Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich ngày 5/3 tuyên bố kế hoạch của Mỹ cũng như một số quốc gia khác cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ đi ngược lại Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế mà còn đe dọa an ninh Nga.
Ông Lukashevich nhấn mạnh Moskva quan ngại sâu sắc trước thông tin cho biết không chỉ Washington mà hàng loạt các quốc gia châu Âu khác, như Phần Lan, Ba Lan, sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Theo ông Lukashevich, việc phương Tây gửi vũ khí và binh lính đến Ukraine hoàn toàn không phải vì mục đích hòa bình, điều đó không chỉ phá hủy chế độ ngừng bắn theo thỏa thuận Minsk đạt được ngày 12/2 vừa qua và khiến tình hình miền Đông Ukraine ngày càng leo thang, mà còn đe dọa an ninh đối với chính nước Nga.
Nhà ngoại giao Nga đồng thời cảnh báo Washington rằng quan hệ Nga-Mỹ sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu người dân ở Donbass, khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine, bị tàn sát dưới vũ khí của Mỹ. Ông Lukashevich cũng tái khẳng định chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng biện pháp hòa bình là đối thoại chính trị giữa các bên xung đột tại quốc gia Đông Âu này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi có thông tin cho biết hiện có tới 300 binh lính Mỹ được triển khai tại tỉnh Lvov của Ukraine, để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện binh sỹ Ukraine sử dụng kỹ thuật chiến đấu.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ thậm chí còn đang soạn thảo một dự luật đặc biệt, trong đó dự định sẽ hỗ trợ 1 tỷ USD nhằm trang bị và huấn luyện cho binh sỹ Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Stanislaw Koziej, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia kiêm cố vấn Tổng thống Ba Lan, ngày 5/3 đã bày tỏ ủng hộ cung cấp vũ khí cho Ukraine khi nói rằng việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Ukraine sẽ có lợi cho châu Âu, Ba Lan và Ukraine
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Lukashevich và Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cũng bác bỏ cáo buộc từ phía Mỹ, nói rằng Moskva đã điều "hàng nghìn" bình sỹ tới miền Đông Ukraine nhằm hỗ trợ lực lượng đòi độc lập tại đây. Đại diện Nga khẳng định "những con số đó được đưa ra một cách vu vơ, làm quốc tế nản lòng."
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, các vụ nã pháo vẫn tiếp diễn tại miền Đông Ukraine. Trước bối cảnh trên, cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong cuộc điện đàm ngày 5/3 giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merken, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận tình hình khu vực Donbass và nhấn mạnh sự cần thiết tăng số lượng quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng như trang bị kỹ thuật cho phái bộ của OSCE thực hiện nhiệm vụ.
Cùng ngày, tại cuộc gặp giữa ông Poroshenko và Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond ở Kiev, hai bên nhấn mạnh các bên cần thực hiện cam kết đã nhất trí trong thỏa thuận Minsk và sự cần thiết tăng cường công tác của phái bộ OSCE tại Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quốc phòng. Ông Poroshenko một lần nữa kêu gọi phương Tây gửi phái bộ gìn giữ hòa bình quốc tế đến Ukraine.
Dự kiến, đại diện bộ ngoại giao 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukaine (theo thể thức Normandy) sẽ tiến hành đàm phán trong ngày 6/3 tại thủ đô Berlin (Đức) để thảo luận tiến trình thực hiện thỏa thuận Minsk ngày 12/2./.