Một số món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm cỗ xưa của người Việt

Món ngon ngày Tết là một phần không thể thiếu trong khung cảnh sum họp gia đình ấm cúng của người Việt Nam; trong đó, mỗi món ăn trong mâm cỗ Tết đều mang một ý nghĩa độc đáo riêng biệt.

Mâm cơm cúng ngày Tết. (Ảnh: Vietnam+)
Mâm cơm cúng ngày Tết. (Ảnh: Vietnam+)

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên đán của người Việt xưa thường được chuẩn bị rất thịnh soạn, đầy đủ và chu đáo.

Điều này không chỉ thể hiện sự no ấm, thịnh vượng mà còn hàm chứa mong ước về một năm mới đầy đủ, phát đạt. Dưới đây là những món ngon ngày Tết luôn hiện diện trong mâm cỗ truyền thống của người Việt xưa.

Chỉ cần điểm lại những món ngon không thể thiếu trong mâm cỗ xưa ngày Tết là đủ thấy văn hóa ẩm thực của người Việt Nam phong phú nhường nào.

Bánh chưng

Bánh chưng là món ăn truyền thống có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Theo sự tích “bánh chưng, bánh dày,” bánh chưng là biểu tượng cho đất, thể hiện sự biết ơn của hoàng tử Lang Liêu đến vua Hùng thứ 16. Bên cạnh đó, bánh chưng trong tín ngưỡng xưa còn là lòng thành kính của người dân đối với đất trời khi giúp mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Chiếc bánh "gói ghém cả nền văn minh nông nghiệp lúa nước," được làm từ những nguyên liệu sẵn có của mọi nhà, thể hiện lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho con người.

Câu chuyện về sự ra đời của bánh chưng, bánh tét còn thể hiện chữ hiếu của người con với cha mẹ, tổ tiên. Vì thế, ngoài ý nghĩa thực phẩm, bánh chưng còn là lễ vật dâng cúng gia tiên, thần linh, là món quà biếu cha mẹ, bề trên, bạn bè thân thiết.

BANH CHUNG1.jpg
Gói bánh chưng ngày Tết. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi độ Xuân về, mọi người quây quần bên nhau gói rồi canh lửa nấu bánh chưng trong thời tiết se lạnh mang đến khung cảnh ấm cúng, tuyệt đẹp. Khi bánh chưng chín, bạn sẽ ngửi thấy hương thơm quyến rũ của lá dong, mở ra lớp vỏ là phần bánh với hương vị dẻo mịn của gạo nếp. Phần nhân là sự hòa quyện của đậu xanh béo bùi, cùng thịt mỡ béo ngậy thêm một chút vị cay nhẹ của hạt tiêu khiến người ăn phải mê mẩn.

Xôi gấc

Bên cạnh bánh chưng, bánh tét, xôi nếp cũng là phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết cổ truyền. Mỗi vùng miền có cách đồ xôi khác nhau, với màu sắc đa dạng. Tuy nhiên, trong những ngày lễ Tết Nguyên đán, xôi gấc đỏ được ưa chuộng hơn cả và được người dân bày trên mâm cỗ.

Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon, trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi đồ. Sau khi được chín, xôi có màu đỏ tươi rất hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường, hương thơm đặc trưng và bổ dưỡng (giàu vitamin A) của gấc.

Thịt nấu đông

Thịt đông được làm từ thịt heo, thịt gà, chân giò, nấm hương và mộc nhĩ... được ninh nhừ, để đông lại là hoàn thành.

Món thịt nấu đông có vị ngọt, đậm đà, mềm mịn cùng lớp ngoài trong veo bao bọc phần nhân đầy màu sắc bên trong - tất cả như đại diện cho sự rực rỡ, thành công trong năm mới.

Để thưởng thức trọn vị ngon của món ăn này nên kết hợp cùng với cơm nóng, dưa hành và tận hưởng tiết trời se lạnh của mùa Xuân miền Bắc.

thit-nau-dong.jpg
Để thưởng thức trọn vị ngon của món ăn này nên kết hợp cùng với cơm nóng, dưa hành và tận hưởng tiết trời se lạnh của mùa Xuân miền Bắc. (Ảnh: Vietnam+)

Thịt nấu đông dễ ăn, không ngán và kết hợp với dưa, hành muối là một món ngon đãi khách. Món này có vị ngọt mềm, màu trong veo đẹp mắt, gia vị hòa quyện tạo rất hài hoà, ăn cùng cơm nóng hay bánh chưng đều tuyệt.

Gà luộc

Theo quan niệm xưa, gà đại diện cho sự may mắn, khởi đầu của một năm mới thuận lợi. Do vậy, từ Bắc chí Nam, món gà luộc chỉ dùng để tiếp đãi khách trong những dịp lễ quan trọng như đám cưới, đám hỏi, tân gia, tất niên...

Đặc biệt, trong mỗi mâm cỗ ngày Tết của gia đình Việt không thể thiếu đĩa thịt gà luộc vàng ươm, căng bóng, thịt ngọt dai chấm cùng với chén muối tiêu chanh, ngon hết sẩy.

Không chỉ là lễ vật bắt buộc khi dâng cúng, đĩa gà luộc còn tăng vẻ trang trọng cho bữa ăn, nhất là khi nhà có khách.

Giò lụa

Giò lụa (hay có tên khác là chả lụa) có màu trắng hồng bắt mắt, bề mặt mịn màng thường được làm bằng thịt heo xay nhuyễn, khi ăn có độ dai và ngọt tự nhiên. Giò lụa được làm từ thịt heo giã nhuyễn trong cối đá, gói bằng lá chuối rồi luộc chín.

Những ngày Tết, giò lụa có thể được mang lên tiếp đãi khách đến thăm nhà hoặc bày biện cho bữa cơm xuân đủ đầy. Đây là một trong những món ăn gần như bắt buộc phải có, nằm ở vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết với ý nghĩa “trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà;” là món quà Tết mọi người tặng nhau.

Đặc biệt, chả lụa có thể ăn cùng với cơm trắng, cuốn bánh tráng hoặc làm bún nước mắm đều rất ngon miệng.

Nem rán

Nem rán là món ăn truyền thống nổi tiếng trong ẩm thực Việt Nam, vì vậy món này đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình.

nem ran.JPG
Nem rán là món ăn truyền thống nổi tiếng trong ẩm thực Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Những chiếc nem rán vàng rộm, nóng hổi với phần nhân bên trong đậm đà được hòa quyện từ thịt lợn, mộc nhĩ, miến, nấm hương, cà rốt... cuốn cùng với rau xà lách, các loại rau thơm như húng quế, chấm trong chén nước mắm chua ngọt cực ngon miệng.

Ngoài món nem rán truyền thống còn có một số loại nem rán khác như món nem rán hải sản, nem rán chay...

Canh bóng bì lợn (canh bóng thả)

Canh bóng bì lợn (hay còn gọi là canh bóng thả) là một món canh rau củ đặc trưng trong các món ăn ngày Tết miền Bắc.

Món canh bóng bì lợn mang ý nghĩa sung túc, đủ đầy trong năm mới như bất kỳ món ăn ngày Tết nào khác. Điểm đặc biệt của món ăn này chính là sự hòa quyện của hơn 12 nguyên liệu và cách nấu vô cùng kỳ công.

Trong 12 nguyên liệu đó, bóng bì lợn, thịt thăn nõn, tôm khô, trứng cút, nấm hương, súp lơ xanh, súp lơ trắng, đậu Hà Lan, cà rốt và gừng là những nguyên liệu bắt buộc phải có. Thêm nữa, nước dùng phải là nước luộc gà thứ 2 thì mới trong và đậm vị.

Ngoài ra, khi sơ chế, bóng phải được ngâm trước 2 tiếng cho nở, làm sạch bằng gừng, muối, rượu cho hết mùi. Sau đó, cắt hình tròn cho đẹp rồi ướp cùng nước dùng gà.

Canh măng khô chân giò

Những ngày Tết đến Xuân về thường không thể thiếu bát canh măng khô nóng hổi với hương vị thơm ngon, béo ngậy.

canh-mang chan gio.jpg
Bát canh măng khô nấu chân giò. (Ảnh: Vietnam+)

Nồi canh măng nấu cùng chân giò là món ăn đặc trưng của người miền Bắc mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Vị ngọt đậm đà của nước xương ngấm vào măng khô, cộng với mùi thơm của hành lá, mùi tàu và khiến nhiều người có thể ăn no món này. Đây là món canh chống ngán hiệu quả trong những ngày Tết ngập tràn thịt, giò chả, bánh chưng. Và đây cũng được xem là một nét văn hóa truyền thống của ông bà xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Chè kho

Chè kho là món ăn rất phổ biến trong các mâm cỗ cúng tổ tiên của gia đình người Việt vào ngày Rằm, mồng Một đầu tháng hoặc các ngày lễ Tết, được xem như một nét đặc trưng không thể nào bỏ qua được.

Chè kho beo béo của nước cốt dừa, hương vị đỗ xanh quyện lại cùng đường tạo nên món ăn ngọt ngào đậm vị trong ngày đầu xuân năm mới, đảm bảo ai nấy ăn rồi chỉ có ghiền thôi.

Dưa hành

Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người miền Bắc là hành muối chua, còn gọi là dưa hành.

Với vị chua cay nhẹ, nó được dùng để ăn kèm cùng với bánh chưng hay thịt đông. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày Tết. Cho dù cuộc sống luôn thay đổi nhưng chừng nào Việt Nam còn Tết Nguyên đán thì sẽ còn bánh chưng và dưa hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục