Một hội nghị lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945

Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 13-15/8/1945 là một trong những hội nghị lịch sử dẫn tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Một hội nghị lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ảnh 1Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 13-15/8/1945 là một trong những hội nghị lịch sử dẫn tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với sự tham dự đầy đủ của đại biểu các Đảng bộ: Bắc, Trung, Nam và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, Hội nghị đã xác định sự cần thiết của việc Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân ta tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng đắn, vạch ra con đường đi lên của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo dân tộc giành thắng lợi từng bước trong hai cuộc tổng diễn tập đầu tiên 1930-1931 và 1936-1939.

Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ tháng 9/1939. Nhật nhảy vào Đông Dương, cấu kết với Pháp ra sức bóc lột, đàn áp nhân dân các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương rơi vào cảnh “một cổ hai tròng,” vừa bị thực dân Pháp đàn áp, vừa bị phátxít Nhật hành hạ. Trong thời gian này, ở Việt Nam nổ ra ba cuộc khởi nghĩa do nhân dân các địa phương tiến hành: Khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940); Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11/1940) và Khởi nghĩa Đô Lương (tháng 9/1941) nhưng đều không thành công do thời cơ chưa chín muồi.

Thường vụ Trung ương nhận định, cuộc xung đột Nhật-Pháp trước sau sẽ nổ ra. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương đã chứng minh nhận định đúng đắn của Đảng, sự nhạy bén trong việc nắm bắt tình hình để kịp thời đề ra chủ trương thúc đẩy phong trào. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng, ra Chỉ thị nêu rõ “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời phân tích: Cuộc đảo chính đã tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang mau chóng đi đến chín muồi. Trung ương Đảng nhận định, cao trào cách mạng đã bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, vì thế cần thay đổi các hình thức đấu tranh cho thích hợp để động viên đông đảo quần chúng tham gia kháng Nhật cứu nước. Đảng nêu cao quyết tâm: “Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta.”

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến 15/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị đã quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1, kêu gọi toàn dân đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Cả nước trong không khí sôi sục khí thế tổng khởi nghĩa. Chủ trương của Đảng là thực hiện khởi nghĩa từng phần và xây dựng căn cứ địa cách mạng. Căn cứ địa phát triển tới đâu, lực lượng vũ trang, bán vũ trang phát triển tới đó.

Tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, Quốc dân Đại hội đã họp ngày 16 và 17/8/1945 tại đình Tân Trào, (Tuyên Quang). Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa trải qua cơn sốt nặng, sức còn yếu, nhưng Người vẫn đến dự đại hội. Đây là lần đầu tiên sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người ra mắt anh chị em đại biểu khắp ba kỳ, cả đại biểu Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Được gặp vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, được nghe vị lãnh tụ vạch rõ phương châm thành công, các đại biểu ai nấy đều có cảm tưởng đã được thoả mãn trong ước vọng bình sinh của mình, thề quyết một phen sống mái với quân thù.

20 triệu người, già trẻ, đàn ông, đàn bà, những quần chúng yêu nước giương cao ngọn cờ Việt Minh với nòng cốt là các đoàn thể cách mạng, được Đảng huấn luyện qua các phong trào 15 năm qua, đã nhất tề đứng dậy chói lòa, bên đội ngũ tiên phong của Đảng.

Thời kỳ 1930-1945 là đỉnh cao công tác vận động quần chúng nhân dân. Đảng ta đã xây dựng được một đạo quân cách mạng hùng hậu, to lớn trong cả nước, quyết đứng lên tự giải phóng. Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi rực rỡ ở thủ đô Hà Nội và nhanh chóng lan rộng ra khắp các địa phương trên cả nước.

Một hội nghị lịch sử của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 ảnh 2Phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, đỉnh cao của cao trào cách mạng (1930-1931), cuộc tổng diễn tập đầu tiên của Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cuộc cách mạng tháng Tám mà Đảng và Mặt trận Việt Minh phát động, như cơn sóng thần, đã cuốn phăng chính quyền phátxít Nhật và tay sai. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của đường lối cách mạng, thắng lợi của chiến lược đại đoàn kết dân tộc, trong đó có khoa học và nghệ thuật vận động công tác quần chúng nhân dân; khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng trong thực hiện các mục tiêu cách mạng, giành chính quyền cho đất nước. Toàn dân tộc Việt Nam bắt tay xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ bằng việc công bố trước quốc dân Việt Nam và nhân dân thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945. Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

Cùng với Quốc dân Đại hội Tân Trào, Hội nghị toàn quốc của Đảng tháng 8/1945 đã đề ra chủ trương khởi nghĩa kịp thời, kế hoạch khởi nghĩa đúng đắn và biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân ta trong giờ phút quyết định, tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, giành độc lập cho dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục