Ngày 6/7, hãng xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service đã hạ mức đánh giá tín dụng của Bồ Đào Nha đi 4 bậc, xuống còn Ba2.
Moody's đưa ra quyết định trên trong bối cảnh nước thành viên khu vực đồng euro này đang ngập trong nợ nần và đã phải nhờ tới sự cứu trợ hồi đầu năm nay.
Không chỉ vậy, Moody's cảnh báo hãng có thể sẽ tiếp tục hạ mức đánh giá tín dụng đối với Bồ Đào Nha trong thời gian tới.
Giới phân tích nhận định quyết định trên của Moody's phản ánh khả năng ngày càng lớn là Bồ Đào Nha sẽ cần đợt cho vay chính thức thứ hai trước khi nước này có thể trở lại huy động vốn trên thị trường tư nhân.
Theo Moody's, quyết định này dựa trên mối quan ngại ngày một lớn rằng Lisbon sẽ không thể đáp ứng được các mục tiêu về giảm thâm hụt và bình ổn nợ mà Bồ Đào Nha đã nhất trí với Liên minh châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Nước này đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc giảm chi tiêu, tăng cường việc tuân thủ thuế, tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ hệ thống ngân hàng.
Hồi tháng 4/2011, Moody's đã hạ mức đánh giá tín dụng đối với Bồ Đào Nha từ A3 xuống Baa1, vì hãng nhận định rằng Lisbon sẽ phải tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài để giải quyết vấn đề nợ, nhằm đảm bảo khoản vay 78 tỷ euro từ EU và IMF sau khi Hy Lạp và Ailen được giải cứu hồi năm 2010.
Ngày 6/7, Moody's nói rằng mối quan ngại chủ yếu là Lisbon sẽ cần gói giải cứu thứ hai giống như Hy Lạp hiện tại và các ngân hàng chủ nợ thuộc khu vực tư nhân sẽ chịu ít nhiều thiệt hại.
Một nỗi lo khác là việc Bồ Đào Nha sẽ không thể cắt giảm nợ công từ 9,1% năm 2013 về mức mục tiêu 3% GDP của EU theo chương trình cứu trợ của EU-IMF.
Moody's cho rằng Bồ Đào Nha sẽ gặp khó khăn trong việc cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực như y tế, doanh nghiệp quốc doanh và chính phủ, và việc tăng thu thuế sẽ là một thách thức thực sự.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha có thể yếu hơn dự báo.
Tuy nhiên, một tin tích cực theo Moody's là hiện tại mối lo ngại về sự ổn định chính trị đã dịu lại sau khi Chính phủ Thủ tướng Pedro Passos Coelho lên nắm quyền.
Tân Chính phủ Bồ Đào Nha hồi tuần trước đã đưa ra một chương trình khắc khổ, bao gồm các biện pháp tạo thuế doanh thu đặc biệt./.