'Moody’s nâng 2 bậc tín nhiệm với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ'

Đại diện Bộ Tài chính cho hay Moody’s nhận định thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tương đồng trên toàn thế giới.
Các container hàng hóa tại Cảng quốc tế Cái Mép, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các container hàng hóa tại Cảng quốc tế Cái Mép, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm hai bậc lên “Tích cực” là điều chưa có tiền lệ trong đánh giá của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19.

Ông Trương Hùng Long cho biết, kể từ đợt nâng bậc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên Ba3 vào tháng 8/2018, việc Moody’s lần đầu tiên nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "Tích cực" vừa qua là sự ghi nhận quan trọng về kết quả điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Việt Nam trong việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, vượt xa các quốc gia đồng mức xếp hạng trong khu vực cũng như trên thế giới.

“Đó cũng là kết quả của sự kiên trì, chủ động của các cơ quan Chính phủ, của Bộ Tài chính trong việc chia sẻ và cập nhật các thông tin về kinh tế vĩ mô với phía Moody’s trong một thời gian dài. Đây cũng là lần đầu tiên Moody’s đánh giá vượt bậc đối với triển vọng tín nhiệm của Việt Nam, nâng liền hai bậc, là điều chưa có tiền lệ trong đánh giá của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19,” ông Trương Hùng Long nói.

Ông Trương Hùng Long, cho rằng động thái này của Moody’s phản ánh ghi nhận của tổ chức này về nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc của Việt Nam, thành công vượt trội của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng dương của nền kinh tế được duy trì, cũng như vị thế đối ngoại được tăng cường nhờ khả năng hội nhập quốc tế vào chuỗi cung ứng châu Á.

Cụ thể, Moody’s cho biết thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tương đồng trên toàn thế giới, các giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách.

Chính nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và kết quả quản lý nợ công đầy thuyết phục và vững chắc trong giai đoạn vừa qua đã giúp Việt Nam tăng đệm dự phòng chính sách để ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Việc Việt Nam không phải tăng vay để ứng phó với đại dịch COVID-19 như nhiều quốc gia khác trên thế giới là điểm hết sức tích cực.

Bên cạnh đó, Moody’s cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.

'Moody’s nâng 2 bậc tín nhiệm với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ' ảnh 1Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính). (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Ông Trương Hùng Long cho rằng chính những yếu tố trên đã góp phần củng cố triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam, tăng cường chất lượng hồ sơ tín dụng của Việt Nam trong trung, dài hạn và là những yếu tố quan trọng trong quyết định nâng triển vọng của Moody’s.

Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia, ông Trương Hùng Long cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình làm việc, cập nhật thông tin thường xuyên với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, trong đó có Moody’s.

[Moody's có thể nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam]

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã linh hoạt áp dụng đa dạng hình thức làm việc, điện đàm trực tuyến để đảm bảo việc trao đổi thông tin thường xuyên, thông suốt, giúp các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có đầy đủ thông tin để đưa ra những đánh giá cập nhật, chính xác về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng chủ động phối hợp với các định chế tài chính, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm với các cơ quan, tổ chức trong nước nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo đó cải thiện chất lượng thông tin cung cấp cũng như phương pháp làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Ngoài ra, với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính đã kiên trì tập trung giải trình, thuyết phục về những vấn đề các tổ chức xếp hạng tín nhiệm còn quan ngại nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo đánh giá khách quan của các cơ quan này.

Trước đó, ngày 18/3, tổ chức Moody’s đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm và điều chỉnh tăng triển vọng lên "Tích cực."

Cơ sở để tổ chức Moody’s đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên "Tích cực" là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Moody’s cho biết giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam đã hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và giao thương quốc tế phục hồi nhanh chóng và hỗ trợ thu ngân sách.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn được nhận định là đầy hứa hẹn nhờ những thành quả cải thiện vị thế tài khóa và nợ đầy thuyết phục và vững chắc.

Tổ chức này đưa ra đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng hậu đại dịch với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại đầy năng động.

Moody’s ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế của nước ta đã được tăng cường rõ rệt trong việc Chính phủ quản lý ngân sách, quản lý nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục