Moody’s: Giá dầu cao củng cố vị thế tài khóa của các nước vùng Vịnh

Moody’s ước tính dầu mỏ đóng góp khoảng 70% vào tổng thu ngân sách của các nền kinh tế GCC, cho thấy ảnh hưởng của giá “vàng đen” cao hơn đối với tình hình tài chính khu vực.
Nhà máy lọc dầu tại Jubail, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 9/11 công bố báo cáo đánh giá triển vọng vị thế tài khóa của các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ ở mức ổn định trong 12-18 tháng tới nhờ trợ lực từ sản lượng và giá dầu mỏ cao hơn.

Trong báo cáo nói trên, Moody’s ước tính dầu mỏ đóng góp khoảng 70% vào tổng thu ngân sách của các nền kinh tế GCC, cho thấy ảnh hưởng của giá “vàng đen” cao hơn đối với tình hình tài chính khu vực.

Moody’s cho rằng Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ trở lại thặng dư ngân sách, Oman và Saudi Arabia sẽ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi mức thâm hụt tương ứng của Bahrain và Kuwait sẽ được thu hẹp nhờ giá dầu cao hơn.

Chuyên gia phân tích của Moody’s đồng thời là tác giả báo cáo, ông Christian Fang cho biết tình hình tài chính của các chính phủ GCC vẫn phụ thuộc đáng kể vào sự biến động của nhu cầu tiêu thụ và giá dầu toàn cầu.

[OPEC+ sẽ tăng nguồn cung dầu mỏ nếu thị trường có nhu cầu]

Trong bối cảnh giá “vàng đen” đã phục hồi trở lại mức trước thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 đồng thời sản lượng dầu mỏ dần “bình thường hóa,” vị thế tài khóa của các nền kinh tế GCC sẽ được củng cố, cho dù bảng cân đối ngân sách của một số chính phủ vẫn ở mức yếu hơn so với trước đại dịch COVID-19.

Moody’s đánh giá lộ trình giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ vẫn sẽ diễn ra từ từ, trong khi các sáng kiến hạn chế tác động của biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Moody’s lưu ý rằng căng thẳng địa chính trị vẫn là yếu tố rủi ro hàng đầu tại khu vực, cho dù đã xuất hiện một số tín hiệu ổn định thời gian gần đây.

Kể từ đầu năm tới nay, giá dầu đã tăng khoảng 60% và hiện giao dịch quanh ngưỡng 81 USD/thùng khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu dần phục hồi.

Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo dự trữ ngoại tệ của các nền kinh tế GCC giàu dầu mỏ sẽ tăng 300-350 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. GCC gồm 6 thành viên UAE, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục