Mỗi xã một sản phẩm: Tạo hiệu ứng lan tỏa ở các địa phương

Các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề đã được phát triển mạnh, vừa giúp giữ gìn văn hóa vừa nâng cao sinh kế cho người dân.
Vùng sản xuất chè an toàn tại xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP) đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chủ thể sản xuất.

Ở đó, các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm làng nghề đã được phát triển mạnh, vừa giúp giữ gìn văn hóa vừa nâng cao sinh kế cho người dân.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết đến nay, cả nước cả 63 tỉnh, thành phố phê duyệt, triển khai đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương rà soát lại các sản phẩm tiềm năng của mình. Trên cơ sở đó, xác định những việc cần làm để phân loại, đánh giá và phát triển sản phẩm OCOP.

[Đưa công nghệ và chuyển đổi số thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới]

Cả nước hiện có 46 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận 2.169 sản phẩm OCOP, đạt trên 90%  so với kế hoạch là 2.400 sản phẩm; trong đó, có gần 700 sản phẩm 4 sao và 43 sản phẩm đang được Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng xem xét xếp hạng 5 sao.

Ông Nguyễn Minh Tiến cũng cho hay số lượng sản phẩm được đánh giá, công nhận  năm nay có khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra. Nhưng, chương trình hiện không nhấn mạnh về số lượng mà quan trọng là chất lượng, sự lan tỏa của chương trình.

Có được kết quả trên là nhờ những cơ chế, chính sách đã cơ bản hình thành bộ khung để chương trình triển khai, đặc biệt là sự vào cuộc của địa phương. Ngoài ban hành các quyết định về tiêu chí đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Bộ Công Thương cũng ban hành các tiêu chí về điểm bán hàng OCOP. Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản hướng dẫn các ngân hàng hỗ trợ cho vay…

Một điểm đáng chú ý là trong gần 1.300 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP có trên 470 chủ thể, chiếm đến 38% tổng các chủ thể là hợp tác xã. Như vậy, Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm. Ở đó có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, xuất phát từ những sản phẩm truyền thống nhưng người sản xuất đã phát triển ra các sản phẩm mới với sự điều chỉnh các kích cỡ mẫu mã, hương vị cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại… thậm chí ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng.

Nhiều kênh phân phối sản phẩm OCOP đã được hình thành và vận hành có hiệu quả như: BigC, Vinmart, Saigon Co.op. Cùng với đó là hệ thống các sàn thương mại điện tử như: VNpost, Voso.vn, Lazada… đã được các chủ thể OCOP tiếp cận và tham gia tích cực và chủ động…

Là tỉnh có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên Lào Cai sở hữu nhiều sản phẩm đặc sản gắn với văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã có 77 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cộng với việc sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng quốc gia như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát là điều kiện thúc đẩy, quảng bá, giới thiệu, phát triển các loại sản phẩm OCOP.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, đánh giá Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp về chất lượng cũng như vị thế cho sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế.

Với mục tiêu biến khó khăn thành lợi thế, Lào Cai phát triển các sản phẩm đặc thù, bản địa riêng có của tỉnh, cũng như bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hoá các dân tộc.

Trên nền tảng các sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ đầu tư quy hoạch các vùng trở thành có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh cho chế biến.

Những ngành hàng ưu tiên phát triển sẽ khai thác được lợi thế của tỉnh Lào Cai như: giống lúa bản địa có giá trị rất cao, cây dược liệu, rau hoa trái vụ, cây ăn quả gắn với OCOP hoặc với nhà máy chế biến, chè, cá nước lạnh…. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Nước mắm Sa Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được địa phương xây dựng trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Tiến đánh giá chương trình đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, các nhóm người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển các sản phẩm OCOP đã giúp hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác. Đây là sân chơi mà các hợp tác xã có thể phát triển các sản phẩm lợi thế của mình; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy được giá trị truyền thống như các làng nghề thủ công mỹ nghệ…

Tuy có sự phát triển nhanh nhưng do xuất phát từ quy mô sản xuất nhỏ nên còn rất nhiều sản phẩm mong muốn đưa vào các siêu thị, kênh phân phối thì không đáp ứng đủ số lượng. Mặc dù đã có sự hỗ trợ các chủ thể về an toàn thực phẩm, chất lượng nhưng sự hiểu biết và nhận thức của chủ thể sản xuất về vấn đề này còn hạn chế.

Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng thời gian tới cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật; mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục