Mọng thơm trái vải thiều đặc sản Bát Trang đất Hải Phòng

Chất lượng và hương vị vải thiều Bát Trang không thua kém vải thiều Thanh Hà nức tiếng và một chiến lược phát triển thương hiệu trái cây đặc sản này của Hải Phòng hiện đang được xây dựng.
Mọng thơm trái vải thiều đặc sản Bát Trang đất Hải Phòng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vải mọng, thơm, ngọt mát, so với vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) thì chất lượng và hương vị vải thiều Bát Trang, huyện An Lão, Hải Phòng cũng "một 9 một 10."

Nhờ cây vải thiều, một số gia đình tại xã này có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi mùa vải, nhưng để vải thiều Bát Trang có chỗ đứng trên thị trường và không rơi vào cảnh “được mùa mất giá,” vẫn còn nhiều việc cần làm.

Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão Nguyễn Văn Nhất cho biết, tại huyện có nhiều xã trồng vải song đều ở quy mô tự phát, trừ xã Bát Trang.

Cây vải được du nhập về xã đã hơn 50 năm nay và cũng trải qua một số giai đoạn thăng trầm. Lúc đầu, người dân trong xã chỉ trồng như một loại cây trong vườn. Sau đó, thấy chất đất ở đây phù hợp cho giống vải thiều, chất lượng vải không hề thua kém vùng vải thiều đặc sản Thanh Hà nên nhiều hộ gia đình trong xã dần dần chuyển sang trồng vải.

Cũng giống như bất kỳ loại nông sản nào khác, điệp khúc “được mùa mất giá” không là ngoại lệ với vải thiều Bát Trang.

Giai đoạn khoảng năm 2006-2008, do giá vải rẻ, chỉ từ 1.000-3.000 đồng/kg tại gốc nên nhiều hộ gia đình trong xã đã chặt bớt vải để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác cho năng suất cao hơn như thanh long, xoài, nhãn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Trang Phan Viết Lệ, xã có 103ha cây vải thiều trong tổng số 137ha cây ăn quả và giá thu mua vải thiều phập phù theo năm.

Năm 2015, sản lượng vải thiều của xã đạt khoảng 800 tấn nhưng tiền thu về chỉ đạt khoảng 11 tỷ đồng. Năm nay, do thời tiết thất thường, vải mất mùa nhưng được giá, sản lượng vải đạt khoảng 500 tấn nhưng đem lại thu nhập cho người dân khoảng 15 tỷ đồng.

Theo bác Đỗ Hữu Nhị, xã Bát Trang, gia đình bác trước đây chủ yếu trồng loại cây này, sau do giá vải hàng năm không ổn định nên gia đình đã chặt bớt một nửa và chuyển sang các loại cây khác.

Năm nay, sản lượng vải của nhà bác Nhị giảm hẳn do thời tiết thất thường. Giữa mùa vải, thương lái Trung Quốc đến thu mua với giá trên 30.000 đồng/kg nhưng do vải chưa chín đủ độ, bác để lại 10 ngày sau mới mang bán, giá vải đã giảm xuống chỉ còn 17.000 đồng/kg.

Bác Nhị cho biết, đầu ra của vải Bát Tràng phụ thuộc hoàn toàn vào đầu ra của vải Thanh Hà. Khi vải Thanh Hà bán hết, thương lái mới chọn vải Bát Tràng thay thế. Do đó, đầu ra của vải Bát Tràng rất phập phù, không có sự ổn định.

Khác với tâm tư của bác Đỗ Hữu Nhị, bác Cao Văn Hồng là một trong những hộ gia đình đạt thu nhập trung bình khoảng 100 triệu/vụ vải lại cho rằng, vải thiều Bát Trang luôn có chỗ đứng nếu kiên trì đầu tư.

Ngay cả khi vải thiều mất mùa thì thu nhập so với trồng lúa cũng cao gấp vài chục lần. Trồng các loại cây ăn quả khác trước mắt có thể cho thu nhập cao hơn nhưng chi phí đầu tư lại tốn kém hơn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bát Trang Phan Viết Lệ cho biết thêm, vải thiều Bát Trang vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu. Đây là một trong những bước đi đầu tiên để vải thiều Bát Tràng tìm chỗ đứng vững vàng trên thị trường.

Khi có thương hiệu, xã Bát Trang sẽ hướng bà con dồn điền, đổi thửa, sử dụng diện tích đất nông nghiệp hợp lý hơn để trồng vải thiều vì đó là cây thế mạnh của địa phương.

Hiện, đã có một số đơn vị đầu mối muốn ký hợp đồng thu mua vải với xã nhưng do quy mô trồng vải còn ít, manh mún nên chưa ký được hợp đồng khiến bà con nông dân phải chủ động bán cho thương lái.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục động viên bà con kiên trì trồng vải và tìm lại những đầu mối đã từng đến xã nhưng chưa ký được hợp đồng mua bán để làm các thủ tục cho vụ vải mới.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Nhất, vải thiều Bát Trang vẫn sẽ là cây thế mạnh của huyện An Lão. Khi vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu sang các thị trường khác thì vải thiều Bát Trang sẽ “thế chân” ở thị trường nội địa.

Phòng Nông nghiệp huyện An Lão sẽ đề xuất với Ủy ban Nhân dân huyện phương án sử dụng đất trồng lúa xen lẫn trong khu dân cư chuyển sang trồng vải, vừa tận dụng được diện tích đất nông nghiệp, vừa tạo ra vùng sản xuất vải tập trung.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Bát Trang để tiếp tục xây dựng thương hiệu, quy trình phân phối cho loại vải này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục