Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's vừa đưa ra cảnh báo nền kinh tế Argentina đang đối mặt với nhiều thách thức dài hạn, dù nước này đã trở lại với thị trường tín dụng quốc tế.
Phó Chủ tịch Moody's Gabriel Torres khuyến cáo Buenos Aires cần cải thiện các chỉ số kinh tế, tạo thuận lợi cho cân bằng tín dụng của chính phủ, các công ty và ngân hàng. Ông Gabriel Torres cũng cho rằng kinh tế giảm sút sẽ cản trở sức tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này.
Ông Torres dự báo nền kinh tế Argentina chỉ có thể bắt đầu được cải thiện trong năm 2017. Moody's ước tính GDP của Argentina năm nay sẽ giảm 1,5%, với lạm phát ở mức 30%.
Cuối tháng Tư vừa qua, Chính phủ Argentina đã thanh toán khoản nợ hơn 9 tỷ USD cho các quỹ đầu cơ sau thời gian dài tranh cãi và kiện tụng, qua đó cho phép nước này trở lại thị trường tín dụng thế giới sau nhiều năm vắng bóng. Tuy nhiên, nền kinh tế Argentina chưa có bất cứ tín hiệu khả quan nào sau sự kiện này.
Thống kê của Đại học Thiên chúa giáo Argentina cho thấy, có tới 1,4 triệu người đã trở thành người nghèo tại nước này chỉ trong vòng ba tháng đầu năm nay, nâng tỷ lệ người nghèo lên 34,5%, từ mức 29% hồi cuối năm ngoái. Nguyên nhân là do lạm phát cao, người lao động bị sa thải hàng loạt và giá các dịch vụ công cộng tăng đột biến do chính quyền của Tổng thống cánh hữu Macri cắt giảm trợ cấp đột ngột.
Cũng theo nguồn tin trên, hiện tại Argentina có tới gần 14 triệu người nghèo trong tổng số 42 triệu dân.
Chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mauricio Macri đã quyết định phá giá đồng peso tới 40%, khiến giá cả leo thang liên tục. Trong nỗ lực giải quyết khó khăn của nền kinh tế và tình trạng thâm hụt ngân sách do thiếu đầu tư, ngoài việc phá giá đồng nội tệ, Tổng thống Macri còn quyết định theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng."
Từ đầu năm đến nay, chính phủ liên tục tăng giá dịch vụ điện, khí đốt, nước, giao thông công cộng và xăng dầu. Chỉ riêng trong quý 1, lạm phát đã ở mức 12,5%./.