Ngày 9/5, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã nâng mức đánh giá về triển vọng thanh toán nợ của Bồ Đào Nha lên Ba2, khẳng định có thể tiếp tục nâng mức xếp hạng nếu nước này bắt đầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài suốt hơn 3 năm qua.
Trước đó cùng ngày, Standard and Poor's (S&P) cũng tuyên bố nâng triển vọng về khả năng trả nợ của Bồ Đào Nha do cho rằng các hoạt động kinh tế và cắt giảm thâm hụt ngân sách của quốc gia này đã đạt kết quả tích cực hơn dự tính.
Theo Moody's, tình hình tài chính của quốc gia thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) này đã cải thiện tích cực và tỷ lệ nợ công bắt đầu giảm trong năm nay. Mặc dù cho rằng mức Ba2 hiện này vẫn ở dưới mức có thể đầu tư 2 bậc, song Moody's nhấn mạnh thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha đã giảm 1%, cao hơn dự đoán năm ngoái, điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm củng cố hệ thống tài chính.
Moody's cũng chỉ ra rằng việc Lisbon tuyên bố sẽ thoát khỏi chương trình cứu trợ chung trị giá 78 tỷ euro (108 tỷ USD) từ nhóm bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong vài tuần tới, đặc biệt là không phụ thuộc vào Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) là bằng chứng cho thấy nước này đã có những tiến bộ vượt bậc.
Ngoài ra, Lisbon cũng đã thực hiện đầy đủ những điều kiện trong chương trình điều chỉnh kinh tế như đã cam kết với EU và IMF. Thặng dư trong cán cân thanh toán của Bồ Đào Nha với các nước khác trên thế giới đã đủ lớn để từng bước giảm nợ nước ngoài. Mặc dù vậy, Bồ Đào Nha vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới, lên tới 118% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Dự báo kinh tế Bồ Đào Nha có thể tăng trưởng trung bình khoảng 1,4% trong các năm 2014 và 2015, chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng. Những cải cách về thị trường lao động và chi phí lao động giảm đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân công ở trong nước./.