Một người định cư Israel bị giết hại tại khu Bờ Tây

Ngày 30/4, một người Palestine đã giết chết một người định cư Israel ở khu Bờ Tây, lần đầu tiên xảy ra trường hợp này kể từ 2011.
Trong khi những nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy nhằm hướng tới nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông, căng thẳng cùng bạo lực lại gia tăng giữa Israel và Palestine.

Ngày 30/4, một người Palestine đã giết chết một người định cư Israel ở khu Bờ Tây. Đây là lần đầu tiên xảy ra trường hợp này ở Bờ Tây kể từ năm 2011.

Truyền thông Israel cho biết kẻ tấn công đã dùng dao đâm nạn nhân tại một trạm xe buýt gần thành phố Nablus trước khi cướp súng của nạn nhân và bắn chết anh ta. Người phát ngôn cảnh sát Israel cho biết thủ phạm người Palestine này còn bắn vào lực lượng an ninh khi họ tới hiện trường trước khi bị bắt. Vụ việc đã châm ngòi một số đụng độ giữa người định cư Israel và người Palestine ở một làng gần đó.

Cánh vũ trang thuộc phong trào Fatah đã nhận tiến hành vụ sát hại một người định cư Israel trên. Theo một tuyên bố, Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa, vốn bị giải tán nhiều năm trước, nói rằng vụ sát hại người định cư Israel là để đáp trả việc hai người Palestine bị chết trong nhà tù Israel.

Năm 2007, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã ra sắc lệnh giải tán tất cả các nhóm vũ trang tại Bờ Tây, bao gồm cả Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, chính quyền Palestine đã kêu gọi Chính phủ Israel ngăn chặn các cuộc tấn công của người định cư Israel nhằm vào người Palestine tại Bờ Tây.

Tuyên bố đó được đưa ra sau khi các nhóm người Do Thái định cư tiến hành các cuộc truy quét tại Nablus và Tulkarem làm hư hại nhiều tài sản, động thái nhằm trả đũa việc một người định cư Israel bị sát hại.

Ngày 30/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đánh giá cao sự thay đổi trong lập trường của Liên đoàn Arập (AL) khi lần đầu tiên chấp nhận ý tưởng "đổi đất lấy hòa bình" giữa người Palestine và người Israel.

Sau các cuộc trao đổi tại Washington một ngày trước đó, AL tuyên bố một thỏa thuận hòa bình trong tương lai ở Trung Đông có thể liên quan tới "trao đổi đất đai."

Theo ông Kerry, AL đã nói rằng tổ chức này có thể chấp nhận các đường biên giới của Israel trước Chiến tranh Trung Đông năm 1967 "với những điều chỉnh phản ánh sự nhất trí lẫn nhau về trao đổi đất đai ghi nhận một số thay đổi đã diễn ra" trên thực tế. Ngoại trưởng Mỹ đánh giá đây là "một bước tiến rất lớn."

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ này cũng đề xuất Sáng kiến Hòa bình Arập năm 2002 mà Arập Xêút thúc đẩy có thể được xem là một kiểu mẫu cho thỏa thuận hòa bình trong tương lai giữa thế giới Arập và Israel.

Tuy nhiên, sáng kiến này ban đầu chỉ nói về một Nhà nước Palestine tương lai với những biên giới trước sự kiện ngày 4/6/1967, Israel công kích và chiếm giữ Đông Jerusalem cùng Bờ Tây kể từ đó.

Cùng ngày 30/4, trường đoàn đàm phán hòa bình của Israel Tzipi Livni đã hoan nghênh sự nhượng bộ "quan trọng" của AL, coi đây là một "tin tức tốt lành."

Ngày 29/4, sau cuộc gặp tại Washington giữa Ngoại trưởng Mỹ Kerry và phái đoàn các quan chức AL do Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim dẫn đầu, ông Jassim nhất trí rằng mọi thỏa thuận hòa bình phải dựa trên giải pháp hai nhà nước với các đường biên giới tồn tại trước ngày 4/6/1967, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đề xuất của Tổng thống Mỹ Barack Obama về "sự trao đổi phần nhỏ đất đai một cách bình đẳng và được đồng thuận" giữa Israel và Palestine.

Về phần mình, trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Palestine Saeb Erakat cho biết AL đưa ra quan điểm chính thức của Palestine.

Cụ thể, nếu Israel chấp nhận rõ ràng giải pháp hai Nhà nước dựa trên đường biên giới trước cuộc chiến năm 1967, Nhà nước Palestine có thể cân nhắc điều chỉnh nhỏ đối với biên giới bình đẳng về quy mô, chất lượng, ở cùng một khu vực địa lý và không tổn hại đối với những lợi ích của Palestine./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục