"Môi trường kinh doanh tốt hơn, sẽ ngày càng có nhiều dự án đầu tư"

Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, nếu môi trường kinh doanh tốt hơn, sẽ ngày càng có nhiều dự án đầu tư trực tiếp từ Anh sang Việt Nam.
Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 16/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy cải cách quy định kinh doanh. Hội thảo kết nối từ điểm cầu Chính phủ Việt Nam tới các điểm cầu của Vương quốc Anh.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, để tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm cải cách quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm cải cách của Vương quốc Anh (thực hiện kiểm soát quy định theo nguyên tắc “1 vào 3 ra”), kinh nghiệm của các nước trong Mạng lưới thực hành quy định tốt ASEAN-OECD và thực tiễn cải cách tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đây là một chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng, được ví như “làn sóng” cải cách thứ 3 tại Việt Nam với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 5 Bộ, ngành: Y tế, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để cắt giảm, đơn giản hóa 666 quy định kinh doanh, gồm 499 thủ tục hành chính; 76 yêu cầu, điều kiện; 33 chế độ báo cáo; 07 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 51 dòng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, phải đề xuất sửa đổi, bổ sung 112 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 08 luật, 45 nghị định và 56 thông tư, thông tư liên tịch.

“Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở cải cách các quy định như cách làm thuần túy trước đây, mà còn tập trung vào cải cách việc thực thi các quy định thông qua việc cải cách các quy định trên thực tế,” ông Ngô Hải Phan cho hay.

Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, Văn phòng Chính phủ Việt Nam đã có cam kết to lớn và mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng. Thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh, nếu môi trường kinh doanh tốt hơn, sẽ ngày càng có nhiều dự án đầu tư trực tiếp từ Anh sang Việt Nam.

Đại sứ Gareth Ward nhìn nhận, Nghị quyết 68 là một trong những chương trình cải cách lớn, thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam với những mục tiêu “tham vọng” để có thể giảm chi phí tuân thủ, giảm các quy định; tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

[Khẩn trương trình Thủ tướng phương án cắt giảm quy định kinh doanh]

Nghị quyết được triển khai có thể đem lại lợi ích tiết kiệm hàng tỷ USD tương tự như Vương quốc Anh đã thực hiện khi cải cách các quy định, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Lấy ví dụ về việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 tại Việt Nam và được cấp chứng nhận vaccine liên thông từ hệ thống của Việt Nam sang hệ thống của Vương quốc Anh, Đại sứ Gareth Ward cho rằng, sự dịch chuyển của các dịch vụ y tế từ trực tiếp sang trực tuyến đã diễn ra và có sự chuyển đổi rất lớn trong bối cảnh COVID-19, và cần đổi mới sáng tạo nhiều hơn trong lĩnh vực số để giải quyết các vấn đề như vậy trong cuộc sống.

Thông tin về tình hình thực hiện Nghị quyết 68, ông Vũ Ngọc Dũng, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối khoa giáo, văn xã (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) cho biết, năm 2021 đã cắt giảm 42 điều kiện kinh doanh; bãi bỏ 699 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 300 thủ tục hành chính.

Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA (SCG) của tập đoàn SCG (Thái Lan) hoạt động tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo Nghị quyết 68 sẽ mang lại 5 lợi ích lớn về cải cách hành chính. Đó là, hình thành Cơ sở dữ liệu và Cổng tham vấn quy định kinh doanh để quản lý quy định kinh doanh và tham vấn ý kiến hiệp hội, doanh nghiệp; giúp lượng hóa toàn bộ chi phí xã hội phải bỏ ra để thực hiện các quy định theo cách tiếp cận mô hình chi phí chuẩn của các nước OECD; giúp theo dõi, đánh giá và giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực, đặc biệt lượng hóa được kết quả cải cách của từng bộ, ngành.

Đồng thời, hỗ trợ, quản lý, theo dõi việc cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế để kiểm soát việc ban hành quy định; nâng cao hiệu quả cải cách, chất lượng các quy định kinh doanh.

Tại hội thảo, đại biểu đã nghe các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh và Ban Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy cải cách và thiết kế dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp; những kinh nghiệm trong việc giảm gánh nặng hành chính và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giảm gánh nặng hành chính, bà Rachel Holloway, chuyên gia cải cách quy định, Bộ Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp (Vương quốc Anh) cho biết, phải tối đa hóa lợi ích, giảm tối thiểu chi phí phát sinh từ việc thực hiện các quy định cũng như các rào cản gia nhập thị trường.

Các quy định có chất lượng tốt sẽ bảo vệ được người tiêu dùng và giúp họ thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới sáng tạo từ các nhà cung ứng. Nếu quy định không tốt sẽ gây tổn hại đến người tiêu dùng. Ở khía cạnh khác, nếu quy định quá mức sẽ bóp nghẹt cạnh tranh, không thúc đẩy tăng trưởng vì chi phí bỏ ra quá lớn để có thể tuân thủ các quy định quá chặt chẽ.

Vương quốc Anh có sáng kiến cải tiến các quy định, mang tên Better Regulation. Đây là một chương trình nghị sự quan trọng của Chính phủ, được sự ủng hộ của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhằm tháo gỡ gánh nặng quan liêu cho doanh nghiệp và giảm tải cho cán bộ dịch vụ hành chính.

Chương trình nhằm đánh giá hiệu quả của quy định, các chi phí cho khu vực công, tư nhân hay khu vực thứ ba khi thực hiện các quy định; cải thiện khung pháp lý hiện tại thay vì đưa ra một loạt quy định mới.

Chương trình cũng giúp người dân hiểu và tuân thủ pháp luật; thay đổi nhận thức về hệ thống pháp luật; thuyết phục các cơ quan quản lý rằng vai trò của họ là giúp đỡ và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ, thay vì phát hiện và trừng phạt những doanh nghiệp không tuân thủ.

Sản xuất linh kiện điện, điện tử tại Công ty TNHH linh kiện tự động Minda Việt Nam (vốn đầu tư của Ấn Độ) tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách thay đổi văn hóa của Chính phủ và các cơ quan quản lý, đồng thời cung cấp cho các bộ và lãnh đạo bộ những công cụ và quy trình để tiếp cận quy định một cách xây dựng.

Đưa ra những bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy cải cách, chuyên gia này cho rằng, phải hiểu rõ mục tiêu của chiến lược cải cách, thường xuyên đánh giá thành tích, xác định và khắc phục các lĩnh vực đang chậm tiến độ; có sự chỉ đạo quyết liệt và sự tham gia của các bên liên quan trong chính phủ và doanh nghiệp; thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình rõ ràng và xác lập trình tự ưu tiên; khả năng quản lý - biết những quy định, chính sách nào đang hiệu quả hoặc không hiệu quả.

“Đây là một quá trình lâu dài, không phải chạy nước rút,” bà Rachel Holloway nhìn nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục