Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 đang được tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An), phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, về một số nội dung cụ thể của diễn đàn, đặc biệt là vấn đề xây dựng hệ thống luật pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Vietnam+ xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
- Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân năm nay có điểm nhấn gì về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức và đến nay đã tổ chức lần thứ 7.
Nội dung đầu tiên của Diễn đàn như thường lệ, chúng tôi tham vấn ý kiến chuyên gia về báo cáo thẩm tra kinh tế-xã hội của chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội.
Nội dung thứ hai, chúng tôi thường chọn một chuyên đề bức xúc của nền kinh tế, đặc biệt của doanh nghiệp. Lần này chúng tôi chọn chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh” nhưng thêm cụm từ là “Biến lời nói thành hành động.”
"Slogan” này đã được Việt Nam chọn và sử dụng cho Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới 132 vừa được tổ chức tại Việt Nam và đã được bạn bè quốc tế rất ủng hộ. Chủ đề này chúng tôi mong muốn và khẳng định những gì chúng ta nói cần phải biến thành hành động, nói đi đôi với làm.
Mục tiêu của chúng tôi khi đưa ra chủ đề cần có sự đồng thuận cao kể cả mặt được và chưa được. Các nội dung được thảo luận phải được đánh giá thẳng thắn, chứ không nên đánh giá theo cách ca ngợi hay chỉ trích làm phức tạp vấn đề.
Các chuyên đề đặt ra tại diễn đàn chúng tôi kỳ vọng sau phải được cải thiện rõ nét vì sau khi các chuyên gia đánh giá, đề xuất tại diễn đàn, các nhà quản lý sẽ phải tiếp thu để chỉnh lý theo hướng tốt hơn.
- Ông đánh giá như thế nào về việc hoàn thiện hệ thống luật pháp của Việt Nam thời gian qua?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Chủ đề trọng tâm của diễn đàn năm nay là bàn về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh. Trong thời gian qua, Việt Nam vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với hệ thống pháp luật rất đồng bộ từ Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng.
Những luật mới này đã được Quốc hội thông qua với tư duy mới là minh bạch, cụ thể, đọc là hiểu ngay và hạn chế tối đa việc giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể.
Các luật mới, dường như cập nhật những vấn đề ổn định trong thực tiễn và được ghi cụ thể trong luật. Điều này khác so với trước đây vì những luật mới được ban hành bao gồm những vấn đề rất cụ thể, chi tiết.
Các luật liên quan đến kinh tế mới ban hành chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rất cụ thể, có những luật quy định rõ số ngày số giờ cho doanh nghiệp. Có những luật đã có hiệu lực, hoặc có những luật sẽ có hiệu lực trong tháng Bảy tới.
Với tính thần đổi mới, cải cách việc xây dựng pháp luật trong thời gian qua, những luật này sẽ đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Thể chế thì tốt rồi nhưng vấn đề còn lại là vấn đề cải cách hành chính. Vấn đề lo ngại hiện nay là đội ngũ công chức trong lĩnh vực hành chính công, dịch vụ có thực hiện tốt hay không.
- Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng việc cải cách thể chế cần có lộ trình nhất định không thể gấp, nếu không sẽ tạo ra cú sốc về cải cách, ông nghĩ thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Văn Giàu: Quá trình hoàn thiện thế chế bằng luật pháp tại Việt Nam là một quá trình chứ không phải thực hiện trong thời gian quá gấp nên sẽ không có cú sốc nào.
Một loạt các luật mới ban hành đều có một quá trình nhất định, như Luật Đất đai đã ban hành ra cuộc sống nhưng còn nhiều vấn đề khúc mắc nên cần phải hoàn thiện hơn. Các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cũng vậy, hoàn toàn không có cú sốc nào về thể chế. Điều này cũng đã được các tổ chức tư vấn quốc tế cho Việt Nam về một số án luật đánh giá cao về quá trình hoàn thiện luật vừa qua. Họ đều đánh giá quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua là tiến bộ và hoàn toàn phù hợp với Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông./.