trồng rau không được kiểm soát dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới.

Bên cạnh đó, rau quả hiện nay chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ lẻ, không có nhãn mác, khó truy thu nguồn gốc và gắn tách nhiệm của người sản xuất, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển và phân phối rau quả, chưa có hệ thống sơ chế, đóng gói và vận chuyển đúng tiêu chuẩn…

Bởi vậy, để hạn chế tình trạng này, đại diện Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng cần phải quy hoạch trồng rau quả và có chính sách hỗ trợ cho người tham gia sản xuất trong chuỗi giá trị rau, củ, quả; đầu tư nghiên cứu nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; nâng cao chuyên môn cho lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm vào cuộc sống; kiểm soát chặt chẽ đầu vào trong sản xuất rau, củ, quả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng khuyến nghị, cần đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt cần truyền thông thay đổi hành vi, phát huy vai trò của các tổ chức như mặt trận tổ quốc, hội nông dân, phụ nữ… tham gia vào chiến dịch này.

Cùng lúc, cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng; kiểm soát thực phẩm nhập lậu, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, cần tăng mức độ xử phạt đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất rau quả mất vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn rau, củ, quả từ trồng trọt, thu mua tại các chợ đầu mối đến các siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng rau an toàn…/.

<><>
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục