Một năm sau bạo loạn ở Đồi Capitol: "Vết thương" nước Mỹ vẫn nhức nhối

Một năm sau vụ bạo loạn ở Đồi Capitol vết thương và sự chia rẽ trong chính trị nội bộ Mỹ vẫn chưa được hàn gắn. Đa số người dân Mỹ vẫn lo lắng về sự tồn vong của nền dân chủ đất nước.
Người biểu tình xung đột với cảnh sát chống bạo động tại Đồi Capitol ở Washington DC., ngày 6/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP/RFI/TNHK/Trang mạng cbsnews.com/washingtonpost.com, cách đây một năm, ngày 6/1/2021, hàng trăm người ủng hộ Tổng thống thất cử Donald Trump đã tràn vào trụ sở Quốc hội tại Đồi Capitol, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, để phản đối chiến thắng của ông Joe Biden.

Vụ bạo loạn này đã gây chấn động dư luận Mỹ và thế giới. Một năm sau, vết thương và sự chia rẽ trong chính trị nội bộ Mỹ vẫn chưa được hàn gắn. Đa số người dân Mỹ vẫn lo lắng về sự tồn vong của nền dân chủ đất nước.

Một xã hội bị chia rẽ sẽ chứng kiến những khoảnh khắc chia rẽ khi Tổng thống Biden sẽ tận dụng dịp kỷ niệm một năm này để cảnh báo những mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ còn Donald Trump sẽ tiếp tục đưa ra những thuyết âm mưu của mình.

Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin CBS News thực hiện cho thấy 2/3 người dân Mỹ cảm thấy nền dân chủ đang bị đe dọa, đồng thời họ cho rằng chỉ có bầu cử "tự do và công bằng" mới là nhân tố quyết định sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ.

Những người theo phe Dân chủ Mỹ cho rằng nền dân chủ bị đe dọa là vì một nhóm người muốn đảo ngược "thế cờ" trong các cuộc bầu cử và xuất phát từ bạo lực chính trị. Trong khi đó, những người theo phe Cộng hòa cho rằng việc bỏ phiếu và bầu cử không hợp lệ đặt ra mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Điều này giải thích vì sao phe Cộng hòa đang theo đuổi những chính sách nhằm thay đổi những quy định bầu cử ở các bang, còn phe Dân chủ đang thúc đẩy chính sách giám sát bầu cử ở cấp độ liên bang.

Với câu hỏi về niềm tự hào dân tộc đối với nền dân chủ Mỹ, một cuộc khảo sát do tờ Washington Post kết hợp với trường Đại học Maryland thực hiện cho thấy niềm tự hào này đã sụt giảm đáng kể. Nếu như sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, 90% người dân Mỹ vẫn tự hào về hiệu quả của nền dân chủ Mỹ thì đến năm 2017, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 63%.

[Ông Biden kêu gọi người dân đoàn kết nhân 1 năm bạo loạn ở Đồi Capitol]

Về kết quả bầu cử tổng thống đối với Joe Biden hồi tháng 11/2020, hãng tin AFP dẫn kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng 70% người theo phe Cộng hòa cho rằng Tổng thống Biden đã được bầu không hợp lệ. Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do Washington Post kết hợp với trường Đại học Maryland thực hiện đưa ra tỷ lệ là khoảng 58%.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng từng nói rằng cuộc bạo loạn tại Điện Capitol đã làm thay đổi quan điểm của nhiều quốc gia về Mỹ.

Phát biểu gần đây tại Hội đồng Đối ngoại, ông Sullivan nói: "Ngày 6/1/2021 đã tác động đáng kể đến quan điểm của các nước khác trên thế giới - cả từ các đồng minh lẫn đối thủ - về Mỹ. Các đồng minh nhìn vào sự kiện đó với sự quan tâm và lo lắng về tương lai của nền dân chủ Mỹ. Còn các đối thủ nghĩ đến chuyện họ cần lợi dụng điều đó như thế nào.”

Nhân dịp một năm bạo loạn Đồi Capitol, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có bài phát biểu tại chính nơi xảy ra vụ bạo loạn hôm 6/1/2021 nhằm nâng mức cảnh báo về mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ.

Trong năm đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Biden vẫn thường đưa ra những cảnh báo về mối đe dọa "hiện hữu" đối với những quyền tự do chính trị mà cho đến nay đa phần người dân Mỹ vẫn coi là những quyền lợi chính đáng của họ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng ngày Tổng thống Biden đưa ra bài phát biểu với nội dung cảnh báo như vậy sẽ là một "ngày khó khăn" bởi cũng trong ngày 6/1/2022, ông Trump cũng sẽ tổ chức một buổi họp báo tại Florida để tiếp tục đưa ra những khẳng định không có căn cứ rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị "đánh cắp."

Những cáo buộc này của ông Trump là nhân tố gây bất hòa lớn nhất - một trong những thách thức to lớn hơn mà Tổng thống Biden hiện phải đối mặt, từ vấn đề nhập cư đến đại dịch COVID-19. Tất cả những thách thức này đang bủa vây nỗ lực chưa từng được công bố của ông Biden về khả năng tiếp tục nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Giáo sư Carl Tobias thuộc Trường Luật của Đại học Richmond cho rằng chiến dịch tuyên truyền của ông Trump "chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Mỹ." Giáo sư Tobias đánh giá: "Chưa có một cựu tổng thống Mỹ nào lại nỗ lực nhiều đến như vậy để hạ thấp uy tín của người kế nhiệm và tiến trình dân chủ của Mỹ."

Biden có thể làm gì?

Theo AFP, việc chống lại những gì mà ông Trump, bậc thầy về gán ghép, cho là “sự đánh cắp” đã trở thành một hệ tư tưởng chính trị theo đúng nghĩa của nó khi hầu hết nghị sỹ đảng Cộng hòa hoặc lúng túng né tránh chỉ trích những gì xảy ra ngày 6/1/2021, hoặc tích cực bảo vệ vụ bạo loạn.

Bà Lara Brown, Giám đốc Trường Quản lý chính trị thuộc Đại học George Washington, cho rằng những nhân vật đối địch chính trị muốn tìm hiểu những chiến thuật của ông Trump và đông đảo cử tri bị “ru ngủ” trước những thông tin tuyên truyền của ông Trump đã tạo nên một lực lượng đáng kể trong xã hội nước Mỹ.

Bà nói: “Điều đáng sợ lúc này là những chiến dịch công kích đang được chính lực lượng dân thường chứ không chỉ là từ những giới tinh hoa.”

"Liệu Tổng thống Biden có thể làm gì để thay đổi tình hình hay không?" vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp lúc này. Nhà khoa học chính trị Rachel Bitecofer cho rằng ông Biden cần có hành động cứng rắn và quyết đoán hơn nữa, thay vì cho rằng ông Trump không gây ra vấn đề nghiêm trọng nào.

Nhà phân tích Brown cho rằng bài phát biểu mà Tổng thống Biden đưa ra vào ngày 6/1/2022 sẽ không phải là bài phát biểu đánh dấu một sự kiện đã chấm dứt mà là một sự kiện vẫn đang phát triển và có nguy cơ ngày càng tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia Brown thừa nhận rằng Tổng thống Biden có ít khả năng để hành động bởi một cuộc công kích trực tiếp đối với ông Trump có nguy cơ bị coi là một cuộc “săn phù thủy chính trị” - chính là điều mà ông Trump khẳng định trong những thuyết âm mưu của mình.

Theo nhận định của đài TNHK, Tổng thống Biden đang căng mình giải quyết các vấn đề. Ông đang cố đạt được sự cân bằng giữa một bên là việc người dân Mỹ rất cần thấy ngay những tiến bộ trong các vấn đề hiện hữu như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế, còn một bên là vấn đề duy trì niềm tin vào các cuộc bầu cử và chính phủ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden tin rằng cách hiệu quả nhất để chống lại Trump, chống lại chủ nghĩa phủ nhận bầu cử và chủ nghĩa cực đoan trong lòng nước Mỹ chính là chứng minh với những người còn lại của nước Mỹ và với thế giới rằng chính phủ có thể vận hành tốt.

Vì vậy, ông Biden đã điều chỉnh nghị trình đối nội trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống để giải quyết những điều mà ông cho là nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình - nền kinh tế lung lay và đại dịch kìm hãm nền kinh tế - về cơ bản là để chứng minh rằng chính phủ có thể hoạt động hiệu quả.

Trump hy vọng quay lại?

Theo đài RFI, một năm sau vụ bạo loạn tấn công Đồi Capitol, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn nuôi hy vọng quay lại Nhà Trắng. Khi rời Nhà Trắng hôm 20/1/2021, ngày Tổng thống Joe Biden đăng quang, chỉ có một vài người ủng hộ trung thành chào đón ông Trump đi Florida.

Người ta cho rằng ông Donald Trump sẽ bị quên lãng. Thế nhưng, chưa đầy một năm sau khi thất cử, ông Trump được cho là một ứng cử viên nhiều hy vọng trong cuộc bầu cử tổng thống 2024.

Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2022 cũng được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về ảnh hưởng của ông Donald Trump. Một thăm dò mới đây của Wall Street Journal cho biết 81% cử tri Cộng hòa ủng hộ ông Trump và 57% cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 là gian lận.

Trong khi đó, tờ Libération của Pháp nhận định ông Joe Biden là một “tổng thống đang yếu thế tại một đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết.” Ông không đoàn kết được mọi người như đã tuyên bố hôm nhậm chức. Mặc dù đã đạt được một số thành công, song Tổng thống Biden phải đối mặt với tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ và những đòn công kích của đảng Cộng hòa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục