Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm Aa2 cho Hàn Quốc

Moody's dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng tốc so với mức tăng 1,4% của năm ngoái khi ngành bán dẫn phục hồi và đầu tư cơ sở vật chất tăng lên.
Cảng hàng hóa Busan, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's Investor Service hôm 9/5 đã công bố duy trì xếp hạng tín nhiệm đối với Hàn Quốc ở mức “Aa2” - mức cao thứ ba trong bảng xếp hạng với triển vọng ổn định, hướng tới mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2024.

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn báo cáo của Moody's cho biết việc khẳng định xếp hạng được hỗ trợ bởi mức độ đa dạng và khả năng cạnh tranh kinh tế rất cao của Hàn Quốc, vùng đệm tài chính vẫn mạnh mẽ và sự quản lý thể chế thận trọng trước những thách thức hiện nay.

Cơ quan này cũng cho biết triển vọng xếp hạng ổn định phản ánh “rủi ro hạn chế” đối với hồ sơ tín dụng của Hàn Quốc, vì các nguyên tắc cơ bản về tín dụng của quốc gia này sẽ vẫn phải đối mặt với những trở ngại vật chất và lâu dài đối với thương mại toàn cầu.

Moody's cũng lưu ý rằng những hạn chế tín dụng dài hạn đối với chính phủ Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào khả năng của chính phủ trong việc thực hiện cải cách cơ cấu trong bối cảnh dân số già đi nhanh chóng.

Moody's dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, tăng tốc so với mức tăng 1,4% của năm ngoái khi ngành bán dẫn phục hồi và đầu tư cơ sở vật chất tăng lên.

Mức dự báo này lạc quan hơn triển vọng tăng trưởng 2,2% do chính phủ Hàn Quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đưa ra.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự báo mức tăng trưởng của Hàn Quốc năm 2024 là 2,1% và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mức tăng trưởng 2,3%.

Moody's kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc “sẽ chậm lại quanh mốc 2% trong thời gian dài sau nhiều thập kỷ kinh tế vượt trội,” mặc dù các nỗ lực chính sách phối hợp nhằm theo kịp sự đổi mới công nghệ, cùng với năng lực trong một số chuỗi cung ứng, sẽ được cải thiện đủ để duy trì tăng trưởng ở mức phù hợp với các nền kinh tế tiên tiến.

Xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, đã tăng tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng Ba sau thời kỳ suy thoái kéo dài một năm, do nhu cầu toàn cầu vững chắc về chất bán dẫn.

Đánh giá về những rủi ro địa chính trị ở Bán đảo Triều Tiên, cơ quan này cho biết căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ trên Bán đảo Triều Tiên khó có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế Hàn Quốc và tình hình tài chính của nước này.

Báo cáo cho biết theo kịch bản của Moody’s, rủi ro địa chính trị sẽ vẫn ở mức độ "đáng chú ý" như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục