Theo trang mạng theguardian.com, khi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chìm vào khủng hoảng và sau đó, khi một triệu người di cư từ cuộc chiến ở Syria và nhiều nơi khác chạy trốn sang châu Âu, nhiều người dự đoán rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể chịu được sức ép này.
Khi những cuộc khủng hoảng này diễn ra sau việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, và sau việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, người ta thường nói rằng đây mới chỉ là khởi đầu, và rằng các nước châu Âu khác cũng sẽ không chịu nổi hiệu ứng domino từ các cuộc nổi dậy của chủ nghĩa bản địa bài ngoại (thuyết cho rằng công dân sinh ra ở địa phương trội hơn người nhập cư) và từ những kẻ mị dân theo chủ nghĩa dân túy, và rằng điều này sẽ đẩy nhanh sự tan rã của dự án xây dựng châu Âu hậu 1945.
Sẽ là vô cùng ngu ngốc, ngay cả bây giờ, nếu ngụy tạo một điều mà không bao giờ có thể xảy ra như thế. Sau tất cả, tâm trạng chính trị trên khắp châu Âu vẫn chưa ổn định. Niềm tin vào những người lãnh đạo vẫn ở mức thấp.
Tuy nhiên, rõ ràng rằng những lời tiên tri trước đó về sự sụp đổ của EU là hoàn toàn sai lầm. Châu Âu đã đứng vững. Sự tan rã không diễn ra. Những người theo chủ nghĩa dân túy đã không thể “phá vỡ thành lũy.”
Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tháng 5/2019 cho thấy nhiều điều, và kết quả tạo thành một bức tranh phức tạp. Tuy nhiên, chúng cũng cho thấy một châu Âu phần lớn là dựa dẫm lẫn nhau ngay cả khi trải qua nhiều thay đổi.
Tuần trước, 51% cử tri châu Âu đã tham gia bỏ phiếu cho cuộc bầu cử này. Đó chắc chắn không phải là một tỷ lệ tuyệt vời, nhưng lại tốt hơn rõ rệt so với tỷ lệ 43% trong cuộc bầu cử lần trước, và cũng là con số tuyệt nhất trong thế kỷ này.
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tăng lên ở 21 trong tổng số 28 quốc gia, với sự gia tăng ngoạn mục xuất hiện ở những nước như Tây Ban Nha, Hungary, Đức và Ba Lan.
[Sáu kịch bản liên minh có thể xảy ra tại Nghị viện châu Âu]
Những lời cảnh báo về việc các cử tri không đi bỏ phiếu hầu như đều sai. Những người lo ngại rằng các cử tri quay lại bỏ phiếu có thể còn tạo ra nhiều vấn đề hơn việc họ không đi bỏ phiếu cũng đã được chứng minh là không đúng.
Làn sóng chủ nghĩa dân túy được chào mời nhiều, trong đó những người theo chủ nghĩa dân tộc phản động được dự đoán sẽ tràn vào Brussels từ mọi ngóc ngách, đã không thành hiện thực.
Đúng, ở một số quốc gia - Pháp, Italy và Anh - các đảng chống EU và cực hữu đã nhận được số phiếu bầu lớn. Tuy nhiên, những lá phiếu này không hề mới và cũng không hề lớn.
Theo ước tính rộng rãi nhất, những đảng này hiện chỉ giành được 170 ghế trong Nghị viện gồm 751 ghế. Điều đó rất quan trọng, nhưng không mang tính quyết định.
Các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã không thể “càn quét” châu Âu, và các đảng cánh tả cũng vậy. Tuy nhiên, phe ôn hòa cũng không còn giữ được vị thế như trước kia. Họ đang dần bị thu hẹp - một lần nữa.
Quá trình này khá quen thuộc, có thể thấy rõ từ kết quả ở Anh. Hai khối lớn trong các Nghị viện trước đây - đảng Nhân dân châu Âu (EPP) theo phe trung hữu và Liên minh Chủ nghĩa Xã hội và Dân chủ (S&D) theo phe trung tả - đã giảm từ tổng cộng 412 ghế xuống còn 328 ghế, và mất thế đa số.
Kết quả là, sự chia tách như ngày xưa sẽ không còn dễ dàng nữa. Đó là một sự phát triển tốt. Các phe phái khác sẽ được tham gia vào việc bổ nhiệm ai sẽ là người thay thế Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Song những phe phái khác đó sẽ không theo chủ nghĩa dân tộc và chống châu Âu. Họ có thể sẽ bao gồm khối Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) ủng hộ châu Âu, tăng từ 67 lên 107 ghế, và khối đảng Xanh ủng hộ châu Âu, tăng từ 50 lên 69 ghế. Nếu những thay đổi đó là quen thuộc thì chúng nên như vậy.
Kết quả ở Vương quốc Anh cũng góp phần vào sự thay đổi đó, khi niềm tin vào các đảng cũ nhường chỗ cho chủ nghĩa đa nguyên lớn mạnh hơn và dẫn đến một quốc hội cân bằng hơn.
Tất nhiên không nên áp đặt việc này cho mọi vấn đề của châu Âu. Chủ nghĩa duy tâm hội nhập cũ gần như đã biến mất. Hiện có nhiều người châu Âu- ở phía Đông và Tây, ở phía Bắc và Nam, ở cánh tả và hữu, thuộc trung tâm hay ngoại vi- chứ không chỉ có một.
Ngay cả khi các quốc gia châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức, chính trị của quốc gia này luôn luôn khác biệt với các quốc gia khác. Tuy nhiên, kết quả này cho thấy hầu hết người dân châu Âu, kể cả ở Anh, có thể đối phó và chấp nhận nhiều cấp độ bản sắc chính trị khác nhau.
Cuộc bầu cử này cho thấy dự án xây dựng châu Âu đang đi theo chiều hướng đa diện hơn. Tuy nhiên, qua đó cũng có thể thấy châu Âu rất kiên cường./.