Một người từ vùng dịch Ebola về tự nguyện nhập viện cách ly

Một lao động Việt Nam trở về từ Liberia - vùng dịch Ebola - có triệu chứng đau họng, sốt trước đó, đã tự nguyện xin nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để cách ly.
Một người từ vùng dịch Ebola về tự nguyện nhập viện cách ly ảnh 1Khu cách ly đặc biệt cho người trở về từ vùng dịch Ebola tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Một trường hợp người Việt Nam đi từ Liberia - vùng có dịch Ebola - về Việt Nam ngày 19/8, có triệu chứng đau họng, sốt trước đó, đã tự nguyện xin nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chiều tối 20/8 để cách ly.

Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, anh P.T.H (29 tuổi) trú ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, là lao động xuất khẩu ở Liberia.

Cách đây khoảng 20 ngày, anh P.T.H cùng một nhóm người Việt Nam gồm 20 người nghe tin dịch bệnh Ebola xuất hiện ở nước này nên đã xin nghỉ việc và cùng ở một khu nhà trọ để chờ tới ngày trở về nước.

Ngày 17/8, đoàn từ thủ đô Monrovia (Liberia) bắt đầu về nước và quá cảnh qua Ghana, Hà Lan và Thái Lan. Đến khoảng 16 giờ ngày 19/8 đoàn trở về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.

Tại ga quốc tế đến cửa Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, qua máy đo thân nhiệt đều không phát hiện trường hợp nào trong đoàn có dấu hiệu sốt. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng an ninh cửa khẩu phát hiện nhóm này xuất phát từ vùng có dịch bệnh Ebola nên đã yêu cầu phối hợp với bộ phận kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh để lấy lời khai y tế.

Khi cán bộ kiểm dịch lấy lời khai y tế và thông tin về tình hình dịch bệnh do virus Ebola, mức độ nguy hiểm… thì anh P.T.H cho biết mới uống thuốc hạ sốt trước khi lên máy bay ở Bangkok (Thái Lan) bởi trước đó (ngày 15/8) bị sốt, đau họng và đã uống thuốc kháng sinh.

Ngay sau đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế yêu cầu anh P.T.H vào khu vực cách ly ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau vài giờ cách ly và qua ba lần kiểm tra, anh P.T.H đều không có dấu hiệu của sốt hay các triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh do virus Ebola nên ngành y tế thành phố đã cho anh P.T.H về nhà và yêu cầu anh trở lại kiểm tra nếu có triệu chứng đau cơ, sốt…

Tuy nhiên, mặc dù không bị cách ly, nhưng anh P.T.H không trở về nhà ngay mà thuê một phòng trọ để ở.

Đến khoảng 17 giờ 30 phút ngày 20/8, anh P.T.H đã tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới yêu cầu được cách ly vì lo lắng có khả năng mắc bệnh do virus Ebola và sẽ làm lây lan cho người nhà và cộng đồng.

Tại đây, anh P.T.H được cách ly hoàn toàn như một trường hợp nghi mắc bệnh do virus Ebola.

Bác sỹ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ khi nhập viện cách ly đến nay, anh P.T.H không có dấu hiệu của sốt và tình trạng sức khỏe, sinh hoạt bình thường.

Hiện bệnh viện đang xin ý kiến của Bộ Y tế cho xuất viện và tiếp tục theo dõi ở địa phương nơi anh P.T.H cư trú.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có ba trường hợp người đi về từ vùng dịch phải cách ly để kiểm tra, trong đó có hai người quốc tịch Nigeria (đã được xuất viện).

Hiện nay, việc giám sát dịch bệnh do virus Ebola thông qua máy đo thân nhiệt ở các cửa khẩu quốc tế chỉ là biện pháp tương đối do một số trường hợp bị sốt, để tránh bị giám sát tại các cửa khẩu quốc tế đã uống thuốc hạ sốt trước đó thì máy đo thân nhiệt sẽ không thể phát hiện được.

Theo tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, liên quan đến giám sát dịch bệnh Ebola, quan trọng nhất vẫn là giám sát các trường hợp có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch và tiếp tục theo dõi 21 ngày tại địa phương.

Bên cạnh đó, phải thông tin cho những người này hiểu rõ về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây lan, các triệu chứng… để bảo vệ những người xung quanh.

Qua đợt giám sát các trường hợp đi từ vùng dịch trở về địa phương vừa qua cho thấy, người dân đều tích cực hợp tác với lực lượng chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục