Một báo cáo mới công bố của cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho hay ngân hàng thuộc các nền kinh tế mới nổi ở Mỹ Latinh và châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng USD hóa trong số các nền kinh tế đang phát triển.
Điều này sẽ khiến họ dễ bị tổn thương khi đồng nội tệ yếu hơn và lượng tiền rút ra ngày càng tăng do động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ.
Báo cáo của Moody's cho biết việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có khả năng làm chậm dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, suy yếu đồng nội tệ cũng như kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế của các nước này. Đồng thời, diễn biến đó cũng tạo rủi ro tín dụng tại các ngân hàng có mức USD hóa cao.
Nhóm phân tích của Moody’s cho hay những ngân hàng có một lượng lớn các khoản cho vay và tiền gửi bằng ngoại tệ trên bảng cân đối kế toán sẽ dễ bị tổn thương trước một đợt tăng mạnh về tổn thất tín dụng, trong khi áp lực về lợi nhuận và thanh khoản tăng cao khi đồng nội tệ giảm giá mạnh.
Những người đi vay không có nghiệp vụ phòng hộ đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản vay bằng ngoại tệ, còn người gửi tiền có xu hướng rút tiền về. Mức độ USD cao cũng đe dọa sự ổn định tài chính của quốc gia trong thời kỳ khủng hoảng nếu các ngân hàng trung ương không đủ dự trữ ngoại tệ để cứu trợ các ngân hàng thiếu hụt đồng USD.
[Đồng USD sẽ mở rộng sự thống trị trên thị trường tiền tệ năm 2022]
Moody's nhận thấy rằng các ngân hàng ở Mỹ Latinh, các nền kinh tế châu Âu mới nổi và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có lượng tiền gửi bằng đồng USD cao nhất, trong khi tỷ lệ này tương đối thấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ở mức trung bình tại châu Phi. Tỷ lệ rủi ro cao hơn ở các quốc gia vùng Vịnh được bù đắp phần nào nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ lớn.
Báo cáo nêu rằng sự suy giảm của đồng peso nội địa và lạm phát tăng cao tại Uruguay đã đưa nước này lên vị trí dẫn đầu trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ USD hóa cao của Moody's. Theo thống kê của cơ quan xếp hạng tín dụng, 74% tiền gửi tại Uruguay là bằng đồng USD và xu hướng này sẽ vẫn còn tiếp tục.
Thổ Nhĩ Kỳ, một nền kinh tế đang phát triển khác đang đối mặt với lạm phát cao và đồng nội tệ suy yếu dự kiến sẽ ghi nhận tỷ lệ tiền gửi bằng USD tăng lên 65% vào cuối năm 2022. Con số này đã tiến dần đều từ mức 47% vào năm 2020 rồi 63% trong năm 2021.
Trong khi đó, lượng tiền gửi bằng đồng ngoại tệ ở Argentina đã giảm mạnh, từ 40% vào năm 2019 xuống còn 16% vào năm 2021 do niềm tin của người dân bị xói mòn sau cuộc bầu cử năm 2019.
Moody's cho biết có khả năng dòng tiền gửi bằng USD sẽ tiếp tục “chảy đi” nếu niềm tin vào các chính sách công hoặc ngân hàng trung ương nước này xấu đi. Cơ quan xếp hạng đồng thời lưu ý rằng ngân hàng trung ương Argentina có rất ít hoặc không đủ nguồn dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm tỷ lệ USD hóa sẽ tiếp tục trong ngắn hạn ở Azerbaijan, Armenia, Kazakhstan, Peru và Ukraine. Nhưng các ngân hàng ở Azerbaijan, Armenia và Belarus cũng có mức độ tiếp xúc cao nhất với những người đi vay không có nghiệp vụ phòng hộ đầu tư, cũng như không có thu nhập tính bằng đồng ngoại tệ của khoản vay./.