Mối quan ngại về nguồn cung và tiêu thụ dược phẩm trong dịch COVID-19

Các hãng dược phẩm khổng lồ như AstraZeneca, Merck, và Pfizer đã bày tỏ lo ngại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới tình hình cung ứng và tiêu thụ một số loại thuốc.
Nghiên cứu nhằm chế tạo dụng cụ phát hiện nhanh virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm của Công ty công nghệ sinh học ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một số hãng dược phẩm hàng đầu thế giới đã bắt đầu cảnh báo các doanh nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn lan rộng.

Mới đây các hãng khổng lồ như AstraZeneca, Merck, và Pfizer đã bày tỏ lo ngại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới tình hình cung ứng và tiêu thụ một số loại thuốc, đồng thời cho biết tình trạng này sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch kéo dài trong bao lâu.

Theo báo Wall Street Journal, nhằm đi tắt đón đầu tình hình chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở Trung Quốc, các công ty dược phẩm đã chủ động tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu khác để thay thế.

Các công ty cũng đã bắt đầu phải tính tới những ảnh hưởng tiềm ẩn của dịch COVID-19 trong thời gian sắp tới, mặc dù trong những tuần vừa qua họ vẫn tuyên bố đang theo dõi sát sao hệ thống phân phối của mình và đảm bảo có đủ nguồn cung.

Trên thực tế, các công ty dược đều muốn né phải trao đổi về tình hình hoạt động của các chuỗi cung cung cấp nguyên liệu cho họ nhưng do sức ép từ Ủy ban Chứng khoán yêu cầu họ phải công khai thêm thông tin, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lan rộng, nhất là bởi dịch bệnh lại bắt đầu bùng phát từ Trung Quốc vốn là trung tâm cung ứng hoạt chất dược phẩm và tá dược, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ thuốc có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

[Dịch COVID-19 đang đe dọa nguồn cung kháng sinh toàn cầu]

Chủ tịch công ty Mylan NV, ông Rajiv Malik mới đây cho hay: “Toàn bộ ngành dược của chúng ta đều liên quan tới Trung Quốc, dù bằng cách này hay cách khác.”

Do vậy, một số sản phẩm của công ty sẽ thiếu hụt trong thời gian tới, nếu tình hình dịch vẫn tiếp tục trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ông Malik cũng khẳng định 25 sản phẩm chủ lực của hãng Mylan không phụ thuộc vào Trung Quốc hoàn toàn và ông bày tỏ tin tưởng công ty của mình có thể tìm được nguồn cung nguyên liệu thay thế cho những nguyên liệu trước đây do Trung Quốc cung cấp.

Hãng Pfizer cũng thừa nhận dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung của hãng và kết quả kinh doanh đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới. Pfizer cho biết, phần lớn thành phẩm và nguyên liệu sản xuất của hãng được phân phối và mua từ nhiều nơi khác nhau chứ không chỉ từ Trung Quốc, do đó đến thời điểm này, công ty vẫn chưa bị rơi vào tình trạng đứt gẫy nguồn cung.

Trong khi đó, mặc dù có sử dụng một số nguyên liệu từ Trung Quốc, song hãng Teva Pharmaceutical Industries Ltd cũng có hệ thống sản xuất hoạt chất dược phẩm và tá dược không đặt ở Trung Quốc và cũng không đặt ở châu Âu.

Vì thế, nếu tình hình cung ứng ở Trung Quốc có vấn đề thì hãng có ngay nguồn khác để thay thế, Giám đốc điều hành của hãng, ông Kare Schultz, cho hay.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 đối với tình hình sản xuất dược phẩm rõ ràng là đáng lo ngại khi mà Trung Quốc từ lâu đã đóng vai trò là nhà cung ứng lớn các loại hoạt chất dược phẩm và tá dược.

Theo ông Steven Lynn, một cựu quan chức từng công tác tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vấn đề không đơn giản chỉ là chuỗi cung mà quy trình sản xuất của các hãng lớn hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào các nơi trên khắp thế giới cho nên nếu một khu vực gặp vấn đề thì nhà sản xuất cũng lập tức gặp khó.

FDA hôm 27/2 cho biết, hiện có một loại thuốc đang khan hiếm do nhà sản xuất không có được nguyên liệu cần thiết ở khu vực đang bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, FDA không tiết lộ tên thuốc này là gì và công ty nào là nhà sản xuất.

Hiện chưa rõ các hãng dược khổng lồ đa quốc gia phụ thuộc vào hoạt chất dược phẩm và tá dược sản xuất tại Trung Quốc ở mức nào, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho biết có tới 80% lượng nguyên liệu dùng cho ngành dược được nhập khẩu từ các nước khác ngoài Mỹ.

Mấy năm gần đây Trung Quốc cũng nổi lên là một trong những thị trường lớn nhất tiêu thụ sản phẩm dược.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu dữ liệu ngành y dược Iqvia, doanh thu dược phẩm ở Trung Quốc đã đạt con số 137 tỷ USD vào năm 2018, và sẽ tăng trưởng ở mức 3-6%/năm trong vòng vài năm tới.

Hãng AstraZeneca cho biết, Trung Quốc đóng góp vào khoảng 21% doanh thu bán hàng của hãng trong năm 2019, nhưng hồi tháng trước công ty đã phải dự báo tình hình kinh doanh của hãng trong năm 2020 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do dịch bệnh hô hấp cấp hoành hành.

Hãng Merch nhận định doanh thu quý I/2020 của hãng sẽ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là điều chắc chắn và hiện hãng chưa thể biết liệu đợt dịch này có ảnh hưởng tới doanh thu cả năm 2020 hay không.

Tuy nhiên, Merck khẳng định ảnh hưởng của dịch bệnh này đối với hãng vẫn đang ở mức hạn chế.

Trong khi đó, giới thạo tin trong ngành dược khẳng định tình hình đứt gãy chuỗi cung nguyên liệu sẽ còn xảy ra ở nhiều nước khác nữa bởi quy mô sản xuất của ngành dược hiện nay liên quan tới quá nhiều nơi trên thế giới.

Một số công ty Trung Quốc hiện đã ngừng cung ứng nguyên liệu cho các hãng sản xuất thuốc ở Ấn Độ vì virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, ngành sản xuất thuốc generic (thuốc có hoạt chất tương ứng thuốc gốc) của Ấn Độ mà hiện cung cấp tới 40% lượng thuốc generic tiêu thụ ở Mỹ lại phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung hoạt chất dược phẩm từ Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục