Việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ vài giờ sau khi có thông báo về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới AUKUS (Australia, Anh và Mỹ) có thể là ngẫu nhiên hoặc có thể không.
Dù vậy, cả hai sự kiện đều minh họa cho môi trường địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bài phân tích của tác giả Ian Hill về yếu tố Trung Quốc đối với AUKUS và CPTPP được đăng trên trang của Viện Nghiên cứu Chính sách Lowy, Australia.
AUKUS là một thỏa thuận quan trọng
Đối với những quốc gia đề xuất, AUKUS là một phản ứng thận trọng, thực tế và có tầm nhìn xa đối với mối đe dọa hiện hữu mà Australia nhận thấy trong môi trường chiến lược đang phát triển và ngày càng căng thẳng đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giống như nhiều quốc gia khác, Australia đang lo lắng trước cách tiếp cận mạnh mẽ hơn mà Trung Quốc đang thực hiện. Để đối phó với thách thức này, Mỹ vẫn coi Canberra như một đối tác không thể thay thế.
Đối với Mỹ, AUKUS là một chiến thắng. Thỏa thuận này cho thấy mức độ ưu tiên của Washington đối với việc tăng cường hợp tác cùng các đồng minh quan trọng và tăng cường khả năng quân sự để hỗ trợ ngăn chặn các thách thức an ninh trong khu vực.
Trong khi đó, quan hệ đối tác “mãi mãi” đặc biệt mang tính hệ quả đối với Australia. Australia, một đồng minh chiến lược và tin cậy lâu đời ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nước này đóng vai trò lớn trong các tính toán khu vực của Washington.
[Những ẩn ý đằng sau liên minh mới Mỹ-Anh-Australia]
Trong khi đó đối với Anh, AUKUS là một biểu hiện hữu hình về tham vọng toàn cầu của nước Anh thời kỳ hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đồng thời củng cố trọng tâm xoay trục mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. AUKUS đã khẳng định vị thế của Anh như một đối tác thân thiết và đáng tin cậy của Mỹ.
Sự chú ý của quốc tế tập trung vào cam kết của Mỹ và Anh trong việc hợp tác cung cấp cho Australia một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây chắc chắn là một động thái quan trọng và có ý nghĩa chiến lược lớn đối với Australia.
Cùng với kế hoạch mua lại các tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ nâng cao đáng kể khả năng tấn công tầm xa của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF). Các tàu ngầm hạt nhân có tốc độ, khả năng tàng hình và tầm hoạt động lớn hơn.
Tuy nhiên, thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chỉ là "khoản cổ tức" ban đầu. Điều quan trọng hơn là sự hợp tác ba bên sâu sắc hơn mà AUKUS dự báo trước trong việc phát triển các khả năng nâng cao trong các lĩnh vực như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Các dấu hiệu ban đầu là AUKUS sẽ nhận được hưởng sự hỗ trợ đáng kể, nếu không muốn nói là đầy đủ, của lưỡng đảng ở Australia. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Canberra đã ký vào thỏa thuận “lịch sử” này mà không có bất kỳ cuộc thảo luận trước Quốc hội hoặc công khai nào.
AUKUS không phải là không có chỉ trích và rủi ro
AUKUS thể hiện một sự thay đổi mang tính quyết định đối với mục tiêu hội nhập quân sự chặt chẽ hơn của Australia và sự phù hợp trong chính sách đối ngoại với Mỹ.
Tại thời điểm khi mà chia rẽ chính trị và bất ổn tiếp tục diễn ra ở Mỹ, một số người cho rằng AUKUS là một canh bạc đối với việc Mỹ duy trì quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, việc sở hữu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay vì thông thường sẽ khiến Australia phụ thuộc vào Mỹ và Anh để hỗ trợ công nghệ đẩy hạt nhân. AUKUS có thể nâng cao kỳ vọng của Mỹ về sự liên kết và hỗ trợ chặt chẽ hơn từ Canberra không chỉ trong vấn đề Trung Quốc. Do đó, AUKUS có thể tạo ra sự hạn chế đối với Australia trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn.
Đặc biệt, nếu những chiếc tàu ngầm này được ưu tiên sản xuất trong nước, các tàu ngầm mới của Australia sẽ không thể được đưa vào hoạt động sớm. Trong khi đó, bất kỳ khoảng trống nào về năng lực có thể sẽ được lấp đầy bằng việc triển khai mở rộng các khí tài hải quân và không quân của Mỹ tới Australia.
Thỏa thuận tàu ngầm có thể làm gia tăng tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi có khả năng sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu cao (HEU). Việc mua tên lửa hành trình của Australia có thể bị nghi ngờ theo Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Mặc dù những vấn đề này có thể quản lý được trong trường hợp của Australia, song chúng có nguy cơ đặt ra những tiền lệ không tốt.
Phản ứng đa chiều của quốc tế đối với AUKUS
Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã hoan nghênh mạnh mẽ AUKUS như một bằng chứng hiển nhiên về sự sẵn sàng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Trong khi đó, New Zealand và hầu hết các nhà bình luận cho rằng việc không bao gồm đối tác liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes) như New Zealand trong AUKUS là không có gì đáng ngạc nhiên, do tình trạng phi hạt nhân hóa và sức tấn công quân sự hạn chế, mặc dù điều này cũng bị một số người chỉ trích là đáng thất vọng.
Về lâu dài, AUKUS tập trung phát triển các khả năng phòng thủ tiên tiến hàng đầu, chẳng hạn như không gian mạng và trí tuệ nhân tạo. Điều này có nguy cơ tạo ra một lỗ hổng trong khả năng tương tác tiềm ẩn của New Zealand, do mối quan hệ an ninh chặt chẽ với cả ba đối tác AUKUS, đặc biệt là Australia.
AUKUS cũng đã gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ Paris vì lý do thương mại (Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm thông thường từ Pháp) và các lý do chiến lược, vì thỏa thuận với Australia là một yếu tố quan trọng trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp.
Liên minh châu Âu (EU) cũng phát hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình cùng ngày với thông báo của AUKUS. Tương tự với Pháp, AUKUS đã khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ không vừa lòng và chắc chắn sẽ thúc đẩy các lời kêu gọi giành quyền tự chủ chiến lược lớn hơn.
Trong khi đó, có thể đoán trước được rằng Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực với AUKUS. Tuy nhiên, vì Australia sẽ chỉ có được những khả năng mà Trung Quốc đã phát triển với tốc độ cao trong những năm gần đây, nên Bắc Kinh khó có cơ hội để chỉ trích Canberra.
Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận an ninh cứng rắn trong khu vực, Bắc Kinh đã cho thấy nỗ lực gia nhập CPTPP. Điều này thể hiện cam kết hợp tác của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ.
Thật trớ trêu khi CPTPP - ban đầu được Mỹ coi là phương tiện để đối trọng với Trung Quốc - giờ lại được Bắc Kinh coi là một cách để nâng cao sức nặng kinh tế và ảnh hưởng trong khu vực.
Hơn nữa, điều này được đặt lên hàng đầu sau khi Trung Quốc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại thậm chí còn rộng hơn, bao gồm cả Trung Quốc (nhưng không phải Mỹ), nhằm thúc đẩy dòng chảy thương mại khu vực được cải thiện và kết nối chuỗi cung ứng.
Có thể thấy, việc Washington không tham gia vào các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực đã ngăn cản Mỹ thách thức một cách hiệu quả các cách tiếp cận của Bắc Kinh trong khu vực. Khi chỉ tập trung hạn chế vào việc răn đe an ninh đối với Trung Quốc, đồng thời tránh một con đường rộng lớn hơn bao gồm hội nhập kinh tế và thương mại với các quốc gia Đông Á, Washington có thể đã bỏ lỡ những cơ hội.
Trong khi đó, giả sử các thành viên CPTPP đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Trung Quốc và Anh, các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ có khó khăn trong các vấn đề như trợ cấp nhà nước, giải quyết tranh chấp và luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Với AUKUS và CPTPP, môi trường địa chiến lược đang chuyển dịch và chuyển động nhanh và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở nên khốc liệt hơn./.