Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bước vào kỷ nguyên mới?

Theo trang mạng euractiv.cz, việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng có thể được xem là mở ra một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận của NATO ở Nemirseta, Lithuania. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong kỷ nguyên mới là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo về tương lai mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương diễn ra ở thủ đô Prague (Cộng hòa Séc) trong tháng Chín vừa qua.

Theo trang mạng euractiv.cz, việc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng có thể được xem là mở ra một kỷ nguyên mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Ông đã liên tục hối thúc các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhanh chóng tăng chi tiêu quốc phòng, nếu không họ sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả nhấn mạnh mối quan quan hệ xuyên Đại Tây Đương đã diễn ra tốt đẹp trong một chặng đường dài kể từ thời Chiến tranh Lạnh, song hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do quan điểm khác biệt giữa Mỹ và các nước châu Âu trong NATO về vấn đề tăng ngân sách quốc phòng.

Tháng 7/2018, các nước châu Âu đã cam kết sẽ dần tăng mức chi tiêu quốc phòng lên đến 2%, song ông Trump vẫn hối thúc những nước này phải tăng nhiều và nhanh hơn nữa.

Đáng chú ý, vai trò của Đức trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hiện nay là tâm điểm của các cuộc thảo luận tại hội thảo.

[Kỷ nguyên siêu cường sắp kết thúc, chủ nghĩa đa phương sẽ thay thế?]

Theo nhà phân tích của Hội đồng Đối ngoại Đức (DGAP) Jana Puglierin, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững mạnh và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Đức. Tuy nhiên, hiện tại, những mối quan hệ này đang đứng trước khó khăn. Nhiều người Đức cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm tới mối quan hệ với châu Âu dưới góc độ “cuộc chạy đua vũ trang,” trong khi đó dư luận Đức không muốn tái diễn điều này.

Tổng thống Trump chỉ trích Đức chi tiêu chưa đủ cho quốc phòng (chỉ dành hơn 1% GDP cho quốc phòng so với hơn 4% của Mỹ). Trong khi đó, Đức muốn dành nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác thay vì tập trung vào quốc phòng.

Theo nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu (George C. Marshall) Andrew Michta, việc đầu tư kinh phí vào cơ sở hạ tầng trong tương lai là cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai các công nghệ quân sự khắp châu Âu một cách nhanh chóng hơn.

Về tương lai quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cựu Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow cho rằng hiện châu Âu quá phụ thuộc vào Mỹ. Do đó, châu Âu nên tập trung tăng cường năng lực của riêng mình và hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng với Mỹ.

Tuy nhiên, Tomas Pojar - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu CEVRO - lại cho rằng ý tưởng này khó có thể trở thành hiện thực vì châu Âu có những hạn chế nhất định. Một Liên minh châu Âu mạnh hơn sẽ có lợi cho Séc, nhưng châu Âu sẽ không bao giờ là đối tác ngang bằng với NATO/Mỹ. Châu Âu có thể tự cân bằng trong lĩnh vực kinh tế, nhưng không thể tự cân bằng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Lực lượng quân đội châu Âu có thể sẽ không bao giờ làm được điều này.

Cùng chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích Rainer Mayer zum Felde thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Geneva cho rằng EU và NATO/Mỹ không thể là hai thực thể tách biệt cũng như không thể là kẻ thù của nhau.

Mặc dù trước mắt mối quan quan hệ xuyên Đại Tây Đương gặp nhiều sóng gió, song về lâu dài, mối quan hệ này sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực để đáp ứng lợi ích chung. Trên thực tế, quan hệ giữa châu Âu và Mỹ/NATO là mối quan hệ tương hỗ và cùng chia sẻ nhiều giá trị chung. Đặc biệt, EU có tiềm lực về kinh tế và ngoại giao, trong khi Mỹ có thế mạnh về quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục