Cứ đến ngày 7/11, tại Nghệ An, những người đã từng du học, công tác và làm việc ở Liên bang Xô Viết trước đây lại gặp nhau để cùng hoài niệm về những năm tháng đã sống, học tập và làm việc ở đó.
Trong những buổi gặp mặt, mọi người cùng uống rượu vodka Nga, ăn những món ăn Nga, nghe và hát những bài dân ca Nga quen thuộc.
Họ đều có điểm chung là rất yêu mến nước Nga, con người Nga và quý trọng những gì mà nước Nga đã cho họ.
Tình yêu không vơi cạn
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Vinh, từng du học ở Liên Xô 6 năm (giai đoạn 1968-1974). Sau khi về nước, ông còn tiếp tục tham gia nhiều khóa học khác, đi nhiều nước nữa trên thế giới nhưng để lại trong ông dấu ấn sâu đậm nhất vẫn là thời gian sống và học tập ở nước Nga.
Thời gian qua đi nhưng tình yêu của ông với nước Nga, với những người Nga có tình cảm nồng ấm, đôn hậu vẫn mãi còn vẹn nguyên như thủa ban đầu.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Mai, cũng như nhiều thanh niên khác, khi đặt chân đến nước Nga không khỏi choáng ngợp trước Quảng trường Đỏ, điện Kremlin, trường Đại học Lomonosov và nhìn thấy bầu trời mùa Thu Nga cao xanh với sắc vàng rực rỡ.
Lắng đọng trong trái tim những người Việt Nam đã từng sống, học tập ở Nga còn là tính cách của người dân Nga với sự gần gũi, ấm áp và rất chân tình.
Lưu học sinh Việt Nam thời đó không chỉ được học tiếng Nga, công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại, tiên tiến mà còn hiểu sâu sắc về nền văn hóa, lịch sử về đất nước và con người Nga với biết bao chiến công oai hùng trong lịch sử. Bởi thế, dù chỉ một lần đến với nước Nga, thật khó có ai cầm lòng được khi rời xa nơi đó.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Mai bồi hồi, ngày đó đất nước đang chiến tranh ở cả hai miền, ông cùng nhiều thanh niên khác được đi du học để sau này khi đất nước thống nhất trở về xây dựng quê hương. Vì thế, khi sang nước bạn, việc học tập được ông cùng mọi người đặt lên hàng đầu.
Ngoài việc học thật tốt, thì trong tâm niệm của những du học sinh thời bấy giờ là dù ở đâu, làm bất cứ việc gì trên đất bạn cũng phải thể hiện là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam anh hùng, dân tộc kiên cường, bất khuất và yêu chuộng hòa bình.
Ở Liên Xô thời bấy giờ, dù có hàng vạn sinh viên của hàng chục nước trên thế giới đến du học, nhưng những sinh viên Việt Nam bao giờ cũng được yêu mến, bao bọc đặc biệt. Sự quý mến của người Nga được thể hiện theo nhiều hình thức và họ luôn dành sự chân thành, bao dung và lòng quý trọng vói các du học sinh Việt Nam.
Ấn tượng nhất đối với tiến sỹ Mai lúc bấy giờ là thường xuyên được các bạn sinh viên người Nga mời đến các cơ sở để nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đi đến đâu, ông đến đâu cũng được bạn tiếp đón niềm nở, kính trọng như thể các du học sinh vừa đánh Mỹ chiến thắng trở về.
Ở Nga có phong tục đón khách quý bằng bánh mì và muối. Những lần du học sinh Việt Nam đến thăm, người Nga không chỉ đón với nghi thức bánh mì và muối mà họ còn xếp hàng, tay cầm cờ Việt Nam, cờ Liên Xô và hô vang “Việt Nam anh hùng!”
Thời gian đó, hầu như ở bất kỳ thành phố nào của Liên bang Xô Viết, nơi có du học sinh Việt Nam học tập, sinh sống, đều có những bà mẹ Nga tự nhận mình là mẹ của sinh viên Việt Nam. Những bà mẹ Nga luôn chăm sóc tận tình các du học sinh Việt Nam.
Những du học sinh Việt Nam hiểu rằng tình cảm, sự yêu thương và kính trọng mà du học sinh Việt Nam nhận được ngoài sự cố gắng của bản thân các du học sinh thì trong đó còn chứa cả máu, nước mắt và sự hy sinh của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất.
Các du học sinh đã cố gắng hết sức để học tập, gương mẫu trong cuộc sống, đúng mực trong cư xử để bạn hiểu về Việt Nam, xây đắp tình hữu nghị chân thành, quý trọng giữa con người với con người, giữa hai dân tộc dù có khác về màu da và ở cách xa nhau nửa vòng Trái Đất.
Tình yêu của tiến sỹ Nguyễn Xuân Mai đối với nước Nga còn có điểm đặc biệt bởi chính trong thời gian học tập ở nước bạn, ông đã có mối tình đầu và sau đó là gia đình nhỏ hạnh phúc. Cô con gái đầu lòng của vợ chồng ông chào đời đúng vào ngày 7/11 đã được ông đặt tên là Phương Nga.
Luôn mong ngày gặp lại
Năm 1983, mới "chân ướt chân ráo "gia nhập vào Xí nghiệp Thủy lợi 24 (Bộ Thủy lợi), anh Lưu Đức Hạnh, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được Bộ Thủy lợi cử sang làm công nhân sản xuất của Nhà máy sản xuất máy kéo ở vùng Antai thuộc Siberia.
Thời điểm đó, có khoảng gần 700 người Việt Nam cũng đang làm việc tại Nhà máy.
Đến Liên Xô lúc đó, Lưu Đức Hạnh chăm chỉ, cần cù học tập và làm việc. Khi sang nước bạn, anh Hạnh cùng một số đồng nghiệp khác được nước bạn bố trí chỗ ăn, nghỉ, sau đó được học tiếng, học nghề và bố trí làm việc.
Khoảng thời gian 6 năm ở nước Nga đầy ắp những kỷ niệm khó quên bởi ở đó, anh Hạnh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật, học cách làm việc chuyên nghiệp và đặc biệt là ấn tượng sâu đậm với tính cách con người Nga nồng hậu, hiếu khách.
Qua các thông tin, các đồng nghiệp ở Nga đã biết và hiểu về cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam và những hy sinh mà nhân dân Việt Nam phải chịu đựng.
Các đồng nghiệp người Nga đã tạo điều kiện tốt nhất để những người công nhân như anh Hạnh học tập và rèn luyện tốt, tiếp thu những kiến thức khoa học, kỹ thuật để sau này về phục vụ cho Tổ quốc.
Sau này, khi trở về Việt Nam, do công nghiệp chưa phát triển, những kiến thức mà Lưu Đức Hạnh học tập và làm việc ở Nhà máy sản xuất máy kéo ở nước bạn chưa được áp dụng.
Anh Hạnh cùng vợ (cũng từng là công nhân Nhà máy sợi ở Maskva) đã quyết định mở Công ty hoa hiếu hỷ tổng hợp làm để làm kế sinh nhai.
Thế nhưng, anh Hạnh khẳng định, vốn liếng và kiến thức trong những năm học tập, làm việc ở nước bạn là nền tảng, bước đệm để vợ chồng anh nỗ lực vươn lên lập nghiệp.
Học hỏi được từ những người bạn Nga về nguyên tắc làm việc có kỷ luật, lao động nghiêm túc, làm ra làm, chơi ra chơi, vợ chồng anh chị Hạnh đã áp dụng vào cuộc sống và công việc kinh doanh hiện tại.
Anh Hạnh tâm sự: "Suốt cả tuổi thanh xuân, vợ chồng tôi đã từng ở nước Nga. Hy vọng trong một ngày không xa, gia đình nhỏ của chúng tôi sẽ trở lại nước Nga, thăm lại những người bạn giàu lòng nhân ái, những địa danh đầy ắp kỷ niệm của chúng tôi."/.