Mối quan hệ đang biến đổi của trục dầu mỏ Nga, Saudi Arabia và Mỹ

Đối với Saudi Arabia và Nga, giá dầu dao động trên mốc 30 USD/thùng tương đương với nền kinh tế bị “cảm lạnh,” còn với ngành năng lượng Mỹ, mức giá như vậy là một “căn bệnh nan y.”
Mối quan hệ đang biến đổi của trục dầu mỏ Nga, Saudi Arabia và Mỹ ảnh 1Nhân viên làm việc tại nhà máy của Tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco, Saudi Arabia . (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các mối quan hệ dầu mỏ hiện nay được coi là đầy bất ổn và biến động. Sau những bế tắc khởi đầu từ cuộc họp kỹ thuật của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác hồi tháng Hai và tháng Ba năm nay, Nga và Saudi Arabia thông báo sẽ đẩy mạnh sản xuất, châm ngòi cho một cuộc chiến giá dầu mỏ và kéo giá “vàng đen” giảm sâu.

Mặc dù tại cuộc họp tháng Tư vừa qua, các bên đã đạt được đồng thuận nhằm cắt giảm một phần sản lượng để hạn chế tình trạng dư cung, song nếu quan sát những diễn biến trên thị trường dầu mỏ thời gian vừa qua, giới phân tích đã chỉ ra những toan tính đằng sau động thái của mỗi bên, đặc biệt là mối quan hệ đang biến đổi trong “trục dầu mỏ” tay ba giữa Nga, Saudi Arabia và Mỹ.

Theo bài phân tích đăng trên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat, OPEC+ đã tổ chức một cuộc họp kỹ thuật hôm 6/2 tại Vienna (Áo) nhằm cố gắng đạt được một sự thống nhất về giá dầu và sản lượng phù hợp.

Cuộc họp kết thúc mà không có thỏa thuận nào, sau khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng, ngay cả khi điều này có thể đẩy giá dầu tiếp tục giảm mạnh, dù đã chịu sức ép từ sự bùng phát của cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

[Nga và Saudi Arabia đưa ra cam kết ổn định thị trường dầu mỏ]

Quyết định của Nga được coi là điều bất thường, khi xuất khẩu năng lượng chiếm không nhỏ trong ngân sách của nước này.

Tuy nhiên, với chính sách đối ngoại phiêu lưu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như sự bất mãn ngày càng tăng về đời sống suy giảm, nhà lãnh đạo Nga cảm thấy chưa thể giảm sản lượng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa giá dầu sẽ không tăng dù đã ở mức tương đối thấp.

Không lâu sau một cuộc họp khác đầu tháng Ba, Saudi Arabia đã kích hoạt “bom tấn” thậm chí còn lớn hơn khi tuyên bố tăng sản lượng khai thác, đồng thời giảm giá dầu thô thông qua hình thức chiết khấu cho các khách hàng.

Kết quả là ngày 9/3/2020, giá dầu rơi xuống 24 USD/thùng, đánh dấu mức giảm kỷ lục của “vàng đen” trong gần ba thập kỷ qua, tương đương mức giảm lên tới 30 USD/thùng.

Nhìn bề ngoài, điều này thậm chí có ý nghĩa hơn cả việc Nga từ chối cắt giảm sản xuất.

Chính quyền Riyadh đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm tốn kém với Iran ở Yemen, trong khi ngân sách của nước này thậm chí còn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ hơn so với Nga.

Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia đang ở mức lớn chưa từng thấy.

Cho dù sở hữu dự trữ ngoại tệ khoảng 500 tỷ USD, Riyadh cũng khó có thể bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của mức giá thấp như vậy trong dài hạn.

Vậy vì sao hai nhà sản xuất phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ này lại hành động theo cách gây bất lợi cho nền kinh tế của chính họ?

Mục tiêu của Nga

Về động cơ của Nga, câu trả lời dường như rõ ràng. Phía Nga cho rằng nạn nhân chính từ tình trạng giá dầu thấp kéo dài sẽ là ngành năng lượng Mỹ.

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng, và thế giới hẳn chưa quên cuộc cuộc khủng hoảng dầu mỏ giai đoạn sau năm 1973 khi các nước Arab ngừng xuất khẩu nhiên liệu sang Mỹ.

Điều này đã thay đổi trong hai thập kỷ qua nhờ công nghệ fracking (bẻ gãy thủy lực) mới đã cho phép các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ khai thác nguồn trữ lượng dầu đá phiến khổng lồ.

Nhờ công nghệ fracking, Mỹ đã tiến tới khả năng độc lập năng lượng vào năm 2016, và năm ngoái đã bắt đầu xuất khẩu một lượng đáng kể dầu thô và chế phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên, công nghệ fracking có chi phí đắt đỏ hơn so với khoan truyền thống. Với mức giá 30 USD/thùng, hầu hết các hoạt động khoan dầu có thể không có lãi, song vẫn được coi là khả thi.

Ngược lại, công nghệ fracking bắt đầu đánh mất lợi ích kinh tế ở mức giá khoảng 50 USD/thùng.

Đối với Saudi Arabia và Nga, giá dầu dao động trên mốc 30 USD/thùng tương đương với nền kinh tế bị “cảm lạnh,” còn với ngành năng lượng Mỹ, mức giá như vậy là một “căn bệnh nan y” sẽ khiến ngành công nghiệp dầu đá phiến sụp đổ.

Trong thập kỷ qua, Nga đã không che dấu sự thật rằng họ coi mình là đối thủ của Mỹ, và không có gì ngạc nhiên khi Nga sẵn sàng làm tổn thương kinh tế chính bản thân, nếu điều đó có thể gây ra nỗi đau lớn hơn cho nước Mỹ.

Chiến lược của ông Putin là đối đầu một cách gián tiếp với Mỹ, chủ yếu bằng cách tạo ra xáo trộn hệ thống chính trị của Washington thông qua một chiến dịch đánh lạc hướng thông tin trên không gian mạng tinh vi và hiệu quả.

Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Tạo ra cơn ác mộng kinh tế đối với ngành năng lượng Mỹ có thể thúc đẩy đáng kể những nỗ lực của ông Putin nhằm gây bất ổn hơn nữa và làm tê liệt hệ thống chính trị của Mỹ vốn đã trong tình cảnh rối loạn.

Điều quan trọng, 2020 là năm bầu cử của nước Mỹ, Tổng thống ông Putin có thể tạo ra một “cơn bão” gần như hoàn hảo nhằm gây ra sự gián đoạn kinh tế-chính trị, trong bối cảnh phần lớn các tiểu bang sẽ gánh chịu sự đổ vỡ của ngành dầu đá phiến nằm ở vùng trung tâm nông thôn nước Mỹ (Oklahoma, Kansas, Nebraska, Bắc Dakota, Montana, Wyoming) hoặc miền Nam (Mississippi, Arkansas, Alabama, Louisiana).

Thậm chí đáng ngại hơn, một số bang miền Trung Tây có khả năng giữ vai trò quyết định trong cuộc bầu cử, chẳng hạn như Ohio, Michigan và Pennsylvania, cũng là các trung tâm của công nghệ fracking và nền kinh tế của các bang này phụ thuộc nhiều vào công nghiệp dầu đá phiến.

Những tiểu bang này chia sẻ một vài “mẫu số chung” quan trọng. Đây là những bang đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2016, và các bang này đều nghèo hơn, bảo thủ hơn và ít đa dạng hơn so với nước Mỹ nói chung.

Đối với hầu hết những tiểu bang này, khai thác dầu đá phiến dựa trên công nghệ fracking là một trong số ít các công cụ tạo việc làm đáng kể. Nếu công nghệ fracking dịch chuyển về phía Nam, các bang này sẽ chứng kiến tình trạng thất nghiệp tăng đột biến, qua đó có thể tác động đáng kể tới kết quả cuộc bầu cử, đặc biệt tại các bang quan trọng như Ohio, Michigan và Pennsylvania.

Cuộc tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ cũng có tiềm năng gây ra tổn thương đáng kể đối với địa-chính trị. Nếu không có công nghệ để khai thác dầu đá phiến, nước Mỹ sẽ ngay lập tức biến từ một nhà xuất khẩu dầu mỏ sang một nhà nhập khẩu lớn.

Moskva đã thành công trong việc khai thác sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) đối với khí đốt của Nga để có được những lợi thế địa chính trị.

Ông Putin chắc hẳn còn nhớ vụ tẩy chay dầu mỏ của các nước Arab đã ảnh hưởng như thế nào đến nước Mỹ trong những năm 1970 của thế kỷ trước.

Việc đưa Mỹ trở lại sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài sẽ mang lại cho ông Putin đòn bẩy chưa từng có trước Washington.

Điểm mấu chốt là nếu sách lược này phát huy hiệu quả thì Moskva có thể dùng một mũi tên nhắm vào ba đích: Có thể làm tổn hại hệ thống chính trị Mỹ, làm giảm sức mạnh kinh tế và quyền lực mềm của Washington, đồng thời hạn chế khả năng phòng vệ của Mỹ trước các kế hoạch của Nga.

Toan tính của Saudi Arabia

Điều thú vị hơn là vì sao Saudi Arabia lại “bắt tay” Nga trong cuộc tấn công gây thiệt hại như vậy nhằm vào đồng minh Mỹ, bởi lẽ vương quốc này từ lâu đã phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ để đảm bảo sự tồn tại của chế độ.

Câu trả lời có thể là Thái tử Mohammed bin Salman đã đi đến kết luận rằng Saudi Arabia khó có thể chỉ dựa vào Mỹ và cần phải tính toán lại chiến lược và chính sách của mình.

Mối quan hệ đang biến đổi của trục dầu mỏ Nga, Saudi Arabia và Mỹ ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp ở Washington DC., ngày 20/3/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Có một số logic dẫn tới quan điểm này này. Trước hết, ông Trump đã chứng minh rằng trong khi ông luôn tự hào về “cây gậy lớn” của nước Mỹ, ông chủ Nhà Trắng lại cực kỳ do dự khi sử dụng nó.

Hồ sơ của ông Trump kể từ khi nhậm chức cho thấy một mô hình theo xu hướng thoái lui, đặc biệt là liên quan tới các vấn đề Trung Đông.

Ông đã từ bỏ người Kurd tại Syria và làm suy yếu sự răn đe của Saudi Arabia, khi từ chối trả đũa sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình gây thiệt hại lớn đối với các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, vốn luôn được coi là mục tiêu chiến lược. Đây không phải là sự vận động trong ngắn hạn.

Đảng Cộng hòa, vốn có xu hướng “diều hâu” hơn Đảng Dân chủ kể từ những năm 1950, đã trải qua giai đoạn biến chuyển dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đảng Cộng hòa đã thông qua tất cả các chính sách của ông Trump, chủ yếu là đường lối dân túy và chủ nghĩa biệt lập kiểu mới.

Về mặt kinh tế, ông Trump đã từ bỏ cam kết về sự thận trọng tài khóa và ngân sách cân bằng hợp lý. Về chính sách đối ngoại, có sự khác biệt giữa “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Nước Mỹ trên hết.”

Có rất ít lý do để cho thấy nếu tái đắc cử ông Trump sẽ vứt bỏ chủ nghĩa biệt lập mới của mình và áp dụng kiểu chính sách đối ngoại chủ động và “diều hâu” từng là một dấu ấn của Đảng Cộng hòa.

Trong khi đó, ý tưởng về một chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ cũng là “cơn ác mộng” đối với Saudi Arabia. Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden từng là nhà sáng lập chính sách đối ngoại hàng đầu dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Obama nói chung và đối với khu vực Trung Đông nói riêng, gắn kết bằng sự thận trọng và ác cảm sâu sắc với các cuộc đối đầu. Một chính quyền của ông Joe Biden sẽ ít có khả năng can thiệp quân sự thay cho các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Do đó, Thái tử Mohammed bin Salman dường như đã bắt tay vào một “trò chơi” có rủi ro cao, trong đó vị Thái tử Saudi Arabia hy vọng sẽ đạt được hai mục tiêu.

Bằng cách phối hợp chính sách giá dầu với Nga, Thái tử Mohammed bin Salman hy vọng sẽ đưa Moskva vào lợi ích của Riyadh, cũng như cuộc chơi mà Riyadh đang theo đuổi với Iran và trục Thổ Nhĩ Kỳ-Qatar ở Syria.

Saudi Arabia muốn sự hiện diện của Iran ở Syria phải được kiềm chế và để làm điều đó, chỉ có Nga mới có thể giúp ích được Thái tử Mohammed bin Salman trong vấn đề này.

Giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến Iran nhiều hơn bất kỳ quốc gia Trung Đông nào khác, buộc nước này phải giảm sự tham gia của quân đội vào khu vực (Syria, Iraq, Yemen), và thậm chí có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Thái tử Mohammed bin Salman cũng biết rằng cách duy nhất để đảm bảo sự hỗ trợ liên tục của Mỹ là một lần nữa biến nước Mỹ phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia. Hợp tác với Nga để phá hủy ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu đó.

Cơ hội thành công của Thái tử Mohammed bin Salman trong “cuộc chơi” này là có cơ sở do tính chất mâu thuẫn trong khối liên minh chiến lược của Nga với các quốc gia có nhiều lợi ích đối nghịch hơn là tương đồng.

Có một thực tế rằng, động thái dung hòa của ông Putin giữa Ankara và Tehran hay sự cân bằng của Thái tử Mohammed bin Salman giữa Nga và Mỹ là điều không thể tồn tại mãi mãi. Tuy nhiên, cho đến khi ông Putin quyết định dừng lại và đưa ra lựa chọn chiến lược, Saudi Arabia vẫn có thể tiếp tục “cuộc chơi” của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục