Tiếp nối thành công của nhạc kịch “Alice in Wonderland” (2022), dự án “Shrek The Musical” vừa công diễn tại Hà Nội dường như đã đưa nhạc kịch Việt Nam tiến gần hơn một bước đến đẳng cấp Broadway (Mỹ) bởi đây là dự án đầu tiên được mua bản quyền toàn bộ (full-licensed) từ kịch bản đến âm nhạc của nước ngoài.
Nhà hát Lớn Hà Nội tối 3/11 chật kín khán giả với nhiều quốc tịch khác nhau cùng thưởng thức một tác phẩm nhạc kịch bằng tiếng Anh, có màn hình chạy phụ đề tiếng Việt.
Bên trong cánh gà, cố vấn nghệ thuật của dự án – Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus niềm vui khi góp phần phát triển nhạc kịch Việt Nam.
Nhạc kịch chuẩn Broadway về Việt Nam
- Thưa nghệ sỹ, “Shrek The Musical” là một vở nhạc kịch được mua bản quyền toàn bộ từ nước ngoài. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: “Shrek The Musical” là vở nhạc kịch mang phong cách Broadway đầu tiên công diễn tại Việt Nam, được đơn vị nghệ thuật The YOUniverse mua toàn bộ bản quyền từ tổ chức Music Theatre International (MTI) với mức chi phí cao gấp 5 lần vở “Alice In Wonderland” năm ngoái. Mục tiêu là mang về Việt Nam một tác phẩm tầm cỡ quốc tế và lan tỏa nhạc kịch - loại hình biểu diễn sân khấu nổi tiếng trên thế giới đến với công chúng.
“Alice In Wonderland” được mua bản quyền với phiên bản sân khấu ở quy mô trường học còn “Shrek The Musical” là phiên bản chuyên nghiệp bao gồm cả thiết kế sân khấu, tổng phổ âm nhạc, kịch bản…
Tác phẩm mang đến thông điệp nhân văn, giản dị nhưng khiến chúng ta phải suy nghĩ bởi Shrek và Fiona vốn dĩ không phải hình mẫu nam nữ chính thường thấy trong truyện cổ tích, nhưng họ vẫn có một tình yêu đẹp và “hạnh phúc mãi mãi về sau” - chứng tỏ sức mạnh của tình yêu vượt qua mọi khuôn khổ giới tính và kỳ vọng xã hội.
- Tôi được biết vở nhạc kịch này có nhiều nghệ sỹ nước ngoài tham gia đội ngũ sáng tạo. Liệu việc bỏ kinh phí mời họ tham gia dàn dựng có khiến nhà sản xuất phải “đau đầu” về bài toán doanh thu?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: Đây là dự án nghệ thuật lớn nhất của The YOUniverse trong năm 2023, được đầu tư về mọi mặt, từ chuyên môn, trang phục cho đến sân khấu, dàn dựng chuyên nghiệp và hoành tráng.
Tham gia vở diễn là đội ngũ chuyên gia nhạc kịch Việt Nam-Australia gồm: Đạo diễn Ylaria Rogers, biên đạo Madison Price, Giám đốc âm nhạc Nicholas Gentile, huấn luyện viên thanh nhạc Craig Haggart, đặc biệt, huyền thoại nhạc kịch Broadway Philip Quast cũng tham gia chỉ đạo diễn xuất.
Họ rất hào hứng tham gia khi biết rằng dự án này truyền tải những thông điệp tốt đẹp hướng tới giới trẻ, quan trọng hơn là góp phần giới thiệu nhạc kịch đến với giới trẻ. Với suy nghĩ rằng mình đang có một sứ mệnh hỗ trợ nghệ thuật Việt Nam, họ đã vui vẻ nhận lời. Do đó, tôi cho rằng kinh phí để mời họ không quá “khủng khiếp.”
Về phía đơn vị sản xuất The YOUniverse, họ rất yêu nghệ thuật và cũng mong muốn đầu tư cho những tác phẩm chất lượng. Mà đã làm nghệ thuật thì không thể nghĩ quá nhiều đến kinh tế.
- Để có được một tác phẩm tốt thật không đơn giản. Vậy, đơn vị sản xuất có kế hoạch nào để kéo dài đời sống cho vở nhạc kịch này hay chưa?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: Chắc chắn là chúng tôi rất mong muốn điều đó. Trên thế giới, các vở nhạc kịch được biểu diễn thường xuyên hàng năm trời. Có những vở kinh điển như “Phantom of the opera” (Bóng ma trong nhà hát), “Les Miserables” (Những người khốn khổ), “Miss Saigon” hay “Beauty and the beast" (Người đẹp và quái vật) có đời sống kéo dài hàng chục năm. Đêm diễn nào khán giả cũng đông kín rạp.
Với “Shrek,” chúng tôi kỳ vọng có thể đưa vở diễn đến gần hơn với các em học sinh và các gia đình, mong rằng sẽ có các Mạnh Thường Quân hỗ trợ chúng tôi làm điều đó.
Cần đào tạo nhạc kịch chuyên nghiệp
- Chị có đánh giá như thế nào về “bức tranh” nhạc kịch Việt Nam thời gian gần đây?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: Nhiều năm gần đây, chúng ta đã thấy những tín hiệu vui về sự phát triển của nhạc kịch bao gồm các tác phẩm kinh điển và cả nhạc kịch hiện đại theo phong cách Broadway đã xuất hiện ở nhiều sân khấu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.
Ngoài các vở diễn được mua bản quyền như “Alice in Wonderland” hay “Shrek” thì cũng có các tác phẩm thuần Việt như “Sóng” hay sắp tới có “Viên đá ngũ sắc.”
Có thể nói nhạc kịch đang ngày càng phổ biến hơn trong “thực đơn” nghệ thuật của công chúng.
- Để nhạc kịch Việt Nam phát triển, theo chị còn cần những yếu tố gì?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: Nhạc kịch là bộ môn vô cùng khó bởi đây là sự tổng hòa của âm nhạc, tình huống kịch, bối cảnh sân khấu, ánh sáng, âm thanh, vũ đạo, diễn xuất, lời thoại, cảm xúc của diễn viên.
Như tôi đã nói, làm nhạc kịch vô cùng khó. Chỉ riêng khâu âm thanh thôi cũng rất phức tạp. Khác với âm thanh acoustic trong nhạc giao hưởng, dàn nhạc trong nhạc kịch cần rất nhiều micro để khuếch tán âm thanh. Trong khi đó, trên sân khấu, người kỹ thuật viên âm thanh phải chỉnh âm lượng từng micro cho các diễn viên.
[Vở nhạc kịch 'Shrek' của Broadway sắp được công diễn tại Hà Nội]
Rất nhiều thứ xảy ra cùng lúc trên sân khấu nhạc kịch bao gồm âm thanh, ánh sáng, diễn viên, bài trí sân khấu… nên đạo diễn cũng phải rất đa năng và chuyên nghiệp để kiểm soát mọi thứ.
Hiện nay ở Việt Nam chưa có những nhà hát, sân khấu dành riêng cho nhạc kịch, chưa có diễn viên nhạc kịch chuyên nghiệp cũng như chuyên ngành đào tạo nhân lực cho nhạc kịch.
Chính vì thế mà tôi mong tới đây, các cơ sở nghệ thuật Việt Nam sẽ hướng tới việc đào tạo bộ môn này một cách chuyên nghiệp.
- Cuối cùng, xin chị chia sẻ đôi điều về những dự án nghệ thuật của mình trong tương lai gần?
Nghệ sỹ Ưu tú Đặng Châu Anh: Tôi vẫn đang cộng tác với Tổ chức Liên minh Văn hóa Thế giới Interkultur để phát triển hợp xướng tại Việt Nam. Ngoài ra, tôi tham gia giảng dạy bộ môn Chỉ huy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Hiện tại, tôi tập trung vào việc cố vấn nghệ thuật cho The YOUniverse để phát triển bộ môn nhạc kịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang những vở diễn Broadway có bản quyền về Việt Nam song mục tiêu không phải là giới thiệu những tác phẩm đơn lẻ mà qua đó, chúng tôi muốn nhạc kịch ngày càng phổ biến hơn ở Việt Nam và cộng đồng khán giả của nhạc kịch cũng sẽ hình thành.
Tôi rất có niềm tin vào các nghệ sỹ trẻ Việt Nam. Mặc dù 90% diễn viên trong “Shrek The Musical” là diễn viên không chuyên nhưng các bạn hát bằng tiếng Anh rất hay, giọng tốt, nhảy giỏi, biết diễn xuất. Các bạn dành nhiều tình cảm cho sân khấu và nghiêm túc hoàn thành công việc được giao. Nhờ nuôi dưỡng đam mê với nhạc kịch, các bạn ấy đã góp phần lan tỏa và truyền cảm hứng nghệ thuật đến với mọi người.
- Xin trân trọng cảm ơn nghệ sỹ./.