Một máy bay của Australia phải hạ cánh bằng bụng

Phi công Peter Schott đã điều khiển máy bay bay vòng quanh suốt 3 giờ đồng hồ để đốt hết nhiên liệu, giảm thiểu rủi ro cháy nổ khi hạ cánh bằng bụng.

Máy bay Beechcraft Super King Air 2. (Nguồn: Wikipedia)
Máy bay Beechcraft Super King Air 2. (Nguồn: Wikipedia)

Ngày 13/5, một chiếc máy bay hạng nhẹ chở 3 hành khách đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Newcastle, phía Bắc thành phố Sydney của Australia sau khi gặp sự cố thiết bị hạ cánh không hoạt động.

Để hạ cánh, chiếc máy bay này đã phải bay vòng quanh sân bay trong khoảng 3 giờ để đốt hết nhiên liệu.

Cảnh sát Australia cho biết sự việc hi hữu trên xảy ra với chiếc máy bay Beechcraft Super King Air 2 động cơ cánh quạt, cất cánh từ sân bay Newcastle sáng 13/5 để thực hiện hành trình 180km về phía Bắc tới Port Macquarie.

Sau khi phát hiện thiết bị hạ cánh của máy bay gặp sự cố, phi công Peter Schott thông báo cho bộ phận kiểm soát không lưu và điều khiển máy bay bay vòng quanh suốt 3 giờ đồng hồ để đốt hết nhiên liệu, giảm thiểu rủi ro cháy nổ khi hạ cánh bằng bụng.

Một video ghi hình máy bay đã hạ cánh an toàn trở lại đường băng của sân bay Newcastle khoảng 3 giờ sau khi cất cánh, vào 12h20 ngày 13/5 (giờ địa phương, tức 9h30 theo giờ Việt Nam).

Các đội ứng phó khẩn cấp, xe cứu hỏa và xe cứu thương đã túc trực trên đường băng khi máy bay hạ cánh khẩn cấp. Cả 3 người trên máy bay đều an toàn và không cần nhân viên y tế hỗ trợ khi xuống máy bay.

Chuyên gia an toàn hàng không Ron Bartsch đánh giá cao cách xử lý tình huống của phi công.

Chiếc máy bay trên thuộc sở hữu của công ty Eastern Air Services, có trụ sở tại thành phố Port Macquarie. Hiện công ty chưa đưa ra tuyên bố nào liên quan vụ việc trên.

Cơ quan An toàn giao thông Australia cho biết sẽ điều tra vụ việc.

Đường băng tại sân bay Newcastle sẽ phải đóng cửa trong 24 giờ để phục vụ công tác điều tra và đánh giá, tuy nhiên thiệt hại gần như không đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục