Trang mạng lowyinstitute.org, Việc ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố nghỉ hưu được đưa ra sớm hơn dự kiến.
Ông Jim Kim được bổ nhiệm vị trí này lần đầu tiên vào năm 2011 và tái đắc cử năm 2016 cho nhiệm kỳ 5 năm, dự kiến kết thúc vào năm 2022.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Jim Kim sẽ làm việc cho đến hết nhiệm kỳ của mình. Thế nhưng ông lại bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ hưu vào ngày 1/2 tới và sẽ làm việc cho một công ty tư nhân về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều gì đang xảy ra?
Trên thực tế, Chủ tịch WB chẳng khác nào “giáo hoàng” của cộng đồng phát triển quốc tế chính thức. Nói cách khác, ông là đại sứ lưu động của WB, với các chuyến công du không ngừng nghỉ trên khắp thế giới, gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng và giới quan chức để thảo luận về các vấn đề phát triển quốc tế.
Chủ tịch WB cũng là người có nhiệm vụ định hình và truyền đạt lối tư duy về phát triển toàn cầu trong giới chính khách. Trước kia, các chủ tịch WB như Robert McNamara và Jim Wolfensohn đã để lại dấu ấn của họ trong cả những thành tựu của ngân hàng cũng như đối với lối tư duy toàn cầu về phát triển quốc tế.
Theo chính sách hiện nay, Chủ tịch WB do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Ông Jim Kim được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm. Nhiều đồn đoán cho rằng ông Jim Kim có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ. Thế nên tuyên bố từ chức của ông dường như là một món quà bất ngờ đối với Trump.
Tự dưng, ông Trump lại có quyền và cơ hội được bổ nhiệm một vị trí chủ tịch mới cho WB. Nếu được lựa chọn, ông Trump giờ thừa dịp này để thúc đẩy WB thực hiện một chương trình nghị sự mang tính bảo thủ hơn trên phạm vi toàn cầu. Và điều bất ngờ là ông Jim Kim lại là người trao cơ hội này cho Trump.
Hàng loạt câu hỏi nhanh chóng nảy sinh. Liệu ông Jim Kim tự nghỉ việc hay do bị đúc thúc? Điều gì đang thực sự xảy ra? Một vị chủ tịch mới của WB sẽ được lựa chọn như thế nào? Và sự thay đổi này sẽ kéo theo những gì?
Báo chí thì dẫn nguồn bạn bè ông Jim Kim nói rằng ông ấy nghỉ việc vì lý do cá nhân chứ không phải bị Chính quyền Trump thúc ép. Nhưng chẳng biết thực hư thế nào. Chủ tịch WB thì luôn giữ mối quan hệ gần gũi với giới chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Còn bộ này thì chỉ cách trụ sở của WB vài trăm mét. Thế nên, khó có thể tưởng tượng được rằng ông Jim Kim không nghe thấy thông điệp gì từ chính quyền Trump.
Còn câu hỏi về vị chủ tịch mới thì sao? Ngay lập tức sẽ xảy ra một cuộc tranh luận ở Washington về người thay thế Jim Kim. Mặt khác, sẽ có những “xôn xao” về sự thay đổi “thần tốc” này. Trong hàng chục năm qua, đã có nhiều ý kiến ở Washington và các nước khác cho rằng cần thay đổi các quá trình truyền thống về lựa chọn những người đứng đầu các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, chính quá trình truyền thống này lại trở nên quá đỗi quen thuộc và phù hợp với đại đa số nước tham gia.
Ông Trump có thể lâu nay đã nói nhiều về việc “tháo nước đầm lầy” (khẩu hiệu chống tham nhũng của Trump) song dịp này ông có thể nhận ra rằng “cái đầm lầy” này lại có lợi cho ông. Đã có những ý kiến ồn ào trong giới chuyên gia ở Washington và ở các nước khác mong muốn người đứng đầu cơ quan quốc tế như WB cần được lựa chọn dựa trên “công trạng.” Ý tưởng này sẽ dễ dàng nhận được nhiều tán đồng song lại vấp phải những rắc rối lớn.
Trước hết, không có sự nhất trí nào về khái niệm “công trạng” chính xác là cái gì. Thứ hai, thực tế là những thỏa thuận hiện nay về việc lựa chọn người đứng đầu các cơ quan quốc tế phản ánh sự cân bằng toàn cầu mà chẳng chính phủ nào muốn thay đổi.
Đã có những vấn đề phức tạp, nhất là liên quan đến tầm ảnh hưởng toàn cầu gia tăng của Trung Quốc, song thực trạng hiện nay phù hợp với mong muốn của đại đa số chính phủ trên thế giới. Do đó, nhiều khả năng là ông Trump sẽ có thể đi đầu trong việc bổ nhiệm vị chủ tịch tiếp theo của WB mà không vấp phải nhiều phản đối.
Chúng ta có thể chờ đợi gì? Kinh nghiệm gần đây với lần những bổ nhiệm của Trump cho các vị trí quốc tế khó có thể mang tính chất khích lệ.
Ông Trump dường như không hề mảy may cho rằng những người mà ông bổ nhiệm cần có vốn liếng dồi dào về các vấn đề quốc tế. Thế nên, điều đầu tiên chờ đợi là vị chủ tịch WB mới sẽ chủ tâm đưa ra một chương trình làm việc mang tính bảo thủ hơn.
Khó có thể nói một cách chính xác chương trình này sẽ là gì, song có thể, vị chủ tịch mới này sẽ muốn WB thu hẹp các chương trình và dự án đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
[Khó khăn trong việc chọn người thay thế Chủ tịch Ngân hàng Thế giới]
Ở khía cạnh tích cực, một chủ tịch mới có thể hỗ trợ những nỗ lực vốn có trước đây của WB nhằm giúp cải thiện cơ sở hạ tầng ở những nước đang phát triển. Đây sẽ là một sự thay đổi có ý nghĩa để đưa vào chương trình làm việc của WB.
Tuy nhiên, rủi ro lớn đối với WB từ vị chủ tịch do ông Trump bổ nhiệm sẽ là việc mất đi uy tín. Đối với các nước trên thế giới, WB vẫn được coi là một thể chế tin cậy.
Nếu một vị chủ tịch mới, do Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, tìm mọi cách để đưa ra một chương trình nghị sự mang tính chất bảo thủ cứng rắn trong hoạt động của WB thì thể chế này sẽ sớm mất đi sự tín nhiệm vốn có. Thế nên, tuyên bố từ chức bất ngờ của ông Jim Kim là một cú sốc đối với hệ thống đa phương. Cú sốc tiếp theo sẽ là từ Trump./.