Một ngày của 'chiến sỹ áo trắng' giành giật sự sống với COVID-19
Bốn tháng sau khi trở về từ tâm dịch tại TP.Hồ Chí Minh, Tiến sỹ, bác sỹ Vũ Đức Bình (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) vẫn nhớ từng khoảnh khắc sống và "chiến đấu" cùng các đồng nghiệp.
Minh Sơn
Tiến sỹ, bác sỹ Vũ Đức Bình - Phó Bí thư Đảng ủy Viện, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp là một trong những 'người cầm cờ' từng đi vào tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công tác tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ 2004, công việc chính của ông cùng các đồng nghiệp là tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, theo dõi những người bị bệnh máu tiền ung thư. (Ảnh: NVCC)
Bác sỹ Vũ Đức Bình cũng tham gia giảng dạy một số trường như Đại học Y Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
Bác sỹ Bình cũng là một trong những người xung phong đi vào miền Nam để chống dịch COVID-19 cùng các đồng nghiệp. (Ảnh: NVCC)
Chuyến công tác đặc biệt này đã để lại vô vàn cung bậc cảm xúc và những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề y của ông. (Ảnh: NVCC)
Đoàn công tác của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gồm 175 cán bộ nhân viên chia làm 3 đợt. (Ảnh: NVCC)
Đợt bác sỹ Bình đi vào miền Nam tiếp sức cho các đồng nghiệp là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến chống dịch. (Ảnh: NVCC)
Bác sỹ Bình tâm sự: 'Lúc mình đi vào một nơi nguy hiểm, gia đình cũng tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, mình muốn đi để biết tình hình dịch bệnh đồng thời cũng giúp được các đồng nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhất.' (Ảnh: NVCC)
Bác sỹ Bình hồi tưởng, Thành phố Hồ Chí Minh hồi ấy có thể gọi là 'rốn bệnh' với tỷ lệ tử vong cao. Thực sự không có từ ngữ nào miêu tả được thực trạng lúc ấy cả. (Ảnh: NVCC)
'Tình trạng lúc ấy rất u ám, việc ai người nấy làm, gần như không nói chuyện. Mọi người cứ đến lặng lẽ làm việc, lặng lẽ ra về. Thậm chí cùng kíp cũng không biết mặt nhau, chỉ biết qua cái biển tên.' (Ảnh: NVCC)
Địa điểm công tác là khoa hồi sức cấp cứu tuyến cuối nên tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng. Mỗi khi phải chứng kiến người bệnh của mình cố gắng níu giữ từng hơi thở, ông lại cảm thấy thương xót và bất lực. Nhưng không vì thế mà bác sỹ Bình và các đồng nghiệp nản lòng, ngược lại đây là động lực để mọi người càng thêm quyết tâm chiến đấu hơn. (Ảnh: NVCC)
Vào ngày 18/10/2021, Bác sỹ Bình cùng 137 cá nhân khác đã được Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đợt dịch lần thứ 4. (Ảnh: NVCC)
Trở về sau gần 50 ngày 'chiến đấu' giữa tâm dịch, bác sỹ Bình và các đồng nghiệp tiếp tục lao vào công việc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bác sỹ Bình cho biết khoa của ông tiếp nhận số lượng bệnh nhân rất lớn, với khoảng 250-280 bệnh nhân thường xuyên. Khi đoàn cán bộ vào công tác, lực lượng tại Hà Nội mỏng đi nhiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bác sỹ Bình chia sẻ các đồng nghiệp ở nhà vất vả hơn rất nhiều. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
' Viện phải cung cấp 20 ngàn đơn vị máu tiếp sức cho miền Nam , đặc biệt trong thời gian dịch bệnh phải giãn cách xã hội. Cùng với đó, bệnh nhân quay trở lại viện cũng khiến những cán bộ ở lại phải cố gắng hết sức để hoàn thành công việc.' (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhưng với sự động viên của lãnh đạo cùng với quyết tâm chiến thắng đại dịch, bác sỹ Bình và các đồng nghiệp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp cũng chia sẻ cho đến hiện tại, các cán bộ tại khoa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị COVID-19 khi đã từng trải qua 'thực chiến' tại miền Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đều đặn mỗi sáng hằng ngày, bác sỹ Bình sẽ đi thăm khám và động viên các bệnh nhân đang điều trị tại khoa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Việc các bệnh nhân khỏe mạnh trở lại chính là phần thưởng lớn nhất của mỗi người như bác sỹ Vũ Đức Bình. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nghề Y là một nghề có nhiều cung bậc cảm xúc, đau buồn, sợ hãi, hạnh phúc,... nhưng cũng đầy vinh quang. Thành công nhất của một bác sĩ là luôn luôn yêu nghề và bệnh nhân khỏi bệnh dưới bàn tay và khối óc của họ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tiến sỹ, bác sỹ Bạch Quốc Khánh cho biết ước tính trong 3 tháng, từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, Viện cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu để cung cấp cho cấp cứu và điều trị.
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây tác động không nhỏ đến hoạt động tiếp nhận và cung cấp máu trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Hiện lượng máu dự trữ đang ở mức báo động cần bổ sung gấp.