Mối quan hệ khó khăn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời của ông Biden

Cảm tình của Biden với Hy Lạp - kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ - đã có từ rất lâu và rất sâu sắc, tới mức ông từng tự nhận mình là người Hy Lạp danh dự. Tất nhiên, điều đó khiến Ankara không thể yên tâm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo trang mạng welt.de, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chúc mừng Joe Biden - người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua - rất muộn.

Đó là vì có những lý do riêng trong mối quan hệ cá nhân giữa họ. Giờ đây, người đàn ông mạnh mẽ bên bờ eo biển Bosporus đang bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt và những mối nguy hiểm riêng.

Ngày 17/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công du đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm này đánh dấu sự kết thúc có phần lạnh nhạt của mối quan hệ nồng ấm đáng kinh ngạc giữa chính quyền Ankara dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Erdogan với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại thành phố Istanbul, ông Pompeo đã gặp Thượng phụ Bartholomew I, người đứng đầu Giáo hội chính thống Hy Lạp, người luôn cảm thấy bị chính quyền Tổng thống Erdogan đối xử bất công.

Trong chương trình nghị sự lần này, Ngoại trưởng Pompeo không có các cuộc hội kiến với bất kỳ quan chức hàng đầu nào của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp lời mời trước đó của Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ trích sự can thiệp của Ankara vào các cuộc xung đột tại Lybia, Nagorny-Karabakh và có hành động làm căng thẳng tình hình ở Đông Địa Trung Hải. Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chúng tôi lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sử dụng khả năng quân sự của mình. Chúng tôi đã bày tỏ mối quan ngại của mình cả công khai lẫn trên phương diện cá nhân.”

Ở đây, mặc dù Ngoại trưởng Pompeo sử dụng từ “chúng tôi”, nhưng có vẻ như cấp trên của ông, Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, lại có sự nhìn nhận khác.

[Thêm một khúc mắc mới trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ]

Trong chuyến thăm của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tới Mỹ hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Trump đã nói về Tổng thống Erdogan: “Ông ấy là bạn tôi. Tôi rất vui vì chúng tôi chưa bao giờ có vấn đề gì với nhau. Ông ấy là một người lãnh đạo cứng rắn, một người đàn ông mạnh mẽ và làm những điều đúng đắn. Tôi đánh giá cao điều đó, và trong tương lai tôi cũng vẫn đánh giá cao điều đó.”

Trên thực tế, mặc dù có nhiều xích mích, nhưng ông Trump luôn hướng đến mối quan hệ tốt đẹp với ông Erdogan. Năm 2019, Tổng thống Trump đã để cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở Đông Bắc Syria, vốn là đồng minh của Mỹ.

Khi Quốc hội Mỹ yêu cầu trừng phạt Ankara vì đã mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, Tổng thống Trump đã ngăn chặn các lệnh trừng phạt.

Trong số các mối quan hệ quốc tế của ông Trump, có lẽ mối quan hệ với Tổng thống Erdogan có nhiều mâu thuẫn nhất, nhưng nó vẫn phát triển tốt.

Một trong những nguyên nhân của điều này có thể là việc gia đình Tổng thống Trump vẫn đang kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ; và năm 2015, Tổng thống Erdogan đã tham dự lễ khánh thành tòa tháp Trump ở Istanbul. Ngoài ra, con rể của Tổng thống Trump và Tổng thống Erdogan là Jared Kushner và Berat Albayrak có mối quan hệ tốt với nhau.

Thông điệp rõ ràng từ ông Biden

Ngược lại, dưới thời chính quyền ông Biden, Ankara có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong mối quan hệ với Washington. Cả quan hệ cá nhân giữa ông Erdogan với ông Biden cũng vậy. Trước cuộc bầu cử, ông Biden thường chỉ đưa ra những lời lẽ chung chung về chính sách đối ngoại của mình.

Nhưng khi nói tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã có những tuyên bố rõ ràng với tư cách ứng cử viên tổng thống. Ví dụ, về cuộc xung đột ở Đông Địa Trung Hải, nơi Tổng thống Erdogan sử dụng lực lượng hải quân và không quân để tranh giành tài nguyên dầu khí với Hy Lạp và Cyprus, tuyên bố của nhóm vận động tranh cử của ông Biden về mối quan hệ Mỹ-Hy Lạp có đoạn viết: “Khác với Tổng thống Trump, ông Joe Biden sẽ phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và nghĩa vụ của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như làm tổn hại tới Hy Lạp.”

Ông Biden sẽ hợp tác cùng Hy Lạp vì sự ổn định ở Đông Địa Trung Hải, ông cũng luôn chống lại việc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng lãnh thổ của Cộng hòa Cyprus. Ông Biden còn phản đối việc chính quyền ông Erdogan chuyển đổi bảo tàng Hagia Sophia ở thành phố Istanbul thành nhà thờ Hồi giáo.

Cảm tình của ông Biden với Hy Lạp - kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ - đã có từ rất lâu và rất sâu sắc, tới mức ông từng tự nhận mình là người Hy Lạp danh dự. Tất nhiên, điều đó khiến Ankara không thể yên tâm.

Những vấn đề căng thẳng: Armenia và ngân hàng Halkbank

Nhưng với ông Erdogan, quan hệ không tốt với ông Biden cũng còn vì những lý do khác. Trước đây, trong vai trò cố vấn thân cận của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã ủng hộ quyết định liên minh với người Kurd ở Syria và tích cực hỗ trợ họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên chỉ trích việc Mỹ cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS). Ông Erdogan luôn nói rằng Washington hỗ trợ một tổ chức khủng bố để chống lại một tổ chức khủng bố khác.

Thời điểm đó, chính Biden đã cáo buộc ông Erdogan góp phần tạo ra IS bằng cách cho phép số lượng lớn chiến binh Hồi giáo vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tới Syria. Sau đó, ông Biden đã gửi lời xin lỗi Ankara. Nhưng các nhà quan sát cho rằng với cương vị tổng thống, ông Biden có thể sẽ nối lại liên minh với người Kurd.

Hai sự kiện tới đây sẽ gây căng thẳng hơn nữa cho mối quan hệ giữa Ankara và Washington. Sự kiện thứ nhất vào ngày 24/4/2021. Vào ngày này hàng năm, người Armenia đều tưởng niệm vụ việc quân đội Vương quốc Ottoman giết hại hàng loạt đồng bào của họ vào năm 1915.

Tháng 4/2020, ông Biden đã hứa rằng nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông sẽ công nhận hành động tàn bạo này là tội ác diệt chủng.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực chống lại một sự công nhận như vậy trên bình diện quốc tế, và chính phủ ông Erdogan cũng đàn áp tất cả những dân trong nước dám đề cập công khai sự việc này.

Nếu ông Biden thực hiện lời hứa của mình vào ngày tưởng niệm tới đây, chắc chắn Ankara sẽ có phản ứng gay gắt.

Sự kiện thứ hai là phiên tòa xét xử Ngân hàng Halkbank của Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc lừa đảo, rửa tiền và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran, sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 1/3/2021 tại New York.

Theo các công tố viên, Halkbank đã cho phép Iran tiếp cận nhiều quỹ có trị giá xấp xỉ 20 tỷ USD trong khi che giấu nhà chức trách Mỹ về hoạt động này.

Nếu các lệnh trừng phạt Iran cũng được ban hành để chống lại Halkbank trong tương lai, vụ việc này sẽ trở thành vấn đề chính trị quốc tế, trong đó tên của ông Erdogan và người thân trong gia đình ông cũng sẽ được nhắc tới.

Biden muốn chống lại Nga

Các biện pháp trừng phạt của Quốc hội Mỹ do Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có thể sẽ sớm có hiệu lực nếu ông Biden không ngăn cản như người tiền nhiệm Donald Trump. Đa số các thượng nghị sỹ đảng Dân chủ và nhiều thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ.

Trái ngược với ông Trump, ông Biden tuyên bố rằng sẽ chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trên trường quốc tế. Không có nơi nào trên thế giới mà sự bành trướng của Nga rõ ràng và mạnh mẽ hơn ở Trung Đông. Tại đây, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác không thể thay thế của Mỹ.

Thế nhưng, chính quyền ông Erdogan lại ngày càng hướng về Moskva. Sẽ chỉ hợp lý khi ông Biden nỗ lực đảo ngược xu hướng này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông cần phải đưa ra những nhượng bộ. Trong thực tế, có thể ông Biden cũng có mối quan hệ cá nhân với ông Erdogan.

Ông đã gặp Thổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần. Năm 2016, Tổng thống Obama đã cử cấp phó của mình tới Ankara để làm nguôi cơn giận của ông Erdogan về cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016.

Về phần Ankara, một số nhà quan sát ở Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rằng việc con rể của ông Erdogan là Berat Albayrak từ chức Bộ trưởng Tài chính có lẽ là một cử chỉ nhượng bộ của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính phủ mới của Mỹ. Lực lượng đối lập nước này cũng đang hy vọng rằng ông Erdogan có thể thả một số tù nhân chính trị như một động thái tiếp theo để "làm đẹp lòng"ông Biden.

Mục tiêu của ông Biden

Mặc dù vậy, rõ ràng Ankara cảm thấy lo lắng với chiến thắng của ông Biden. Một đại diện của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara rất lo ngại về việc Mỹ có thể áp các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Thực tế, ông Erdogan chỉ chúc mừng Biden sau khi hầu hết các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu đã gửi lời chúc mừng trước đó. Một số mâu thuẫn cơ bản giữa hai vị tổng thống này thật khó để có thể vượt qua.

Một trong những cáo buộc chính trong chiến dịch tranh cử của ông Biden đối với Donald Trump là “ve vãn các nhà lãnh đạo độc tài”, cáo buộc này cũng áp dụng đối với trường hợp của ông Erdogan.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times tháng 12/2019 được công bố mới đây, ông Biden thậm chí còn nói rằng Washington phải thiết lập lại liên lạc với phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ như ông đã làm. Ông nói thêm: “Chúng tôi có thể thúc đẩy những yếu tố đó trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và đạt được nhiều điều hơn với họ, khuyến khích họ đối mặt với ông Erdogan và giành chiến thắng trước ông ấy, không phải thông qua đảo chính mà thông qua hệ thống bầu cử.”

Tất nhiên, nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ rất muốn hợp tác với ông Biden để thực hiện một dự án như thế nhằm đánh bại ông Erdogan. Nhưng rõ ràng, đó hoàn toàn không phải là nền tảng cho một mối quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Mỹ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục