Trong bài viết gửi Cơ quan thường trú TTXVN tại New Delhi, với nhan đề ''Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ không ngừng phát triển,'' ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết bang Tây Bengal, Ấn Độ, một lần nữa lại kể về những mối liên hệ xa xưa, những nét tương đồng văn hóa, và mối tình keo sơn góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng đơm hoa kết trái.
Theo ông Sharma, quan hệ Ấn Độ-Việt Nam có từ khoảng thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên hoặc có thể trước đó nữa, khi đoàn thuyền buôn đầu tiên của Ấn Độ tới đất Việt Nam. Từ đó, mối quan hệ đã phát triển mạnh mẽ thành mối quan hệ hữu nghị truyền thống đã trải qua những thử thách của thời gian.
Cả hai dân tộc luôn bên cạnh nhau một cách tự nhiên trong những thời điểm khủng hoảng hoặc trong nhiều vấn đề khó khăn.
Ông Sharma lưu ý, từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, nhiều người Ấn Độ lần đầu tiên tới Việt Nam cùng với hàng hóa, lúc đầu để buôn bán, sau đó định cư tại miền Trung và một số tại khu vực miền Nam Việt Nam.
Các viện sỹ và các nhà trí thức hai nước đã nhận thấy rõ sự mở rộng văn hóa của Ấn Độ tại Việt Nam. Những dấu tích thể hiện sự hiện diện của văn hóa Ấn Độ đó là các tháp của người Chàm hay còn gọi là đền của đạo Hindu tại miền Trung Việt Nam.
Cần phải nói rằng các vương quốc Chàm đã được thiết lập tại miền Trung Việt Nam và tồn tại ở đó từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 15. Những vương quốc của người theo đạo Hindu này được thành lập không phải xâm lược hay bạo lực mà là một sự hòa đồng lớn với dân địa phương.
Những người đứng đầu các vương quốc Hindu tại Việt Nam chưa bao giờ bị đối xử như những kẻ xâm lược hay ngoại lai và sau thời kỳ suy vong của những vương quốc Hindu này, họ không bị đẩy đi mà đã đồng hóa với dòng chính thống của xã hội Việt Nam.
Có khoảng 100 người Hindu hiện ở Việt Nam và họ vẫn giữ những phong tục của mình, song tự hào là công dân Việt Nam.
Trong những thời kỳ hiện đại, nền móng vững chắc của mối quan hệ Ấn-Việt do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawahar Lal Nehru tạo dựng, đã được các thế hệ lãnh đạo hai bên dày công vun đắp.
Ấn Độ coi trọng mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam và luôn đứng bên cạnh Việt Nam trong những thời điểm khó khăn. Do đó, hoàn toàn tự nhiên khi chính phủ và nhân dân Ấn Độ nói chung, đặc biệt là nhân dân bang Tây Bengan, đã dành sự ủng hộ về tinh thần và vật chất cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.
Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam quá gần gũi với nhân dân Ấn Độ và nhân dân Tây Bengal, điển hình là vào thời điểm tháng 1/1947, ba sinh viên Ấn Độ đã ngã xuống dưới làn đạn của cảnh sát Anh khi họ xuống đường bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh hùng và phản đối ách áp bức của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Sau khi Ấn Độ giành độc lập (năm 1947), nhân dân Tây Bengal, đặc biệt là nhân dân Kolkata (thủ phủ bang Tây Bengal) đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước của Việt Nam.
Thanh niên Kolkata không chỉ xuống đường biểu tình phản đối lực lượng đế quốc Mỹ và bày tỏ đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mà họ còn hiến máu và giửi vật phẩm, thuốc men ủng hộ quân đội giải phóng.
Năm 1975, Việt Nam đã giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước, song thiệt hại do chiến tranh gây ra rất nặng nề. Chính phủ Ấn Độ đã giúp đỡ Việt Nam về vật chất trong tiến trình tái thiết đất nước.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam liên tục đâm chồi và phát triển mạnh mẽ, cho dù đảng nào lên nắm quyền lãnh đạo tại Ấn Đô, bởi quan hệ song phương dựa trên sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác, phục vụ lợi ích tốt nhất không chỉ của hai dân tộc, mà cả của toàn khu vực châu Á.
Còn nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Ấn Độ chưa khai thác hết tiềm năng như văn hóa, văn học và du lịch.
Các mối quan hệ được phát triển thông qua văn hóa và văn học, thông qua tiếp xúc nhân dân sẽ mãi mãi bền vững, bởi đây là những mối quan hệ đi qua con tim.
Với chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pranb Mukherjee, nhân dân Việt Nam và Ấn Độ thêm tin tưởng rằng tình hữu nghị đã được thử thách qua thời gian của chính phủ và nhân dân hai nước sẽ càng được thắt chặt hơn nữa./.