Dù không trực tiếp đối đầu với "giặc" COVID-19 nhưng các chiến sỹ bộ đội, phụ nữ và đoàn viên thanh niên nơi gian bếp Khu cách ly T3 ở xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vẫn ngày ngày thầm lặng chăm sóc, làm hậu phương vững chắc để người dân an tâm thực hiện cách ly, vượt qua khó khăn của đại dịch.
Cuối tháng Bảy vừa qua, khi Bộ Y tế công bố những ca mắc COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng, người dân Thừa Thiên-Huế trở về địa phương một cách ồ ạt và khó kiểm soát. Mỗi ngày, Khu cách ly T3 tiếp nhận hàng trăm công dân đến thực hiện cách ly. Đó cũng là lúc căn bếp tại đơn vị được “đỏ lửa” hết công suất.
Bốn giờ sáng, khi mọi người vẫn còn say trong giấc ngủ, những người lính tại Khu cách ly T3 đã “chào ngày mới” với bộn bề công việc từ chuẩn bị nhu yếu phẩm đến đi chợ, nấu ăn để kịp phục vụ bữa sáng vào lúc 6 giờ cho gần 900 người đang thực hiện cách ly ở đây. Dù thấm mệt vì công việc dồn dập nhưng qua lớp vải chiếc khẩu trang, mọi người vẫn cảm nhận được nụ cười, nét mặt vui vẻ của các đầu bếp.
Đặt vội ổ bánh mỳ đang ăn dở xuống bàn, một binh nhì nhanh chóng bê nồi bún sôi nóng xuống từ bếp và nói: “Thay vì đổ mồ hôi trên thao trường, nay em là phụ bếp chống 'giặc' COVID-19, nấu những món ăn chứa đầy tình cảm và trách nhiệm phục vụ dân.”
Dù bữa ăn của những chiến sỹ chỉ đơn giản là bánh mỳ, hộp sữa, họ vẫn luôn đảm bảo cho bà con được thưởng thức những suất ăn đầy đủ cơm nóng, canh ngọt và thức ăn dinh dưỡng.
Trung tá Hồ Minh Hương, Chính trị viên Khu cách ly T3, cho biết đơn vị luôn cố gắng hết sức mình phục vụ bà con để mọi người đều có cảm giác thoải mái như đang ở nhà.
[Thừa Thiên-Huế xét nghiệm nhanh cho người trở về từ vùng dịch]
Thực đơn dinh dưỡng được tổ đầu bếp xây dựng đa dạng và khoa học, nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn. Qua đợt dịch đầu năm, ngoài việc tổ chức cách ly, đơn vị cũng có được nhiều kinh nghiệm trong công tác hậu cần, bếp núc nên hầu như bà con đều rất hài lòng về các bữa ăn và vui vẻ chấp hành cách ly đến hết thời hạn.
Không chỉ giỏi hành quân, bắn súng... lúc này, các người lính trở thành những đầu bếp thực thụ trên mặt trận hậu cần. Người chặt thịt, nhặt rau, người đứng bếp nấu nước dùng, cứ thế hàng trăm bữa sáng thơm ngon đã sẵn sàng cho bà con thưởng thức.
Khi các suất ăn sáng được đóng gói, phân phát cẩn thận bởi những chiến sỹ mặc đồ bảo hộ vừa xong cũng là lúc các đoàn viên, phụ nữ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến gian bếp, tiếp sức cùng các cán bộ chiến sỹ hoàn thành 2 bữa ăn chính trong ngày. Nhiều chị bỏ công việc đồng áng, buôn bán để khẩn trương xắn áo nhặt rau, thái thịt chế biến phục vụ tại Khu cách ly T3.
Theo chị Lê Thị Thùy Na, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang, ngay từ khi đợt dịch bùng phát trở lại, dưới sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên-Huế, đội phản ứng nhanh của các phụ nữ huyện Phú Vang đã sẵn sàng điều động 20 người tham gia bếp ăn tại các khu cách ly mỗi ngày. Rất nhiều chị xung phong tham gia, điển hình như các chị em xã Phú Hải, dù chưa có lịch tham gia nhưng có 8 chị đã tự nguyện đi đầu.
Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, tất cả các chị em đều chủ động đảm bảo sức khỏe, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay cùng xà phòng trong suốt quá trình tham gia nấu nướng. Các chị chia thành 3 nhóm bao gồm nhóm sơ chế, nhóm chế biến và nhóm vệ sinh giúp các chiến sỹ hoàn thành các bữa ăn một cách nhanh chóng nhất có thể.
Dưới bàn tay nữ công gia chánh của các chị, những suất ăn được hoàn thiện thơm ngon với đầy đủ 4 món chính như thịt xào, cá kho, tôm rim, rau xào… ngoài cơm dẻo và canh ngọt.
“Là phụ nữ tham gia bếp núc quanh năm nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngày mình có thể đong đếm thực phẩm chế biến cho nhiều suất ăn như lúc này. Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả các chị đều mong muốn được góp sức, giúp đỡ các cán bộ, chiến sỹ trong Khu cách ly T3 đến khi dịch qua đi,” chị Lê Thị Thùy Na chia sẻ.
Bên cạnh các chiến sỹ bộ đội và Hội Phụ nữ, Khu cách ly T3 cũng có sự góp mặt của rất nhiều đoàn viên, thanh niên áo xanh. Các bạn cũng góp sức mình vào công tác hậu cần như phân chia, đóng gói thức ăn theo đúng số lượng, danh sách công dân cách ly từng khu vực.
Mặc dù cường độ công việc cao, lượng công việc lớn nhưng tất cả các đoàn viên, thanh niên tham gia đều thể hiện tác phong nhanh nhẹn, hòa nhập công việc tốt thực hiện nhiệm vụ được phân công không kém phần chuyên nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ của 45 phụ nữ và đoàn viên huyện Phú Vang, các cán bộ chiến sỹ đỡ một phần vất vả. Mọi người cũng cảm nhận được sự đoàn kết, yêu thương hơn bao giờ hết khi cùng nhau thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết hiện nay tỉnh đã có hơn 1.500 công dân trở về cách ly tập trung từ các địa phương, vùng có dịch; trong đó, Khu cách ly T3 chiếm đa số với gần 900 công dân đang được tiếp nhận; bảo đảm cách ly và chăm lo sức khỏe. Vì vậy, áp lực của các chiến sỹ bộ đội, phụ nữ và đoàn viên, thanh niên trong gian bếp là rất lớn.
Với gần 900 suất ăn trong mỗi bữa, các “anh nuôi,” “chị nuôi” đã tất bật lo toan các công đoạn liên tục từ sáng sớm đến tối muộn. Có những hôm vào tối muộn có công dân mới về khu cách ly, các anh chị vẫn sẵn lòng có mặt, chuẩn bị các suất cơm nóng để người dân ấm bụng, an tâm nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi.
Trận chiến chống dịch COVID-19 vẫn còn cam go, bên cạnh những khoảnh khắc đẹp của các chiến sỹ khoác áo blouse trắng trực tiếp chiến đấu với dịch bệnh, hình ảnh các “anh nuôi,” “chị nuôi” trong gian bếp khu cách ly với lòng nhiệt thành phục vụ đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người dân trong suốt quá trình cách ly.
Thời gian tới, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có thể công việc của các anh chị sẽ vất vả hơn rất nhiều. Bằng tấm lòng nhiệt thành, tinh thần trách nhiệm ấy, các “anh nuôi,” “chị nuôi” sẽ luôn có đủ sức mạnh để phục vụ người dân những bữa cơm ấm áp tình thương./.