Một số kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới

Khuyến khích sự tham gia của người dân, cập nhật các xu hướng công nghệ mới và đảm bảo an ninh dữ liệu... là những kinh nghiệm được đúc kết trong việc triển khai thành phố thông minh trên thế giới.
Một số kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới ảnh 1Việc phát triển đô thị thông minh ở cấp độ quốc gia cần sự điều tiết của chính phủ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các thành phố có xuất phát điểm khác nhau, có ưu tiên phát triển khác nhau, có vị trí địa lý và trình độ phát triển cũng như nguồn lực không giống nhau, nên không thể có một mô hình phát triển thành phố thông minh nào phù hợp và “vừa vặn” với tất cả.

Ví dụ Singapore là quốc gia thành phố nhỏ, dân số ít, hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ và hiện đại, do đó việc triển khai xây dựng Sáng kiến Quốc gia thông minh có nhiều thuận lợi hơn. Dù vậy, từ kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới, có thể đúc kết một số bước đi hiệu quả để các nước như Việt Nam tham khảo.

Kinh nghiệp thứ nhất là thành lập lực lượng liên ngành, trực thuộc chính phủ để hoạch định chính sách, đường lối, kế hoạch cụ thể và quản lý, giám sát việc thực thi; xây dựng chiến lược tổng thể ở cấp độ quốc gia để trên cơ sở đó, các bộ/ngành, tỉnh/thành sẽ cụ thể hoá dựa trên thực tế và xây dựng kế hoạch.

Việc số hóa quản trị đòi hỏi sự tham gia của tất cả các bộ/ngành, do đó cần phải có đại diện của tất cả các bộ/ngành trong lực lượng trên để có thể triển khai đồng bộ.

Thứ hai là ưu tiên tập trung thí điểm thực hiện sáng kiến phát triển đô thị thông minh tại một số thành phố lớn, trên cơ sở đó rút ra những bài học để triển khai trên diện rộng.

Việc phát triển đô thị thông minh ở cấp độ quốc gia cần sự điều tiết của chính phủ, tránh tình trạng thành phố nào cũng có đề án phát triển thành phố thông minh của riêng mình, gây lãng phí nguồn lực về con người và tài chính. Việc phát triển đô thị thông minh phải đi đôi với xoá đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn, miền núi, tránh để hố ngăn cách giàu nghèo giữa các vùng miền ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Khuyến khích sự tham gia của người dân

Kinh nghiệm tiếp theo là khuyến khích, huy động sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng thành phố thông minh. Chính quyền đô thị thông minh và thành phố thông minh là phải tạo ra quá trình tương tác giữa chính quyền với chính quyền, giữa chính quyền với người dân, giữa người dân và người dân, qua đó chính quyền hiểu người dân, biết họ muốn và cần điều gì để đáp ứng nhu cầu của họ theo một cách kinh tế và bền vững nhất.

Kinh nghiệm này đã được chứng minh qua thực tế phát triển thành phố thông minh của chính quyền Tel Aviv (Israel) hay thành phố Cork của Ireland.

[Những hình mẫu sinh động về thành phố thông minh trên thế giới]

Với tư cách là người sử dụng cuối cùng các dịch vụ công và là người tạo ra dữ liệu và thông tin, người dân cũng phải là những người đóng góp ý tưởng chính cho các quá trình hoạch định chính sách và là người đồng sáng tạo các giải pháp của thành phố.

Với sự đóng góp kịp thời của người dân từ giai đoạn đầu trong phát triển các giải pháp thành phố thông minh, chính quyền và các nhà quản lý sẽ có được các cơ chế hiệu quả hơn để thu thập và phân tích phản hồi của các bên liên quan.

Một số kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới ảnh 2Đối với cách thức quản lý của chính quyền đô thị và thành phố thông minh, người dân được đặt ở vị trí trung tâm. (Nguồn: corkcity.ie)

Đối với cách thức quản lý của chính quyền đô thị và thành phố thông minh, người dân được đặt ở vị trí trung tâm. Việc chính quyền các thành phố tạo điều kiện tối đa để mọi người dân cùng sáng tạo cũng mang lại lợi ích cho việc quản lý của các cấp chính quyền.

Cập nhật xu hướng công nghệ mới

Song song với đó là việc liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới để có thể tìm cách giảm đầu tư, ví dụ công nghệ dịch vụ điện toán đám mây giúp giảm đầu tư công vào các hệ thống cứng tốn kém và đắt đỏ khi bảo trì vận hành.

Bên cạnh việc tham gia vào các tổ chức, diễn đàn, hợp tác quốc tế về các chuẩn công nghệ, sự hợp tác theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương hay ngang giữa các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội và các tổ chức khác của mỗi địa phương là cấp thiết khi thành phố thông minh không chỉ phục vụ cho mục đích quản lý của chính quyền mà còn vì mục tiêu thu hút đầu tư phát triển của thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và qua đó tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển hơn nữa để một số thành phố thông minh có thể làm đầu tàu cho phát triển vùng.

Bài học từ một số thành phố cho thấy các công cụ khác nhau, (chính sách, các khuyến khích...) có thể được sử dụng linh hoạt trong các quá trình quan trọng để phát triển thành phố thông minh. Ví dụ quy định về chia sẻ dữ liệu tổng hợp (không định danh cá nhân), quy định về việc tự đầu tư cảm biến và camera giám sát và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan chức năng...

Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu vào các mục đích nào và chia sẻ hay phân tích ra sao cũng phải minh bạch và rõ ràng, không chỉ dựa trên niềm tin hay tín nhiệm mà phải luật hóa.

Ngoài ra, việc huy động nguồn lực cộng đồng là vô cùng quan trọng, là chìa khóa để các dự án đầu tư phát triển thành phố thông minh thành công. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi có một “nhạc trưởng,” hay tổng công trình sư hiểu biết về công nghệ, giải pháp, quy định pháp luật, tư duy mở và có cách làm việc hiệu quả với các bên liên quan.

Một số kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới ảnh 3Một số thành phố như San Francisco của Mỹ có chức danh giám đốc sáng tạo đổi mới - là người được trao quyền để có thể lên kế hoạch, kêu gọi sự tham gia của các bên. (Nguồn: smartcitiesworld.net)

Một số thành phố như San Francisco (Mỹ) có chức danh giám đốc sáng tạo đổi mới (innovation manage) là người được trao quyền để có thể lên kế hoạch, kêu gọi sự tham gia của các bên như trường đại học, các tổ chức nghiên cứu trên địa bàn, chính quyền địa phương, các công ty hay ngành công nghiệp địa phương và người dân.

Vấn đề an ninh dữ liệu

Vụ việc hệ thống dữ liệu y tế của Singapore bị tấn công năm 2018 cho thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh dữ liệu, an ninh mạng. Các dự án liên quan đến dữ liệu của người dân phải do các cơ quan chính phủ đảm nhiệm và cần chú trọng đầu tư nâng cao thực lực an ninh mạng; chỉ xã hội hóa các lĩnh vực không nhạy cảm về an ninh dữ liệu.

Ngoài ra, tình trạng có quá nhiều ứng dụng của chính phủ, như Singapore có gần 100 ứng dụng, sẽ khiến người dân dễ bị nhầm lẫn và không rõ về chức năng của các ứng dụng.

Theo giới chuyên gia, nên ưu tiên phát triển một số ứng dụng trong lĩnh vực hành chính, quản trị nhà nước hay chăm sóc y tế, giáo dục... ở cấp độ quốc gia (sau đó người dân có thể chọn dịch vụ tại các tỉnh mình đang cư trú), chẳng hạn như ứng dụng dịch vụ công để người dân đặt lịch làm việc; ứng dụng về môi trường để cảnh báo tình hình thời tiết, bão lũ, có thêm chức năng thông báo các vi phạm, tình trạng thực tế để người dân thông báo cho các cơ quan chức năng; ứng dụng của lực lượng cảnh sát để thông báo tin tức tội phạm, tình hình an ninh, đồng thời để người dân thông báo các vi phạm.

Vấn đề là người dân phải sử dụng mã số định danh/số chứng minh nhân dân để có thể truy cập và sử dụng các ứng dụng này, giúp cơ quan chức năng tránh tình trạng tiếp nhận quá nhiều thông tin rác.

Việt Nam: Phát triển đô thị thông minh bền vững

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo thống kê, tới cuối năm 2021, trên cả nước đã có 41 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh. Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng đã tham gia vào mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN từ năm 2018. Đây là nơi có thể học tập và trao đổi kinh nghiệm tốt về các giải pháp được đưa vào thực hiện.

Một số kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh trên thế giới ảnh 4Tháng Bảy năm ngoái, tại New York (Mỹ), Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF đã vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là một trong Top 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Có thể thấy việc xây dựng thành phố thông minh và phát triển bền vững là một hành trình chứ không phải là đích đến vì dù thành phố có thông minh đến đâu thì với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ ngày nay, các thành phố đều có thể trở nên thông minh hơn nữa.

Hành trình đó cũng có thể là cơ hội để các các nhà quản lý đạt được một phần mục đích thông qua việc người dân tham gia vào hành trình, giúp họ nhận ra cơ hội để họ phát triển và gắn bó với thành phố.

Dù sau này tên gọi của các mô hình thành phố ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân có thể khác đi thì mục đích cuối cùng vẫn là tiếp tục củng cố và phát triển các thành phố trở thành nơi đáng sống, đáng đầu tư và đáng gọi là nhà cho nhiều người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục