Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Nam Phi - SANSA ngày 10/5 (giờ địa phương) đã đưa ra cảnh báo thời tiết không gian khắc nghiệt 3 ngày tới, khi một cơn bão Mặt Trời cấp G4 sắp tác động đến Trái đất có khả năng ảnh hưởng tới lưới điện quan trọng và gây ra các vấn đề kiểm soát điện áp trên diện rộng.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, SANSA đã đưa ra cảnh báo về cơn bão địa từ nghiêm trọng này sau khi phát hiện ba vụ phun trào vành nhật hoa (CME) vào đầu tuần này cũng như các cơn bão Mặt Trời mạnh.
Sóng xung kích từ các vụ phun trào khối lượng dự kiến sẽ kết hợp trước khi va chạm với Trái Đất.
Trước đó, ngày 9/5, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo bão địa từ cấp G4. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 01/2005, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ mới đưa ra cảnh báo bão địa từ G4, cao thứ hai trong thang đo năm bước.
Sự phóng khối lượng vành nhật hoa là tên được đặt cho các vụ nổ plasma khổng lồ thỉnh thoảng phun ra từ Mặt Trời, có thể gửi các hạt tích điện, được gọi là gió Mặt Trời, về phía Trái Đất.
Năm vụ phun trào vật chất từ bầu khí quyển của mặt trời được dự báo sẽ xảy ra, bắt đầu từ cuối ngày 10/5 và kéo dài đến ngày 12/5.
“Thủ phạm” của hiện tượng này là cụm vết đen mặt trời có thể nhìn thấy ở phía bên phải đĩa mặt trời, rộng gấp 16 lần Trái Đất.
Bão địa từ có thể tác động đến cơ sở hạ tầng trên quỹ đạo gần Trái Đất và trên bề mặt Trái Đất, có khả năng làm gián đoạn thông tin liên lạc, lưới điện, điều hướng, hoạt động vô tuyến và vệ tinh.
Thời điểm gần đây nhất Trái Đất chịu ảnh hưởng bởi cơn bão G5 - cấp cao nhất trong hệ thống thang đo, là vào tháng 10/2003. Thời điểm đó, cơn bão đã khiến nhiều máy biến thế bị hư hỏng ở Nam Phi và mất điện ở Thụy Điển.
Sức mạnh thực sự của cơn bão sẽ được biết khoảng 60-90 phút trước khi nó đến Trái đất nhờ các vệ tinh đo lường các đợt bùng phát năng lượng có định hướng./.