Có dịp đến thăm tư gia của nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng, phóng viên Vietnam+ không khỏi xúc động khi đôi tay đã run vì già yếu nhưng ông vẫn say sưa thực hiện những động tác nhấn, chùn, rung, vấy với cây đàn đáy thân quen của mình suốt hàng giờ đồng hồ.
Người nghệ sỹ thả hồn vào cung đàn mà xuất thần đến quên đi những cơn đau lưng nhức gối và chẳng để ý đến thời gian đang "đánh cắp" tuổi 92 của mình.
Réo rắt, du dương-một cung đàn
Tiếng đàn đáy của nghệ nhân Vũ Văn Hồng tùy theo mỗi giai điệu mà lột tả tinh tế các cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì tiếng đàn réo rắt đến xót xa, lúc lại luyến láy, tha thiết, bỗng chốc đôi tay ông gảy lên những âm thanh êm đềm, du dương, than thản lạ kỳ…
Bên ấm trà nóng, đôi mắt rực sáng như bắt được thời trai trẻ của mình, ông say sưa đưa chúng tôi trở về cái thuở hoàng kim của ca trù Việt Nam trước năm 1945.
Khi ca trù còn hưng thịnh, nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng được giới mê ca trù Hà thành tôn vinh là là kép đàn tài tử, không đếm xuể những người hâm mộ ông.
Duyên nghiệp với cây đàn và những giai điệu cuộc đời bắt đầu với Vũ Văn Hồng khi ông mới 13 tuổi. Ông Hồng được vào nghề dưới sự truyền dạy của cha mẹ ông là hai nghệ sỹ nổi tiếng trong làng ca trù lúc bấy giờ.
Không chỉ chăm chỉ hiếm ai bằng mà ông Hồng còn có tình yêu không thể lý giải đã gắn ông với cây đàn đáy. Vì vậy, chẳng biết từ khi nào những ngón tay của ông đã trở nên mềm dẻo và điêu luyện.
Với tài năng của mình khi mới 18 tuổi, ông Hồng đã được rất nhiều nhà hát cô đầu mời đến làm kép đàn trong các chầu hát.
Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên được biểu diễn cho các cửa đình mỗi mùa lễ hội. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lễ hội từ tháng Giêng đến tháng Ba, các cửa đình lại rộn ràng khách đến chơi hội và thưởng thức ca trù. Tan hội, nhiều khách ra về vẫn còn bâng khuâng trong lòng tiếng đàn của nghệ nhân Vũ Văn Hồng và có người đã tìm gặp ông để bày tỏ tâm tư đó.
Chia sẻ về nghề, người nghệ nhân cao niên đã nhiệt tình nói: “Việc dạy và học đàn đáy rất khó bởi chỉ có thể dạy theo kiểu truyền khẩu. Đàn không có các nốt như nhiều loại nhạc cụ khác mà chỉ có cung nam, cung bắc. Người học đàn ngoài có khiếu phải rất tâm huyết mới theo được.”
Chả vậy mà, 9 anh chị em trong gia đình ông ai cũng biết biểu diễn ca trù nhưng không ai trong số họ lại có thể gảy lên tiếng đàn đáy réo rắt thần kỳ như ông.
Ngay cả bây giờ, khi tuổi đã ngoài chín mươi, mắt đã mờ, tay đã run thì tiếng đàn của ông vẫn tài hoa và sâu sắc khiến người nghe khó lòng quên được.
Khắc khoải ca trù trước ngày mai…
Ngay từ thời trai trẻ, bằng tài năng của mình, mỗi tháng nghệ nhân Vũ Văn Hồng đều mang về cho gia đình ít nhất 20 đồng bạc thu được từ việc chơi đàn của ông. Số tiền này là một khoản thu nhập khá lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, ông Hồng đến với nghệ thuật không vì tư lợi mưu sinh mà chỉ vì ông chót yêu tiếng đàn đáy, chót nặng nợ với ca trù.
Theo lời ông Hồng, gia đình ông chỉ cần thu hoạch 5, 7 mẫu ruộng của nhà đã đủ rủng riểng túi tiền thế nhưng ông vẫn ngày đêm dốc sức lăn lộn với cây đàn.
Giữa thời “mưa Âu gió Mỹ” tràn vào vậy mà ông Hồng vẫn sắc son với nghệ thuật tryền thống.
Ông Hồng phấn chấn nhớ lại trước năm 1945, khi còn là thời hoàng kim của ca trù Việt Nam. Ông kể: “Thuở ấy, khắp các con phố đâu đâu cũng mở các quán cô đầu biểu diễn ca trù. Suốt từ 8 đến 10 giờ tối, cứ là tấp nập những quý cô, quý cậu, quý ông, quý bà dắt nhau vào để nghe.”
Lẽ nào thời vàng son ấy nay chỉ còn là dĩ vãng. Suốt hơn 60 năm ròng, nghệ thuật ca trù bị như bị ngủ quên khiến ông, một người say mê môn nghệ thuật truyền thống này cảm thấy day dứt và buồn tủi.
Hơn nửa thế kỷ ông Hồng từ giã nhịp phách, lời ca để quay về với công việc ruộng vườn nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ ca trù. Một lão nông tri điền có trái tim nghệ sĩ sớm chiều nhung nhớ không gian của cung đàn…
Ông tâm sự: “May thay, duyên trời run rủi, trong một chuyến ghé thăm nội thành cách đây 5 năm, tôi gặp được nghệ sỹ Bạch Vân, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội.” Biết tiếng ông Hồng, chị Bạch Vân liền mời “cây đàn đáy” lão làng này tham gia câu lạc bộ, vậy là có cơ hội để ông nối lại duyên xưa với ca trù, muộn còn hơn không.
Nghệ sỹ Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, người được vị nể về tài năng và tấm lòng với ca trù Hà thành đã khẳng định với phóng viên Vietnam+: “Nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng là người rất đáng quý trọng. Vì ông rất tâm huyết và luôn đau đáu với tương lại của nền nghệ thuật ca trù. Người như thế bây giờ rất hiếm.”
“Chỉ có thể giải thích bằng lòng yêu ca trù, chứ không thể có gì khác, khiến nghệ nhân Vũ Văn Hồng tuổi cao sức yếu mà không quản trời mưa hay nắng, bất cứ nơi đâu mời đi biểu diễn là ông sẵn sàng ngay. Trong khi có những người trẻ tuổi chỉ nhận lời diễn khi có cát-sê cao thì cụ Hồng chỉ một lòng hướng tới nghệ thuật, cụ đi diễn mà không bao giờ đòi hỏi tiền công, có bao nhiêu cũng được mà chẳng có cũng xong,” nghệ sỹ Vân nhận xét.
Không chỉ trực tiếp hết mình với những buổi biểu diễn mà nghệ nhân còn nghĩ tới sự tiếp nối của ca trù. Điều đáng quý đặc biệt là ông đã và đang dốc hết sức chiêu mộ và truyền thụ cho người học, để họ đi tiếp con đường nghệ thuật tràn đầy đam mê của mình.
Để khuyến khích lớp trẻ học, ông Hồng đã tình nguyện dạy đàn và hát ca trù miễn phí cho bất cứ ai muốn theo nghề. Đáng ngạc nhiên hơn, đã có một thời gian ông còn bỏ tiền túi trả cho những ai theo học.
Tiếc thay, chưa mấy người theo được nghề, thậm chí có người học gần thành công thì cáo lỗi ông để từ bỏ. Cũng không trách được họ trong vòng lo cơm áo nhưng sao có gì day dứt, có cả sự thương quý trước một tấm lòng đẹp giữa nhân gian như ông.
Khi kể cho chúng tôi nghe chuyện này, mắt nghệ nhân Vũ Văn Hồng rưng rưng, chất chứa một nỗi buồn mênh mang…
Ca trù của Việt Nam dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng sẽ ra sao nếu thiếu vắng những người tâm huyết như cụ Hồng. Tre già mà măng không mọc thì ở đâu hỡi những mầm măng được trông đợi?
Phải chăng ngậm ngùi trong nỗi niềm như thế mà tiếng đàn đáy của cụ Hồng vang bên tai tôi như bỗng trở nên khắc khoải …
Chia tay người nghệ nhân khi nắng ngày rực rỡ mà sao lòng tôi se sắt buồn vì đồng cảm với ông nỗi khắc khoải ca trù trước một ngày mai… - ngày chúng ta mất đi dần những người như nghệ nhân Vũ Văn Hồng theo quy luật của cõi con người!/.
Người nghệ sỹ thả hồn vào cung đàn mà xuất thần đến quên đi những cơn đau lưng nhức gối và chẳng để ý đến thời gian đang "đánh cắp" tuổi 92 của mình.
Réo rắt, du dương-một cung đàn
Tiếng đàn đáy của nghệ nhân Vũ Văn Hồng tùy theo mỗi giai điệu mà lột tả tinh tế các cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì tiếng đàn réo rắt đến xót xa, lúc lại luyến láy, tha thiết, bỗng chốc đôi tay ông gảy lên những âm thanh êm đềm, du dương, than thản lạ kỳ…
Bên ấm trà nóng, đôi mắt rực sáng như bắt được thời trai trẻ của mình, ông say sưa đưa chúng tôi trở về cái thuở hoàng kim của ca trù Việt Nam trước năm 1945.
Khi ca trù còn hưng thịnh, nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng được giới mê ca trù Hà thành tôn vinh là là kép đàn tài tử, không đếm xuể những người hâm mộ ông.
Duyên nghiệp với cây đàn và những giai điệu cuộc đời bắt đầu với Vũ Văn Hồng khi ông mới 13 tuổi. Ông Hồng được vào nghề dưới sự truyền dạy của cha mẹ ông là hai nghệ sỹ nổi tiếng trong làng ca trù lúc bấy giờ.
Không chỉ chăm chỉ hiếm ai bằng mà ông Hồng còn có tình yêu không thể lý giải đã gắn ông với cây đàn đáy. Vì vậy, chẳng biết từ khi nào những ngón tay của ông đã trở nên mềm dẻo và điêu luyện.
Với tài năng của mình khi mới 18 tuổi, ông Hồng đã được rất nhiều nhà hát cô đầu mời đến làm kép đàn trong các chầu hát.
Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên được biểu diễn cho các cửa đình mỗi mùa lễ hội. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lễ hội từ tháng Giêng đến tháng Ba, các cửa đình lại rộn ràng khách đến chơi hội và thưởng thức ca trù. Tan hội, nhiều khách ra về vẫn còn bâng khuâng trong lòng tiếng đàn của nghệ nhân Vũ Văn Hồng và có người đã tìm gặp ông để bày tỏ tâm tư đó.
Chia sẻ về nghề, người nghệ nhân cao niên đã nhiệt tình nói: “Việc dạy và học đàn đáy rất khó bởi chỉ có thể dạy theo kiểu truyền khẩu. Đàn không có các nốt như nhiều loại nhạc cụ khác mà chỉ có cung nam, cung bắc. Người học đàn ngoài có khiếu phải rất tâm huyết mới theo được.”
Chả vậy mà, 9 anh chị em trong gia đình ông ai cũng biết biểu diễn ca trù nhưng không ai trong số họ lại có thể gảy lên tiếng đàn đáy réo rắt thần kỳ như ông.
Ngay cả bây giờ, khi tuổi đã ngoài chín mươi, mắt đã mờ, tay đã run thì tiếng đàn của ông vẫn tài hoa và sâu sắc khiến người nghe khó lòng quên được.
Khắc khoải ca trù trước ngày mai…
Ngay từ thời trai trẻ, bằng tài năng của mình, mỗi tháng nghệ nhân Vũ Văn Hồng đều mang về cho gia đình ít nhất 20 đồng bạc thu được từ việc chơi đàn của ông. Số tiền này là một khoản thu nhập khá lúc bấy giờ. Mặc dù vậy, ông Hồng đến với nghệ thuật không vì tư lợi mưu sinh mà chỉ vì ông chót yêu tiếng đàn đáy, chót nặng nợ với ca trù.
Theo lời ông Hồng, gia đình ông chỉ cần thu hoạch 5, 7 mẫu ruộng của nhà đã đủ rủng riểng túi tiền thế nhưng ông vẫn ngày đêm dốc sức lăn lộn với cây đàn.
Giữa thời “mưa Âu gió Mỹ” tràn vào vậy mà ông Hồng vẫn sắc son với nghệ thuật tryền thống.
Ông Hồng phấn chấn nhớ lại trước năm 1945, khi còn là thời hoàng kim của ca trù Việt Nam. Ông kể: “Thuở ấy, khắp các con phố đâu đâu cũng mở các quán cô đầu biểu diễn ca trù. Suốt từ 8 đến 10 giờ tối, cứ là tấp nập những quý cô, quý cậu, quý ông, quý bà dắt nhau vào để nghe.”
Lẽ nào thời vàng son ấy nay chỉ còn là dĩ vãng. Suốt hơn 60 năm ròng, nghệ thuật ca trù bị như bị ngủ quên khiến ông, một người say mê môn nghệ thuật truyền thống này cảm thấy day dứt và buồn tủi.
Hơn nửa thế kỷ ông Hồng từ giã nhịp phách, lời ca để quay về với công việc ruộng vườn nhưng trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ ca trù. Một lão nông tri điền có trái tim nghệ sĩ sớm chiều nhung nhớ không gian của cung đàn…
Ông tâm sự: “May thay, duyên trời run rủi, trong một chuyến ghé thăm nội thành cách đây 5 năm, tôi gặp được nghệ sỹ Bạch Vân, chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội.” Biết tiếng ông Hồng, chị Bạch Vân liền mời “cây đàn đáy” lão làng này tham gia câu lạc bộ, vậy là có cơ hội để ông nối lại duyên xưa với ca trù, muộn còn hơn không.
Nghệ sỹ Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội, người được vị nể về tài năng và tấm lòng với ca trù Hà thành đã khẳng định với phóng viên Vietnam+: “Nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng là người rất đáng quý trọng. Vì ông rất tâm huyết và luôn đau đáu với tương lại của nền nghệ thuật ca trù. Người như thế bây giờ rất hiếm.”
“Chỉ có thể giải thích bằng lòng yêu ca trù, chứ không thể có gì khác, khiến nghệ nhân Vũ Văn Hồng tuổi cao sức yếu mà không quản trời mưa hay nắng, bất cứ nơi đâu mời đi biểu diễn là ông sẵn sàng ngay. Trong khi có những người trẻ tuổi chỉ nhận lời diễn khi có cát-sê cao thì cụ Hồng chỉ một lòng hướng tới nghệ thuật, cụ đi diễn mà không bao giờ đòi hỏi tiền công, có bao nhiêu cũng được mà chẳng có cũng xong,” nghệ sỹ Vân nhận xét.
Không chỉ trực tiếp hết mình với những buổi biểu diễn mà nghệ nhân còn nghĩ tới sự tiếp nối của ca trù. Điều đáng quý đặc biệt là ông đã và đang dốc hết sức chiêu mộ và truyền thụ cho người học, để họ đi tiếp con đường nghệ thuật tràn đầy đam mê của mình.
Để khuyến khích lớp trẻ học, ông Hồng đã tình nguyện dạy đàn và hát ca trù miễn phí cho bất cứ ai muốn theo nghề. Đáng ngạc nhiên hơn, đã có một thời gian ông còn bỏ tiền túi trả cho những ai theo học.
Tiếc thay, chưa mấy người theo được nghề, thậm chí có người học gần thành công thì cáo lỗi ông để từ bỏ. Cũng không trách được họ trong vòng lo cơm áo nhưng sao có gì day dứt, có cả sự thương quý trước một tấm lòng đẹp giữa nhân gian như ông.
Khi kể cho chúng tôi nghe chuyện này, mắt nghệ nhân Vũ Văn Hồng rưng rưng, chất chứa một nỗi buồn mênh mang…
Ca trù của Việt Nam dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới nhưng sẽ ra sao nếu thiếu vắng những người tâm huyết như cụ Hồng. Tre già mà măng không mọc thì ở đâu hỡi những mầm măng được trông đợi?
Phải chăng ngậm ngùi trong nỗi niềm như thế mà tiếng đàn đáy của cụ Hồng vang bên tai tôi như bỗng trở nên khắc khoải …
Chia tay người nghệ nhân khi nắng ngày rực rỡ mà sao lòng tôi se sắt buồn vì đồng cảm với ông nỗi khắc khoải ca trù trước một ngày mai… - ngày chúng ta mất đi dần những người như nghệ nhân Vũ Văn Hồng theo quy luật của cõi con người!/.
Thiên Linh (Vietnam+)