Một lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo quê hương

Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt tại nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Một lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo quê hương ảnh 1Kiều bào tại Trường Sa. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Đảng và nhà nước Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Cộng đồng người Việt tại nước ngoài nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung vốn có truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc rất cao, điều đó thể hiện rất rõ trong lịch sử từ hàng nghìn năm.

Chủ quyền đối với bất kỳ dân tộc nào cũng là điều thiêng liêng đối với mỗi quốc gia và mỗi con dân của quốc gia đó dù trong nước hay ngoài nước đều mang một ý thức mình phải làm điều gì đó để đóng góp vào bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đó, do vậy mỗi khi chủ quyền lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm thì tinh thần đoàn kết của bà con kiều bào dâng lên rất cao.

Hướng về biển đảo quê hương

Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt tại nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ trái tim đến khối óc, họ luôn tâm niệm rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, là chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Theo ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, bà con kiều bào có rất nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả vì biển đảo quê hương trong những hoàn cảnh cụ thể.

[Chung một con tim hướng về chủ quyền quốc gia trên Biển Đông]

Năm 2014, khi Trung Quốc kéo dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa Việt Nam, người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều tiến hành các cuộc tuần hành lên án hành động đó, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam. Ngoài ra, bà con cũng tổ chức các hoạt động như hội thảo, nói chuyện, rất nhiều các tri thức học giả của trong nước tham gia những hội thảo quốc tế lớn về Biển Đông.

Tại Hàn Quốc, từ sau sự kiện giàn khoan HD 981, phong trào đấu tranh vì chủ quyền biển đảo Việt Nam ngày một lên cao và đi vào thực chất. Trước khi có một tổ chức chuyên trách chính thức, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ôn hòa, xuống đường đấu tranh phản đối Trung Quốc và các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc.

Đặc biệt, năm 2015, Quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc chính thức được thành lập với định hướng quy tụ tình yêu quê hương đất nước của kiều bào từ khắp nơi trên thế giới hướng về Trường Sa và biển đảo Việt Nam.

Một lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo quê hương ảnh 2Kiều bào hoàn thành lắp đặt hệ thống máy phát điện dùng năng lượng Mặt Trời hiệu năng cao tại đảo Đá Nam. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Theo anh Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Hàn Quốc, từ khi thành lập, Quỹ đã tổ chức các hoạt động hướng vào chiều sâu nhằm quy tụ sự đóng góp của kiều bào về sức lực, trí lực và tài lực để hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Trong ba năm qua, Quỹ đã tổ chức nhiều dự án thiết thực hướng về Trường Sa như “mang điện đến Trường Sa” - trang bị các giàn pin năng lượng mặt trời hiệu năng cao cho các điểm đảo khó khăn - tổng cộng bảy điểm đảo; và hệ thống phát điện mặt trời mini phục vụ nhu cầu dã chiến; “ mang mầm xanh đất liền ra đảo” - trang bị những công nghệ trồng rau, giống rau chịu mặn cho Trường Sa.

Bà con kiều bào tại Singapore, Hàn Quốc, đóng góp tiền bạc và công sức mang hàng tấn thiết bị từ Hàn Quốc về Việt Nam rồi đưa lên tàu mang lên đảo, và tự lắp rắp, qua đó cho thấy công sức, tình cảm của họ đối với người lính và người dân trên đảo.

Tại Australia, hiện có rất nhiều các bạn sinh viên đang làm chương trình tiến sỹ với đề tài nghiên cứu về Biển Đông. Họ cũng tích cực tham gia các hội thảo quốc tế về Biển Đông. Việc tham dự các sự kiện này của các sinh viên Việt Nam tại Australia cũng như các nước khác trên thế giới có tác dụng rất lớn không chỉ thể hiện tình yêu quê hương đất nước của cộng đồng, mà còn có tác dụng gắn kết cộng đồng với nhau, làm cho thế giới hiểu hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với quan điểm lập trường của Việt Nam. Điều này đã tạo sức lan tỏa không những ở những thế hệ đi trước mà còn đến thế hệ trẻ sau này trong cộng đồng.

Một lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo quê hương ảnh 3Kiều bào tặng Tường Sa xây dựng một nhà văn hóa đa năng. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Từ năm 2012, Ủy ban nhà nước về người Việt ở nước ngoài chính thức tổ chức cho kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Ông Lương Thanh Nghị chia sẻ qua bảy chuyến đi như vậy, với sự tham gia đông đảo của gần 400 lượt kiều bào từ khắp nơi trên thế giới, đây là cơ hội để bà con có thể hiểu hơn và chia sẻ những khó khăn của quân và dân trên đảo Trường Sa, đồng thời mang hơi ấm từ năm châu bốn bể về với Trường Sa.

Mỗi chuyến ra thăm Trường Sa, bà con đã quyên góp được 200-300 triệu đồng, đồng thời bà con kiều bào cũng quyên góp, đóng được một chiếc xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ đồng bàn giao cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân để tặng quân dân huyện đảo Trường Sa.

Ngoài ra, bà con kiều bào đã quyên góp được 3-4 tỷ đồng để xây dựng một nhà văn hóa đa năng tại Trường Sa, công trình mang dấu ấn của kiều bào ngoài Trường Sa.

Cùng đoàn công tác số 10 ra thăm Trường Sa, anh Nguyễn Duy Thắng - thành viên Ngôi nhà Đức - chia sẻ đây là chuyến đi đầu tiên anh ra Trường Sa. Anh Nguyễn Duy Thắng cho biết chuyến đi có tác dụng hết sức tích cực, mỗi một thành viên trong đoàn khi trở về đều mang những điều mắt thấy tai nghe kể cho những người ở nhà. Những câu chuyện ấy dễ đi vào lòng người hơn là trên báo dài đơn thuần.

Ngoài ủng hộ về vật chất và tinh thần, rất nhiều những cá nhân kiều bào đã tham gia tích cực vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó phải kể đến anh Trần Thắng - Việt Kiều tại Mỹ, người đã tốn rất nhiều công sức tiền bạc đi sưu tầm các bản đồ cổ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2012, anh Trần Thắng sưu tầm và hiến tặng Ủy ban Nhân dân huyện đảo Hoàng Sa 150 bản đồ cổ (trong đó có 80 bản đồ Trung Quốc, 50 bản đồ Hoàng Sa, 20 bản đồ về châu Á tổng thể), bản đồ Hoàng Sa và ba sách atlas Trung Hoa chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với đóng góp này, anh đã được Thủ tướng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy Ban biên giới - Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng tặng bằng khen.

Yêu nước - mẫu số chung của kiều bào

Theo ông Lương Thanh Nghị, đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dù ra đi trong bất cứ hoàn cảnh nào, thậm chí có những nhóm người có những ý kiến khác biệt về những vấn đề cụ thể của đất nước nhưng mẫu số chung đó chính là tinh thần yêu nước và lòng tự hào tự tôn dân tộc. Chủ quyền là điều thiêng liêng đối với mỗi quốc gia và mỗi con dân của quốc gia đó.

Một lòng hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo quê hương ảnh 4Kiều bào tặng Tường Sa xây dựng một nhà văn hóa đa năng. (Ảnh: Minh Hằng/Vietnam+)

Trao đổi về những biện pháp để tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết trong và ngoài nước cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lương Thanh Nghị cho rằng trước hết phải làm tốt công tác đại đoàn kết dân tộc trên tinh thần nghị quyết 36 của Bộ chính trị năm 2014. Theo đó, coi cộng đồng Người Việt tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, và góp phần phát triển đất nước. Trong thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước đã triển khai một loạt các hoạt động nhắm gắn kết cộng đồng cũng như khơi dậy lòng tự hào tự tôn dân tộc, để bà con chung tay xây dựng đất nước.

Hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán, Ủy ban Nhà nước về người Việt tại nước ngoài tổ chức chương trình Xuân Quê Hương thu hút hàng nghìn kiều bào từ khắp nơi trên thế giới về tham dự; tổ chức cho bà con thăm Trường Sa và nhà giàn DK 1; tổ chức các chuyến đi về nguồn nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương; tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước ngoài.

Mặt khác, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách trọng dụng và ưu đãi đối với người Việt Nam ở nước ngoài, như chính sách về nhà đất, kinh doanh đầu tư, thu hút phát huy nguồn lực của chuyên gia trí thức ở nước ngoài đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay. Ủy ban người Việt tại nước ngoài đã tổ chức các hoạt động kết nối các kiều bào về nước lập nghiệp. Tất cả những điều đó có tác dụng rất lớn gắn kết kiều bào với nhau. Đó là những hoạt động thiết thực để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền cho kiều bào. Thời gian qua công tác này còn nhiều hạn chế, Đảng và Nhà nước cần thông tin một cách đầy đủ và chính xác đến với kiều bào về những vấn đề liên quan đến biển Đông, những chủ trường quan điểm và cả những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tiếp tục duy trì tổ chức cho bà con đi thăm quần đảo Trường Sa, đồng thời khuyến khích các cá nhân tổ chức có những hoạt động thiết thực cụ thể đóng góp cùng trong nước xây dựng biển đảo quê hương ngày càng giàu đẹp hơn và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng biển đảo tổ quốc. Thông qua những chuyến đi chính những bà con Kiều bào đã lan tỏa trong cộng động những điều tận mắt chứng kiến.

Đồng thời mời phóng viên người Việt về nước cùng tham gia các chuyến đi như vậy, để phản ánh trung thực khách quan về diễn biến tình hình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, truyền cảm hứng và niềm tự hào về biển, đảo Việt Nam đến với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, góp phần khơi gợi lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo trong lòng kiều bào. Từ đó, cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ có thêm động lực hành động đúng đắn để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục