Một khối băng khổng lồ - có diện tích lớn hơn cả thủ đô Paris của nước Pháp - đã tan chảy và tách khỏi sông băng lớn nhất ở Bắc Cực do nhiệt độ ấm lên tại Greenland.
Trong thông báo ngày 14/9, ông Jason Box, giáo sư nghiên cứu về sông băng thuộc Viện Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), cho biết khối băng trên có diện tích lên tới 113km2 và tách khỏi sông băng Nioghalvfjerdsfjorden ở phía Đông Bắc Greenland.
Theo ông, các nhà khoa học đang chứng kiến phần còn lại của sông băng này cũng đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. GEUS cũng công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các tảng băng đã vỡ và tách ra từ sông băng nói trên.
Theo GEUS, từ năm 1999, diện tích của sông băng Nioghalvfjerdsfjorden đã thu hẹp khoảng 160km2, gấp đôi diện tích của khu Manhattan tại New York (Mỹ), và tốc độ tan chảy tăng nhanh trong hai năm qua.
Giáo sư Box cảnh báo nếu mùa Hè ấm nóng kéo dài như hai năm qua, các khối băng sẽ tan nhanh hơn và hậu quả là mực nước biển dâng cao.
[Thực trạng băng tan xảy ra theo đúng kịch bản xấu nhất của LHQ]
Một nghiên cứu công bố trên tạo chí khoa học Nature hồi tháng 12 năm ngoái cho biết băng tan ở Greenland đã khiến mực nước biển tăng thêm 1,1 cm trong giai đoạn 1992-2018.
Một nghiên cứu khác mới đây của Đại học Lincoln tại Anh dự đoán tới năm 2100, băng tan ở Greenland sẽ khiến mực nước biển tăng thêm từ 10-12 cm.
Nhiện độ trung bình tại vùng này đã tăng thêm 3 độ C kể từ năm 1980 và các nhà khoa học dự báo nhiệt độ sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay.
Theo bà Jenny Turton, nhà nghiên cứu tại Đại học Erlangen-Nurnberg của Đức, các đợt nắng nóng trong nhiều năm trở lại đây đã khiến băng tan với tốc độ nhanh hơn.
Trong một báo cáo công bố trung tuần tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Đức thuộc Viện Alfred Wegener, Trung tâm Nghiên cứu biển và địa cực Helmholtz, cho biết năm ngoái, Greenland đã mất một lượng băng kỷ lục, đe dọa các quần thể động vật hoang dã sống dựa vào băng.
Cụ thể, các dữ liệu vệ tinh cho thấy lượng băng tan chảy trong năm ngoái lên tới 532 tỷ tấn, cao hơn gấp đôi mức trung bình hằng năm kể từ năm 2003.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Greenland bị thu hẹp đáng kể diện tích băng. Trước đó vào các năm 2010 và 2012, Greenland cũng đã từng xuất hiện hiện tượng này và có nguy cơ là sẽ còn lặp lại nhiều lần trong tương lai.
Băng tan do tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống của các cộng đồng ven biển cũng như các loài động vật hoang dã sống dựa vào băng như gấu Bắc Cực hay hải cẩu.
Các nhà khoa học đã cảnh báo các nước cần giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính thì mới hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu và ngăn tình trạng tan băng./.