Vốn không có kiến thức về hội họa và không có nhiều tiền, nhưng chỉ trong vòng 3 năm, ông đã sưu tầm được hơn 2.000 bức tranh của các họa sỹ nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó có ít nhất 7 bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái. Đó là ông Tira Vanichtheeranont, một kỹ sư viễn thông người Thái Lan đã sống và làm việc ở Việt Nam gần 30 năm nay. Trong suốt khoảng thời gian đó, ông hoàn toàn không nghĩ đến chuyện mua tranh Việt hay trở thành nhà sưu tập tranh chuyên nghiệp như hiện nay. Có lẽ không mấy ai có thể tin được khi biết hầu hết tác giả của những bức tranh và ký họa trong bộ sưu tập của ông là những họa sỹ có tên tuổi ở Việt Nam và rất nhiều trong số họ đã từng là sinh viên của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, từ năm 1925-1945. Ai đến xem tranh đều nghĩ ông phải bỏ ra rất nhiều tiền để có được bộ sưu tập tranh quý giá như vậy nhưng ông Tira Vanichtheeranont thừa nhận rằng ông vốn không có nhiều tiền và ông đã mua số tranh đó với giá khá hời. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong số những bức tranh đó, ông có ít nhất bảy bức tranh và ký họa của danh họa Bùi Xuân Phái. Mỗi bức tranh của họa sỹ này có giá cả trăm nghìn USD. Mọi chuyện đến với ông kỹ sư người Thái, vốn không có chút kiến thức gì về hội họa và nghệ thuật rất tình cờ. Đến Việt Nam trong buổi đầu của thời hội nhập, ông Tira trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông cho Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Trong suốt hơn 20 năm làm việc ở Việt Nam, ông đã không hề nghĩ đến chuyện trở thành nhà sưu tập tranh. Năm 2006, khi ông chính thức về hưu, Tira muốn tìm hiểu và sưu tầm đồ cổ để giết thời gian ranh rỗi. Ba năm sau, tình cờ ông gặp được một người Việt, vốn làm nghề môi giới đồ cổ. Người này ngỏ lời muốn bán cho ông hơn 200 bức tranh quý với giá 40.000 USD. Xem tranh xong, Tira cảm thấy rất thích nhưng ông không dám mua vì lúc đó ông hoàn toàn không biết gì về hội họa và càng không biết gì về mỹ thuật Việt Nam, cũng như giá trị của những bức tranh kia. Sau khi mua sách tìm hiểu và tìm đến nhiều họa sỹ có tên tuổi để trò chuyện về tranh Việt, cuối cùng Tira quyết định mua số tranh đó. “Tôi nghĩ tôi thật can đảm khi quyết định mua những bức tranh đó, vì tôi vốn không biết gì về hội họa. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi mới nhận ra giá trị của tranh Việt,” Tira chia sẻ. Sau lần triển lãm số tranh mới mua được ở Hà Nội, Tira cùng với họa sỹ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng làm một cuốn sách về hội họa Việt Nam, trong đó giới thiệu các tác phẩm của 28 họa sỹ có tên trong bộ sưu tập của mình. Một trong những họa sỹ được in trong tập sách, họa sỹ Tôn Đức Lượng, năm nay gần 90 tuổi, cảm thấy rất vui và thích nhà sưu tập tranh người Thái này và quyết định bán cho ông 220 bức ký họa được vẽ trong suốt những năm chiến tranh với giá chỉ... 2.000 USD. Họa sỹ Tôn Đức Lượng cũng là cựu sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông Tira cho biết số tiền ông bỏ ra để in sách về các họa sỹ Việt Nam tính ra có khi gấp nhiều lần so với tiền ông bỏ ra để mua tranh. Nhà sưu tập tranh 65 tuổi này trở nên gắn bó với tranh Việt hơn khi ông tình cờ gặp được Nilkamhaeng Passama, một phụ nữ người Thái. Bà ngỏ ý bán cho ông toàn bộ số tranh trong bộ sưu tập của người chồng Italy quá cố - Petro Paris, nguyên là tham tán thương mại của Đại sứ quán Italy tại Việt Nam. Trong suốt thời gian làm việc ở Việt Nam, Petro Paris đã âm thầm sưu tập tranh Việt và khi qua đời ông để lại cho bà vợ 130 bức tranh Việt. Do không chơi tranh cũng không am hiểu nhiều về nghệ thuật nên bà quyết định bán số tranh trên cho ông Tira với giá chỉ 29.000 USD.
Ông Tira và một trong những bức tranh thuộc bộ sưu tập đồ sộ của mình (Ảnh Nhật Trường/Vietnam+)
Trong số 130 bức tranh ông Tira mua đợt này, có 7 bức tranh của cố họa sỹ Bùi Xuân Phái. Cũng theo ông Tira, một trong 7 bức tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái đã được trả trên 60.000 USD tại một buổi đấu giá tranh ở Singapore. Ông Tira lý giải một trong những nguyên nhân khiến ông mua được nhiều tranh Việt là vì nhiều người Việt Nam vẫn chưa hiểu hết giá trị của tranh Việt. Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng thừa nhận những bức tranh trong bộ sưu tập của ông Tira có giá trị rất cao. Sau khi hoàn tất đợt triển lãm thứ sáu ở Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tira mang toàn bộ tranh trong bộ sưu tập về Thái và mở bảo tàng tranh Việt tư nhân tại trung tâm thủ đô Bangkok, nhằm giới thiệu tranh Việt đến du khách quốc tế đến Thái Lan và người Thái./.
Nhật Trường (Vietnam+)