Ngày 30/1, truyền thông Thụy Điển đưa tin Salwan Momika, người gốc Iraq, liên tiếp thực hiện các vụ đốt kinh Koran tại nước này trong năm 2023 vừa thiệt mạng trong vụ nổ súng xảy ra 1 ngày trước đó.
Theo kế hoạch, một tòa án tại Stockholm sẽ đưa ra phán quyết trong ngày 30/1 về việc liệu Salwan Momika, đã đốt kinh Koran trong nhiều cuộc biểu tình, có phạm tội kích động hận thù sắc tộc hay không. Tuy nhiên, tòa đã phải hoãn ra phán quyết đến ngày 3/2 tới, cho rằng cần có thêm thời gian do Momika đã thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết đã nhận được cảnh báo về một vụ nổ súng tại thành phố Sodertalje, nơi Momika sinh sống. Vụ nổ súng xảy ra trong nhà.
Khi đến hiện trường, cảnh sát phát hiện một người đàn ông bị trúng đạn và đã đưa người này đến bệnh viện. Sau đó, cảnh sát thông báo người đàn ông này đã không qua khỏi, đồng thời mở cuộc điều tra vụ giết người.
Cảnh sát Thụy Điển đã bắt giữ 5 nghi phạm ngay trong đêm 29/1, song chưa rõ liệu thủ phạm nổ súng có trong số những người bị bắt giữ hay không.
Một số cơ quan truyền thông xác định người thiệt mạng là Momika.
Vào thời điểm bị bắn, Momika đang phát trực tiếp trên TikTok. Một đoạn video cho thấy cảnh sát đã cầm điện thoại lên và kết thúc đoạn video phát trực tiếp.
Tháng 8/2024, Momika cùng với Salwan Najem đã bị buộc tội "kích động chống lại một nhóm sắc tộc" 4 lần vào mùa Hè năm 2023. Theo cáo trạng, 2 đối tượng có những hành động và lời nói phỉ báng kinh Koran.
Quan hệ giữa Thụy Điển và một số nước Trung Đông trở nên căng thẳng do các cuộc biểu tình mà 2 người này tổ chức. Tháng 7/2023, những người biểu tình tại Iraq đã 2 lần xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad, trong đó có lần gây ra hỏa hoạn bên trong trụ sở này.
Tháng 8/2023, Cơ quan an ninh Thụy Điển (SAPO) nâng cảnh báo đe dọa khủng bố từ cấp độ 3 lên cấp độ 4, mức cao thứ 2 trong thang 5 cấp (từ 1-5), sau nhiều vụ đốt kinh Koran xảy ra, khiến nước này có nguy cơ cao trở thành mục tiêu tấn công.
Tháng 10/2023, tòa án Thụy Điển đã kết án một người đàn ông đốt kinh Koran năm 2020 về tội kích động hận thù sắc tộc. Đây là lần đầu tiên hệ thống pháp lý của nước này xét xử tội phỉ báng kinh Koran./.

Xung đột giữa các cộng đồng sắc tộc tại Nam Sudan làm 15 người thiệt mạng
Nội chiến tại Nam Sudan đã bùng phát 2 năm sau khi nước này tách khỏi Sudan, chủ yếu diễn ra giữa các sắc tộc Dinkas và Nuers, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng từ năm 2013 đến 2018.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu